TS. NGUYỄN NGỌC KHÁNH – Viện Kiểm sát nhân dân tối cáo
1. Vị trí, vai trò cơ quan Công tố Hoa Kỳ trong tố tụng dân sự
Tại Hoa Kỳ, hai hệ thống cơ quan Công tố liên bang và các tiểu bang gần như độc lập tách rời nhau trong đó có sự phân định các lĩnh vực (bao gồm cả hình sự và dân sự) thuộc thẩm quyền liên bang và thuộc thẩm quyền tiểu bang. Thông thường, thẩm quyền tiểu bang chỉ giới hạn đối với các vụ việc dân sự xảy ra trên địa bàn lãnh thổ của bang (nếu xảy ra trên lãnh thổ nhiều bang thì phải có sự phối hợp hoạt động giữa các Văn phòng Tổng Chưởng lý tiểu bang). Thẩm quyền liên bang thì mở rộng đối với các vụ việc dân sự xảy ra trên bình diện rộng hoặc trên phạm vi toàn liên bang. Sự kết hợp cả hai thẩm quyền này tạo nên vị trí, vai trò tổng thể của cơ quan Công tố Hoa Kỳ trong tố tụng dân sự. Vị trí, vai trò tổng thể của cơ quan Công tố Hoa Kỳ trong tố tụng dân sự được thể hiện tập trung và rõ nét thông qua chức năng đại diện cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ hay Chính phủ Hoa Kỳ, cũng như cho các cơ quan hành pháp liên bang, các cơ quan hành pháp tiểu bang trong các khiếu kiện dân sự nếu các đối tượng này là một bên tham gia tranh chấp (với tư cách là nguyên đơn hoặc với tư cách là bị đơn); và trong những trường hợp này, các Công tố viên tham gia tố tụng có vị trí như một bên đương sự. Các loại khiếu kiện dân sự mà cơ quan Công tố Hoa Kỳ có thể tham gia tương đối đa dạng và phong phú, chủ yếu bao gồm:
Thứ nhất, đại diện và trực tiếp bảo vệ lợi ích cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ hay Chính phủ Hoa Kỳ, cũng như cho các cơ quan hành pháp khác trong các vụ kiện dân sự mà các đối tượng này là một bên tham gia tranh chấp (cả trong nước cũng như tại Toà án nước ngoài).
Trong vụ United States chống HCA (Tổ hợp dịch vụ y tế), Văn phòng Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ thay mặt Chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc và khởi kiện dân sự HCA vì đã lừa dối Chính phủ thông qua việc ghi hoá đơn gian dối và ghi tăng các chi phí bệnh viện đối với các hợp đồng ký với Chính phủ về bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khoẻ tại các phòng điều trị nội, ngoại trú và về các dịch vụ chăm sóc tại nhà, qua đó đòi được hàng trăm triệu đô la cho Chính phủ.
Thứ hai, để bảo vệ và củng cố luật pháp, chương trình và chính sách của Chính quyền liên bang trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, trong một số trường hợp nhất định, Văn phòng Tổng Chưởng lý có thể khởi kiện yêu cầu bãi bỏ các văn bản pháp luật, nếu việc áp dụng chúng làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của các công dân. Một ví dụ điển hình là vụ Tổng Chưởng lý tiểu bang New York khởi kiện dân sự đối với Điều lệ hoạt động của Cơ quan bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và an sinh xã hội với lý do: Nếu căn cứ theo nội dung Điều lệ, ít nhất khoảng 20.000 người dân New York sẽ không còn cơ hội tham gia và hưởng lợi ích từ Chương trình “Hỗ trợ cho các gia đình có những đứa trẻ sống nương nhờ” của Chính phủ. Kết quả là đơn khởi kiện được chấp nhận, Điều lệ bị tuyên bố huỷ bỏ. Chính quyền liên bang chấp thuận trả thêm 40 triệu đô la cho tiểu bang New York trong năm đồng thời đồng ý cấp thêm kinh phí cho Chương trình với mức 8 triệu đô la mỗi năm.
