Ngày 19/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý lưu học sinh (LHS ) nước ngoài giai đoạn 2016-2021 và phương hướng thực hiện giai đoạn 2022-2030. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì Hội nghị.

Đã có 155 cơ sở giáo dục Việt Nam tiếp nhận, đào tạo LHS

Theo báo cáo của Cục Hợp tác quốc tế, giai đoạn 2016-2021, Việt Nam có 155 cơ sở giáo dục tiếp nhận, đào tạo hơn 45.000 LHS nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó26,6% LHS Hiệp định và 73,4% LHS ngoài Hiệp định.

Các đại biểu dự Hội nghị

Trung bình hàng năm có từ 4.000 đến trên 6.000 LHS được tiếp nhận mới vào Việt Nam (năm 2019 đông nhất với trên 6.300)Do ảnh hưởng của COVID-19, trong hai năm 2020, 2021, chỉ tiếp nhận khoảng 3.000 LHS mỗi năm.

LHS nước ngoài học tập tại Việt Nam chủ yếu là trình độ đại học và các khóa ngắn hạn. Số LHS học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ khá khiêm tốn; LHS học tiến sĩ chủ yếu là LHS Lào, Campuchia, một số LHS Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản học ngành Việt Nam học.

Ngoài Lào và Campuchia có số lượng LHS chiếm tỷ lệ lớn với gần 80%, một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản... có số LHS học tập tại Việt Nam đông do mối quan hệ kinh tế trong những năm gần đây phát triển tốt. Đây là điều kiện thuận lợi để các trường tiếp tục khai thác thế mạnh, thu hút sinh viên các nước có mối quan hệ tốt với Việt Nam.

Các cơ sở giáo dục thu hút được nhiều LHS (trên 1.000) và đa dạng quốc tịch có thể kể đến ĐH Quốc gia Hà Nội (74 quốc tịch); ĐH Quốc gia Tp.HCM (47), Trường ĐH Hà Nội (44), ĐH Huế (38), ĐH Thái Nguyên (29), ĐH Đà Nẵng (13)

Về điều kiện học tập, sinh hoạt, năm 2021, theo khảo sát của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GDĐT với gần 1000 LHS đang học tập tại Việt Nam, đa số LHS hài lòng về điều kiện sinh hoạt, cơ sở vật chất và sự quan tâm của các thầy cô giáo.

Phát biểu tại hội nghị, ngài Chay Navuth, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc và nhấn mạnh: “Việt Nam đã dành sự quan tâm và ưu tiên đặc biệt trong lĩnh vực GDĐT cho hai nước láng giềng Campuchia và Lào. Hiện hai nước đang có một đội ngũ cán bộ dồi dào được đào tạo từ Việt Nam đang xây dựng và phát triển đất nước mình”. Ngài Chay Navuth cũng gửi lời cảm ơn tới các thầy, cô giáo đã quan tâm, giảng dạy, hỗ trợ LHS Campuchia trong suốt thời gian qua.

Khẳng định ngành GDĐT Việt Nam không chỉ đào tạo về chuyên môn mà còn kết nối tình đoàn kết, hữu nghị thông qua công tác đào tạo, ngài Chay Navuth bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục đề ra những phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng LHS nói chung và LHS Campuchia nói riêng tại Việt Nam.

Quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho lưu học sinh nước ngoài

Hội nghị đã lắng nghe nhiều ý kiến tham luận cụ thể, thiết thực từ các cơ sở giáo dục đại học. Bà Nguyễn Thị Nhài, Trường Đại học Hà Nội cho biết, giai đoạn 2016-2021, Trường Đại học Hà Nội đã tiếp nhận 2.953 sinh viên quốc tế đến từ 46 quốc gia, theo học hệ đại học, hệ sau đại học và hệ đào tạo ngắn hạn. Trong đó, 234 sinh viên diện Hiệp định Chính phủ, 2.719 sinh viên diện ngoài Hiệp định; 50% sinh viên chính quy; khoảng 85% sinh viên quốc tế tập trung tại Khoa Việt Nam học. Sinh viên quốc tế chiếm 5% trên tổng sinh viên, 8% nguồn thu của nhà trường.

Đại diện Trường Đại học Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh thực hiện các quy định chung của ngành, của trường, để hỗ trợ tốt nhất cho LHS, Trường Đại học Hà Nội đã linh hoạt, chủ động khắc phục từng vấn đề trong quản lý thị thực du họcquản lý và liên lạc với sinh viên quốc tế không ở trong ký túc xá trường; khám và chữa bệnh cho sinh viên quốc tế, lưu trữ sinh viên quốc tếsự tham gia hoạt động ngoại khoá của sinh viên quốc tế.

Đại diện Trường Đại học Hà Nội đề xuất, Nhà nước cần có quy định thông thoáng hơn về bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh cho người nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên quốc tế được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế của Việt Nam. Bộ GDĐT khôi phục và cải thiện hệ thống phần mềm quản lý sinh viên quốc tế để thống nhất cơ sở dữ liệu về sinh viên quốc tế trong cả nước.

