A.      Đặt tên riêng của doanh nghiệp có sử dụng tiếng nước ngoài:

Mới đây một Công ty Nhật Bản tiến hành đầu tư vào KCX Tân Thuận. Khi nộp hồ sơ xin cấp phép đầu tư thì Ban Quản lý các KCX - KCN (HEPZA) đề nghị chỉnh lại tên Doanh nghiệp với lý do NĐ 43 không quy định được sử dụng tiếng ngoài để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp đặt bằng tiếng Việt [1] .

Khi đến Việt Nam tiếp cận thị trường, Công ty Nhật Bản đã không quên nghiên cứu các quy định pháp lý liên quan đến đặt tên cho Công ty dự định sẽ được thành lập. Theo đó, tại thời điểm ra quyết định đầu tư, Nghị định 88/2006/NĐ-CP cho phép “Riêng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể sử dụng tên riêng bằng tiếng nước ngoài đã đăng ký để cấu thành một phần hoặc toàn bộ tên riêng của doanh nghiệp – điểm b, khoản 1, điều 10”. Trong thời gian chuẩn bị hồ sơ (vì phải hợp pháp hóa lãnh sự các hồ sơ cần thiết khá lâu) cho đến khi hoàn tất thì NĐ 43 ra đời.

Chúng ta đều biết rằng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không chỉ riêng các thể nhân mà rất nhiều pháp nhân kinh tế (Công ty). Các Công ty này đã có bề dày kinh nghiệm và nổi tiếng trên phạm vi toàn cầu. Chính vì lẻ đó, giữ nguyên tên của mình và chỉ thêm tên của Quốc gia nơi đầu tư để phân biệt với các Công ty thành lập ở các Quốc gia khác nhau là lựa chọn của các Công ty này (Ví dụ như Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, Intel Việt Nam ...). Vấn đề là vậy, NĐ 88 cũng thể hiện rất rõ chính sách của Nhà nước Việt Nam cam kết bảo vệ nhu cầu chính đáng đó cho Nhà đâu tư nước ngoài nhưng không biết lý do gì NĐ 43 lại bỏ đi? Nếu không được sử dụng tên Công ty mà mình phải bỏ công tạo lập thì chắc chắn nhà đầu tư nước ngoài sẽ không vào Việt Nam.

Chẳng lẽ Việt Nam đã thu hút đủ vốn đầu tư nước ngoài và chúng ta cần thay đổi chính sách để hạn chế đầu tư? Chính sách của Nhà nước thay đổi làm ảnh hưởng đến các dự định của doanh nghiệp được xem là một rủi ro pháp lý. Song trường hợp quy định về đặt tên doanh nghiệp không phải chính sách thay đổi mà dường như các Cơ quan soạn thảo đã vô ý hay cố tình mắc lỗi bỏ đi quy định tại điểm b, điều 10 của NĐ 88 khi soạn thảo NĐ 43. Ngày 20/7/2010, Thông tư 14/2010/TT-BKH hướng dẫn NĐ 43 sẽ có hiệu lực và dĩ nhiên việc đặt tên cho Công ty có vốn đầu tư nước ngoài sẽ trờ thành môt đề tài nóng bỏng cần phải bận tâm của các Luật sư. Để giải quyết lỗi này, Bộ kế hoạch đầu tư cần sớm có hướng dẫn rõ cho các Cơ quan đăng ký kinh doanh chấp nhận cách đặt tên riêng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo như hướng dẫn tại điểm b, điều 10, NĐ 88 đã hết hiệu lực.

B.      Đặt tên vi phạm quyền sở hữu công nghiệp:

Trong năm 2006, Công ty TNHH Công Nghiệp Thực Phẩm Á Châu (“ASIAFOOD”) (nay đã chuyển đổi thành Công ty cổ phần) có trụ sở tại Bình Dương đã gửi Công văn cho Sở KHĐT Tp.HCM đề nghị thu hồi GCN ĐKKD cấp cho Chi nhánh tại Tp.HCM của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Châu Á (“MICOEM”). Lý do ASIAFOOD đưa ra là thành phần tên tiếng Anh của MICOEM đã sử dụng cụm từ ASIAFOOD (dịch nghĩa của cụm từ tiếng Việt là Thực phẩm Châu Á) đã được Cục Sở hữu Trí tuệ bảo hộ theo Văn bằng số 4-0044837-000 ngày cấp 16/01/2003. Tuy vậy, yêu cầu của ASIAFOOD đã không được chấp thuận vì tại thời điểm đó NĐ 88 chưa quy định về nội dung này.