Thứ ba, với mục đích bảo đảm việc thực hiện công lý công bằng và trong sạch đối với tất cả công dân Mỹ, Văn phòng Tổng Chưởng lý có thể tiến hành kiện tụng nhằm bảo vệ chính sách “cơ hội ngang bằng”, không phân biệt đối xử đối với những nhóm người chịu thiệt thòi trong xã hội (như phụ nữ, người bị tàn tật, người dân tộc thiểu số, người da đen…). Chẳng hạn, theo đơn khởi kiện của Tổng Chưởng lý tiểu bang New York về vụ một Trung tâm lớn về bố trí việc làm cùng với các doanh nghiệp tuyển dụng thường xuyên có những quyết định và hành vi phân biệt đối xử (về chủng tộc, về giới tính, về thành phần trong xã hội…) trong việc nhận người (như: Từ chối cung cấp thông tin về những nơi khuyết chỗ cho người da đen và người Tây Ban Nha; từ chối tiếp nhận những nhóm người thiểu số vào làm việc; cố tình sắp xếp những nhóm người này vào những vị trí trả lương thấp…), Toà án đã áp dụng biện pháp ngăn chặn và ra lệnh cấm đối với việc phân biệt đối xử bất hợp pháp này.
Thứ tư, đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố, bảo vệ các luật chống khủng bố và chính sách nhập cư thông qua kiện tụng dân sự. Chẳng hạn, trong vụ Global Relief Foundation, thay mặt Chính phủ Hoa Kỳ và Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Văn phòng Tổng Chưởng lý đã bảo vệ thành công tại toà khi Quỹ cứu trợ toàn cầu, một tổ chức từ thiện có quan hệ với Hamas – một tổ chức khủng bố nước ngoài, đưa ra khiếu nại và đòi bồi thường về việc Chính phủ phong toả tài khoản của Quỹ và những đối tượng cung cấp tiền cho Quỹ.
Thứ năm, bảo vệ môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, bảo vệ và thực thi các luật điều chỉnh các hành vi thương mại gian dối và không trong sạch tại các bang, Văn phòng Tổng Chưởng lý tiểu bang có thể khởi kiện lên Toà án để yêu cầu bồi thường thiệt hại và cấm các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, nếu các hoạt động kinh doanh này vi phạm các đạo luật chống độc quyền và gây hại cho nền kinh tế của tiểu bang hoặc xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều công dân (tập hợp lớn người không xác định).
Thứ sáu, thực thi luật pháp bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ các chương trình và chính sách của Chính phủ liên bang trong các lĩnh vực liên quan đến an toàn và sức khoẻ của người tiêu dùng thuộc quyền quản lý của các cơ quan hành pháp liên bang, Văn phòng Tổng Chưởng lý có trách nhiệm tham gia vụ kiện dân sự phát sinh theo quy định của một số đạo luật liên bang về bảo vệ an toàn và sức khoẻ cộng đồng. Chẳng hạn, theo yêu cầu của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm FDA, Văn phòng Tổng Chưởng lý đã tiến hành truy tố và khởi kiện các nhà sản xuất dược phẩm biến đổi gen vì việc các nhà sản xuất này có được giấy phép của FDA đối với một số loại thuốc biến đổi gen là nhờ vào cách nộp các dữ liệu thí nghiệm sai lệch. Kết quả đã dẫn tới việc áp dụng một số biện pháp ngăn chặn dân sự đối với các công ty dược phẩm cùng với tổng số tiền phạt dân sự đến hơn 51 triệu đô la.
Thứ bảy, thực thi luật pháp về bảo vệ môi trường, bên cạnh chức năng tư vấn pháp luật cho các cơ quan hành pháp liên bang, Văn phòng Tổng Chưởng lý có thể khởi kiện để bảo vệ lợi ích công trong trường hợp mà việc ô nhiễm môi trường đã xâm hại hoặc có khả năng xâm hại đến sức khoẻ cộng đồng dân cư và an toàn xã hội. Một ví dụ là trường hợp Tổng Chưởng lý một tiểu bang đã khởi kiện và bảo vệ thành công tại Toà trong việc yêu cầu nhà máy sản xuất chì và than phải đóng cửa do hoạt động sản xuất của nhà máy làm huỷ hoại môi trường, đồng thời nhà máy còn phải bồi thường hàng chục triệu đô la cho việc xả rác thải có chất độc hại ra sông(1).