Theo ông Nguyễn Quốc Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng Ban Quản lý lưu học sinh - Trường Đại học Y Dược Thái Bình, đến nay, trường đã đào tạo được trên 1.000 bác sĩ cho 2 nước bạn Lào và Campuchia.

Chú trọng công tác này, nhà trường có riêng Ban quản lý LHS, ban hành cuốn “Sổ tay dành cho LHS”, luôn quan tâm, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, nắm bắt kịp thời những vụ việc đột xuất để hỗ trợ LHS, luôn chủ động nguồn kinh phí trong việc cấp học bổng cho LHS, không để các LHS bị tình trạng chậm nhận được học bổng. Đồng thời thúc đẩy, khuyến khích các gia đình người Việt đỡ đầu LHS, đến nay đạt khoảng 50% LHS.

Đặc biệt, trường coi nâng cao và giữ vững chất lượng đào tạo là một trong những yếu tố hàng đầu, vừa đào tạo nghiêm túc, vừa quan tâm giúp đỡ trong học tập, tổ chức riêng một số môn học để giúp LHS có thể lĩnh hội tốt kiến thức cũng như kỹ năng được học.

Bà Trần Kim Khánh, Trường Đại học Trà Vinh thông tin, trường luôn tạo môi trường học tập, nghiên cứu tốt nhất để lưu học sinh nhanh chóng hòa nhập môi trường mới từ ngôn ngữ, văn hóa giao tiếp đến pháp luật của Việt Nam; tổ chức hoạt động văn - thể - mỹ vào mỗi dịp lễ tết truyền thống của người Campuchia cũng như lễ, tết của người Việt Nam. Kết quả, tất cả lưu học sinh đều nói lưu loát tiếng Việt và được đánh giá cao chuyên môn được đào tạo.

Quyết tâm hội nhập quốc tế và đặt chất lượng đào tạo làm hàng đầu

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc ghi nhận, công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý LHS nước ngoài giai đoạn 2016-2021 đã được đa dạng hóa và có nhiều thay đổi cơ bản về chất và lượng so với giai đoạn trước. Các cơ sở giáo dục đại học rất nỗ lực hội nhập quốc tế, trong đó có hợp tác đào tạo LHS nước ngoài.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị

LHS trong Hiệp định và ngoài Hiệp định đều tăng, các quốc gia có LHS tại Việt Nam cũng tănglà tín hiệu đáng mừng, cho thấy các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam nếu quyết tâm chắc chắn sẽ làm được. Thứ trưởng cũng đánh giá cao những cơ sở đã có chiến lược rõ ràng để thực hiện việc này.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, giai đoạn 2022-2030, cần đẩy mạnh công tác thu hút sinh viên quốc tế, nâng cao số lượng và chất lượng chương trình đào tạo quốc tế. Đặc biệt, Thứ trưởng lưu ý, các cơ sở GDĐH phải lấy chất lượng làm đầutăng cường thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, nâng cao tình đoàn kết, hữu nghị.

Ngoài học tập, LHS nước ngoài còn trở thành đại sứ văn hoá, cầu nối tình hữu nghị, điều này đặc biệt quan trọng. Do đó, công tác đào tạo không chạy theo số lượng, không du di chất lượng, phải tuân thủ các thoả thuận, đảm bảo các yêu cầu chất lượng đầu vào, trình độ Tiếng Việt và chuẩn đầu ra”, Thứ trưởng nói.

Trong thời gian tới, Bộ GDĐT và các cơ quan liên quan sẽ rà soát và hoàn thiện các cơ chế chính sách thu hút, đào tạo, quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý.

Bộ GDĐT và các cơ sở giáo dục đại học tăng cường ký kết các văn bản thỏa thuận, điều ước quốc tế liên quan đến việc trao đổi học sinh, sinh viên tạo khung pháp lý thúc đẩy việc thu hút LHS nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.

Thứ trưởng mong muốn lãnh đạo các cơ sở đào tạo quan tâm đến công tác LHS, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, phát triển thêm nhiều chương trình chất lượng cao và chương trình đào tạo liên kết, phù hợp với nhu cầu người học, đa dạng ngôn ngữ giảng dạy, trong đó ưu tiên các chương trình bằng tiếng Anh. Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, tạo điều kiện học tập và sinh hoạt tốt nhất cho LHS nước ngoài.

Đặc biệt, cần tạo điều kiện để LHS hiểu hơn về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.  Tuỳ điều kiện và đặc điểm của trường và LHS, các trường có cách tổ chức phù hợp, qua đó tăng cường vị thế, hướng đến mục tiêu hội nhập quốc tế.

“Chiến lược chung của các trường nhấn mạnh chất lượng đào tạo và coi trọng giao lưu văn hoá, phát triển tình hữu nghị với các nướcNếu các trường thực sự quan tâm đầu tư, định hướng rõ ràng thì sẽ làm rất tốt công tác đào tạo LHS nước ngoài, góp phần vào thành công chung giáo dục đại học Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tin tưởng.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ GD& ĐT