Đến NĐ 43 đã có quy định xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp vi phạm quy định về sở hữu công nghiệp (điều 17). Song dù có nhưng với những nội dung trong điều 17 thực tế sẽ chẳng bao giờ thực thi được vì:

(i)  Khoản 1, điều 17 quy định “Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó”. Với quy định này, Cơ quan soạn thảo đã đồng nhất hai khái niệm một là sử dụng và hai là sử dụng vi phạm. Theo đó một nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý hay tên thương mại khi được bảo hộ sẽ không mặc nhiên phát sinh quyền (không cho phép xâm phạm) đối với tất cả các chủ thể.

Cụ thể, ngoài các dấu hiệu, chỉ dẫn, tên thương mại được bảo hộ thì cần phải xem đến danh mục hàng hoá, dịch vụ được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; sản phẩm mang dấu hiệu bị nghi ngờ với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; hay sản phẩm, dịch vụ mang tên thương mại (Điều 11, 12, 13, Nghị định 105/2006). Điều này có nghĩa rằng không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp khi ngành nghề kinh doanh (danh mục hàng hóa, dịch vụ) của doanh nghiệp dự định thành lập bị trùng với ngành nghề kinh doanh đã được bảo hộ đi kèm với tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Cần phải nắm rõ quy định này nếu không sẽ có rất nhiều hồ sơ thành lập Công ty bị trả một cách oan uổng.

(ii)  Trường hợp phát hiện ra Cơ quan đăng ký kinh doanh đã cấp phép thành lập cho Doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Chủ sở hữu báo cho Cơ quan đăng ký kinh doanh để cơ quan này yêu cầu doanh nghiệp vi phạm tự nguyện làm hồ sơ chuyển đổi tên trong thời hạn hai tháng. Nếu doanh nghiệp không thay đổi tên theo yêu cầu, Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Quy định trên những tưởng rất chặt chẽ nhưng nghiên cứu kỹ mới thấy không bao giờ chủ thể quyền sở hữu công nghiệp đạt được mục đích của mình là yêu cầu Công ty có tên vi phạm phải đổi tên nếu dựa vào các quy định hiện hành.

Luật sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi năm 2009), Nghị định 105/2006/NĐ-CP về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Nghị định 106/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến sở hữu công nghiệp, Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án đều không có quy định hình thức buộc chủ thể vi phạm phải tiến hành đổi tên doanh nghiệp. Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp quy định đổi tên là quyền của doanh nghiệp, Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ có quyền thu hồi GCN ĐKKD chứ không có quyền đổi tên doanh nghiệp. Các căn cứ thu hồi GCN ĐKKD lại không có trường hợp vi phạm liên quan đến Sở hữu trí tuệ.

Như vậy, cho dù phán quyết của Tòa có đưa ra là buộc doanh nghiệp chấm dứt hành vi xâm phạm (không được tiếp tục sử dụng tên vi phạm) mà doanh nghiệp không thực hiện thì Cơ quan Thi hành án cũng chịu thua vì không thể căn cứ vào quyết định của Tòa để yêu cầu Cơ quan đăng ký kinh doanh đổi tên doanh nghiệp vi phạm.

Luật doanh nghiệp và Sở hữu trí tuệ hiện nay đã được ban hành từ năm 2005. Với gần ấy thời gian áp dụng trong thực tế, tưởng rằng các cơ quan chuyên môn khi tiến hành sửa đổi phải đút kết được nhiều điều bổ ích để góp phần tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, nào ngờ!
_________________________________________

[1] Nhà đầu tư là Công ty Nisshou Astec Co., Ltd và tên đặt tại Việt Nam bị từ chối là VINA ASTEC.
 
 
Trần Văn Trí // Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Hùng và Đồng sự