2. Vị trí, vai trò của cơ quan Công tố Nhật Bản trong tố tụng dân sự
Trong tố tụng dân sự, Công tố viên Nhật Bản(2) có vai trò như người đại diện cho lợi ích công, tham gia tố tụng với vị trí là người đại diện cho những đương sự không có khả năng tự thực hiện các quyền dân sự của mình. Bộ luật Dân sự Nhật Bản có khá nhiều điều luật quy định về thẩm quyền của Công tố viên trong lĩnh vực này, như: Quyền yêu cầu Toà án tuyên bố người thường xuyên nằm trong tình trạng suy nhược tinh thần là người mất năng lực hành vi (Điều 7); quyền yêu cầu Toà án rút việc tuyên bố mất năng lực hành vi khi nguyên nhân gây ra tình trạng mất năng lực hành vi không còn nữa (Điều 10); quyền yêu cầu Toà án chỉ định người quản lý tài sản trong trường hợp nếu có một người rời bỏ nơi thường trú hay nơi tạm trú mà không chỉ định người quản lý tài sản của mình (Điều 25); quyền yêu cầu Toà án chỉ định người quản lý tài sản khác trong trường hợp nếu người đi vắng trước đó có cử người quản lý tài sản song không rõ người đi vắng này còn sống hay đã chết (Điều 26); quyền yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật (Điều 744); quyền yêu cầu tước bỏ hoặc hạn chế quyền của cha mẹ trong trường hợp nếu cha mẹ lạm dụng quyền của mình hoặc có lỗi nghiêm trọng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái (Điều 834); quyền yêu cầu Toà án tước bỏ quyền quản lý của cha mẹ đối với tài sản của con cái trong trường hợp nếu việc cha mẹ quản lý tài sản đó gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản họ đang quản lý (Điều 835); quyền yêu cầu Toà án thải hồi người giám hộ nếu người giám hộ thực hiện một hành vi không đúng hoặc điều hành sai lầm nghiêm trọng hoặc nếu có cơ sở cho thấy rằng người giám hộ không phù hợp cho việc thực hiện trách nhiệm giám hộ (Điều 845); quyền yêu cầu Toà án chỉ định người quản lý di sản thừa kế trong trường hợp nếu vẫn chưa rõ là có người thừa kế hay không (Điều 952)…
3. Vị trí, vai trò của cơ quan Công tố Cộng hoà Indonesia trong tố tụng dân sự
Trong tố tụng dân sự, cơ quan Công tố Cộng hoà Indonesia được trao thẩm quyền khá rộng. Ngoài các nhiệm vụ tham gia vào các hoạt động nhằm tăng cường nhận thức pháp luật trong xã hội, tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm việc thi hành các chính sách thực thi pháp luật, tư vấn và hỗ trợ thông tin về mặt pháp lý cho các cơ quan nhà nước, cơ quan Công tố Cộng hoà Indonesia có thẩm quyền:
Thứ nhất, tiến hành các hoạt động pháp lý đại diện và phục vụ cho lợi ích của Nhà nước và Chính phủ trong và ngoài Toà án. Công tố viên có thể đại diện cho Nhà nước và Chính phủ với tư cách là nguyên đơn hoặc bị đơn trong các án kiện tại Toà án hay là một bên tham gia đối với các vụ việc pháp lý giải quyết ngoài Toà án.
Ngày 09/7/2007, các Công tố viên Indonesia đã nhân danh Nhà nước và Chính phủ khởi tố ra toà vụ kiện dân sự chống lại cựu Tổng thống Suharto với yêu cầu bồi thường 1,54 tỷ đô la cho những thiệt hại kinh tế mà nhà lãnh đạo này gây ra trong thời gian 32 năm cầm quyền.
“Đây không phải là một vụ án hình sự chống tham nhũng mà chỉ là một vụ kiện dân sự. Chúng tôi chỉ muốn lấy lại tiền. Số tiền đó có thể được sử dụng để tái thiết và phát triển đất nước”, Công tố viên Dachamer Munthe cho biết.
Theo tài liệu được công bố, phía công tố yêu cầu cựu Tổng thống 86 tuổi phải trả lại 441 triệu đô la mà họ cáo buộc ông đã biển thủ từ công quỹ, đồng thời bồi thường thiệt hại thêm 1,1 tỷ đô la. Các Công tố viên cho rằng, số tiền trên đã được chuyển từ Ngân hàng Trung ương Indonesia, thông qua các ngân hàng quốc doanh khác tới Quỹ tài trợ Yayasan Supersemar do Tổng thống Suharto đứng đầu. Quỹ này được thành lập nhằm mục đích cung cấp học bổng giáo dục nhưng lại sử dụng phần lớn số tiền cho các mục đích không đáng tin cậy (Báo Thể thao hàng ngày, số ra ngày 10/7/2007, tr. 20).
Thứ hai, kháng nghị đối với các vụ án dân sự lên Toà án tối cao. Theo quy định tại điểm d Điều 35 Luật tổ chức cơ quan Công tố nước Cộng hoà Indonesia (Luật số 16/2004 được Quốc hội thông qua ngày 26/7/2004), thẩm quyền kháng nghị này thuộc về Tổng Chưởng lý.
Qua nghiên cứu các quốc gia nêu trên (Xem thêm: Vị trí, vai trò của Viện công tố Pháp, Viện kiểm sát Liên bang Nga, Viện kiểm sát Trung Quốc trong tố tụng dân sự – Tạp chí Kiểm sát số Xuân tháng 01 năm 2008) cho thấy, mặc dù có thể chế chính trị khác nhau, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội khác nhau, truyền thống pháp luật khác nhau và cách thức tổ chức quyền lực Nhà nước cũng khác nhau, nhưng các quốc gia đều rất coi trọng vị trí, vai trò của Viện kiểm sát (Viện công tố) trong tố tụng dân sự. Tuy bị kiềm chế bởi những điểm đặc thù riêng, nhưng xu hướng chung trong tư duy pháp lý của các nước về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát (Viện công tố) trong tố tụng dân sự là nhấn mạnh sứ mệnh của cơ quan này trong việc bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của những cá nhân không có khả năng tự thực hiện quyền dân sự và/hoặc không thể tự bảo vệ mình. Đây cũng là chức năng, vai trò nổi trội của Viện kiểm sát (Viện công tố) các nước trong tố tụng dân sự, cho dù đó là những Viện kiểm sát (Viện công tố) có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp hay không có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, cho dù đó là Viện kiểm sát (Viện công tố) có vị trí thuộc nhánh quyền hành pháp, lập pháp hay tư pháp, và cho dù đó là Viện kiểm sát (Viện công tố) ở những nước thuộc hệ thống án lệ như Hoa Kỳ, ở những nước theo truyền thống luật lục địa như Cộng hoà Pháp, ở những nước thuộc mô hình chuyển đổi như Liên bang Nga, Trung Quốc, ở những nước mà hệ thống pháp luật là sự kết hợp giữa mô hình pháp luật Châu Âu lục địa, tập quán pháp và luật Hồi giáo như Cộng hoà Indonesia, hay đến Viện kiểm sát (Viện công tố) ở những nước nằm trong hệ thống pháp luật Viễn Đông như Nhật Bản.
Bên cạnh đó, còn có hai dạng chức năng quan trọng khác của Viện kiểm sát (Viện công tố) trong tố tụng dân sự tuy khá quen thuộc đối với chúng ta nhưng lại không được biết đến ở các nước theo truyền thống án lệ – nơi mà ở đó khác với những gì trên lục địa, thực sự hiện hữu một quyền lực tư pháp thực thụ mà cả về uy tín và ý nghĩa đều không thua kém quyền lập pháp và hành pháp(3). Mặc dù vậy, đây vẫn là hai dạng chức năng mà bức tranh tổng thể về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát (Viện công tố) trong tố tụng dân sự các nước của thế giới đương đại không thể bỏ qua nếu như muốn phản ánh chính xác hiện thực. Thứ nhất, đó là chức năng giám sát pháp luật trong tố tụng dân sự, mà điển hình là Viện kiểm sát Trung Quốc, Viện kiểm sát Việt Nam. Thứ hai, đó là chức năng bảo đảm pháp chế, bảo vệ luật pháp hay vì lợi ích của luật trong tố tụng dân sự, mà điển hình là Viện công tố Cộng hoà Pháp, Viện kiểm sát Liên bang Nga, cơ quan Công tố Cộng hoà Indonesia. Tất nhiên, sự trùng hợp tổng thể về mặt chức năng không có nghĩa là giống nhau ở từng khía cạnh pháp lý. Trên thực tế, tuy Viện kiểm sát (Viện công tố) một số nước có thể có cùng một chức năng trong tố tụng dân sự nhưng phạm vi tham gia cụ thể cũng như phạm vi thẩm quyền thực hiện chức năng lại được quan niệm rất khác nhau. Chẳng hạn, tuy cùng thực hiện chức năng giám sát pháp luật trong tố tụng dân sự, nhưng phạm vi thẩm quyền của Viện kiểm sát Trung Quốc hạn chế hơn, chỉ tập trung vào việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, trong khi đó Viện kiểm sát Việt Nam không những chỉ có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm mà còn có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, quyền tham gia phiên toà và phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án…; hoặc tuy cùng thực hiện chức năng bảo đảm pháp chế, bảo vệ luật pháp hay vì lợi ích của luật trong tố tụng dân sự, nhưng nếu như Viện kiểm sát Liên bang Nga chỉ có quyền tham gia phiên toà (đối với một số loại việc nhất định) và phát biểu kết luận về hướng giải quyết vụ án, hay cơ quan Công tố Indonesia chỉ có quyền kháng nghị đối với các vụ án dân sự lên Toà án tối cao, thì phạm vi thẩm quyền của Viện công tố Pháp được quy định rộng hơn nhiều, bao gồm cả quyền (tuỳ nghi) tham gia tố tụng để cho ý kiến về việc áp dụng pháp luật và quyền kháng nghị theo thủ tục phá án (giám đốc thẩm).
Một điểm quan trọng nữa, đó là ở các nước, hầu hết đều nhấn mạnh và đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của các chức danh pháp lý của Viện kiểm sát (Viện công tố) khi thực hiện thẩm quyền của mình trong tố tụng dân sự. Nói cách khác, vị trí, vai trò của Viện kiểm sát (Viện công tố) trong tố tụng dân sự với danh nghĩa là cơ quan, tổ chức bị “che khuất” đằng sau vai trò và tư cách tố tụng của các chức danh pháp lý như Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên (Chưởng lý, Phó Chưởng lý, Công tố viên). Điều này lý giải tại sao khi quy định về thẩm quyền của Viện kiểm sát (Viện công tố) trong tố tụng dân sự, pháp luật các nước thường không ghi “Viện kiểm sát (Viện công tố)” hay “đại diện Viện kiểm sát (Viện công tố) một cách chung chung như ở nước ta mà bao giờ cũng nêu đích danh cá nhân người tiến hành tố tụng cùng với thẩm quyền của họ trong hoạt động tố tụng.
Cuối cùng, điều chúng ta cần lưu ý thêm là, thuật ngữ “Viện kiểm sát” hay “Viện công tố” sử dụng trong khi nghiên cứu về kinh nghiệm các quốc gia ở trên chỉ là một thuật ngữ pháp lý mang tính quy ước tương đối, bởi nó không phản ánh bất cứ nội dung nào cũng như không có bất cứ mối liên hệ trực tiếp nào với vị trí, vai trò của Viện kiểm sát (Viện công tố) trong tố tụng dân sự. Chúng ta không thể khẳng định chính xác rằng, thuật ngữ "Viện kiểm sát" chỉ xuất phát từ chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp, còn thuật ngữ "Viện công tố" chỉ đồng nghĩa với việc hiện hữu chung nhất chức năng thực hành quyền công tố. Bởi vì nếu khẳng định như vậy, thì không giải thích được tại sao cơ quan Công tố Nhật Bản tuy không có chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp nhưng lại có tên gọi nguyên gốc (tiếng Nhật) là "Viện kiểm sát" (còn cán bộ của cơ quan này cũng có tên gọi nguyên gốc là "Kiểm sát viên"), hoặc tại sao cơ quan Công tố Pháp tuy có thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong một số lĩnh vực điều tra, thi hành án… nhưng lại có tên gọi là "Viện công tố", hoặc cũng như tại sao cơ quan Công tố Hoa Kỳ tuy cũng có vai trò khá lớn trong tố tụng dân sự nhưng lại vẫn được gọi là "Viện công tố". Mặt khác, chúng ta cũng hoàn toàn không có cơ sở để có thể nhận xét khái quát rằng, nói đến Viện kiểm sát thì có nghĩa là vai trò của nó trong tố tụng dân sự phải lớn hơn vai trò của Viện công tố, và ngược lại. Một cách tóm lược như vậy vừa thiếu rõ ràng lại vừa không chính xác. Nói chung, sự khác nhau về "bề mặt" thuật ngữ không đương nhiên tạo nên sự khác biệt về nội dung. Đơn giản, thuật ngữ “Viện kiểm sát” hay “Viện công tố” chỉ là những cách gọi khác nhau về một thể chế đặc thù, duy nhất (suigeris institution), có vị trí độc lập trong tổ chức bộ máy Nhà nước các quốc gia, có chức năng thực hành quyền công tố và thực hiện những thẩm quyền khác do luật pháp quy định./.
____________________
(1) Xem: Nguyễn Vĩnh Long, Viện công tố Mỹ trong tố tụng dân sự, Kỷ yếu đề tài khoa học cấp Bộ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2007: Vị trí, vai trò Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự theo yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.
(2) Bài viết sử dụng thuật ngữ "Viện công tố" và "Công tố viên" Nhật Bản vì đây là cách gọi quen thuộc lâu nay. Thực ra, theo đúng nguyên gốc tiếng Nhật, phải gọi là "Viện kiểm sát" và "Kiểm sát viên" Nhật Bản mới đúng.
(3) Xem Rene David, Những hệ thống pháp luật chính trong thế giới đương đại, Nxb. Quan hệ quốc tế, Mátxcơva, năm 1999, tr. 254.
SOURCE: TẠP CHÍ KIỂM SÁT SỐ 3/2008
Trích dẫn từ: http://tapchikiemsat.org.vn/viewtopic/phap-luat-62/Vien-cong-to-Hoa-Ky-Nhat-Ban-Indo-1081.