Tội nhận hối lộ thuộc nhóm tội phạm về chức vụ được quy định tại Chương XXIII BLHS, theo Điều luật thì dấu hiệu hành vi khách quan của tội nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào (có thể là lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất) cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Điều luật quy định lợi ích đó có thể cho một người khác hoặc tổ chức khác mà không nhất thiết phải cho chính người có chức vụ, quyền hạn.

Hành vi làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa hối lộ có thể là hành vi trái pháp luật hoặc hành vi không trái pháp luật nhưng các hành vi đó đều được thực hiện trên cơ sở lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Dù điều luật đã quy định một cách chặt chẽ, tuy nhiên, trên thực tế, hành vi nhận hối lộ ít khi được thực hiện một cách thuần túy như nhận tiền hoặc tài sản trao tay hoặc nhận thù lao mà hành vi nhận hối lộ lại được thực hiện một cách rất tinh vi, kín kẽ.

Ví dụ: B làm xây dựng, có quen biết A là phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện H. Hàng năm, cứ vào các dịp lễ, tết, sinh nhật… của các thành viên trong gia đình A, B đã tặng rất nhiều hiện vật có giá trị, và một số dịch vụ cho gia đình A cụ thể: Năm 2017, vào dịp sinh nhật vợ A, B có tặng vợ A chiếc túi xách trị giá 50 triệu đồng và mời gia đình A đi nghỉ dưỡng tại địa điểm X và sử dụng các dịch vụ miễn phí tại đó, giá trị gói dịch vụ là 500 triệu đồng. Đến năm 2019, nhân dịp con A đậu đại học, B tặng mừng con A một chiếc xe máy trị giá 150 triệu đồng. Ngoài ra, các dịp lễ tết, B đều nhân đó tặng quà cho A dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong thời gian này, B không hề yêu cầu A làm hay không làm bất cứ một việc gì trong quyền hạn của A.

Đến năm 2021, A được cơ quan giao quản lý một hạng mục xây dựng cần thi công, B biết được nên đến nhờ A giúp mình nhận được hạng mục đó và A đồng ý. Trong quá trình đó, B không hề tặng A bất kỳ lợi ích nào và A cũng không nhận của B bất cứ lợi ích nào. C cũng tham gia đấu thầu nhận hạng mục xây dựng lần này nhưng không được nhận, thấy B được nhận thầu và trước đó có qua lại với A nên tố cáo A tội nhận hối lộ. Có nhiều quan điểm trái chiều trong vụ án này.

Quan điểm thứ nhất cho rằng hành vi của A có cơ sở cấu thành tội nhận hối lộ theo Điều 354 BLHS bởi, theo quy định của điều luật, hành vi nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào (lợi ích vật chất như tiền, tài sản hoặc lợi ích phi vật chất) để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Trong tình huống này, có thể thấy rõ A đã nhận lợi ích mà B đem lại như các lợi ích phi vật chất, các gói dịch vụ nghỉ dưỡng và A đã lợi dụng chức vụ của mình để làm việc là giúp B trúng thầu hạng mục xây dựng mà B đã yêu cầu A giúp mình. A thỏa mãn các dấu hiệu về chủ thể là người có chức vụ quyền hạn (Phó chủ tịch UBND huyện H), thỏa mãn hành vi khách quan đã nhận các lợi ích mà B đem lại và lợi dụng chức vụ của mình để làm việc mà B yêu cầu. Vậy nên, hành vi của A phạm tội là có căn cứ.

Theo quan điểm thứ 2 cũng là quan điểm tác giả thì không có căn cứ cho rằng A là người nhận hối lộ bởi lẽ, hành vi tặng quà cho gia đình A của B xuất phát từ mối quan hệ quen biết chứ không chứng minh được trong thời gian đó B yêu cầu A làm việc gì trong phạm vi chức vụ của A, cũng không chứng minh được A làm hay không làm việc gì theo yêu cầu của B. Hành vi giúp B nhận thầu đươc hạng mục mà A được giao, xuất phát từ mối quan hệ thân thiết giữa A và B, vì A và B có qua lại với nhau, B hay tặng quà nhân dịp lễ cho A (hành vi này không bị pháp luật cấm) nên khi có yêu cầu của B nhờ A giúp đỡ A giúp B trúng thầu hạng mục mà mình được giao mà không hề có lợi ích trao đổi. Vì vậy, hành vi của A không vi phạm tội nhận hối lộ theo Điều 354 BLHS là có cơ sở.

Trên thực tiễn hiện nay, hành vi ở tình huống trên là hợp pháp bởi pháp luật không cấm, nhưng đây hành vi là “lách luật” và có thể gọi đó là hối lộ “mua chuộc” tức là người đưa hối lộ sẽ xác định những người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi tặng quà dưới các hình thức khác nhau và nhân các dịp lễ tết một cách hợp pháp mà không hề yêu cầu người có chức vụ quyền hạn làm hay không làm gì trong quyền hạn của mình nhằm mục đích lôi kéo, “mua chuộc” và tạo mối quan hệ thân thiết với những người có chức vụ quyền hạn, để khi có thời cơ thì những người đó lợi dụng mối quan hệ thân thiết mình đã tạo lập, yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn làm hay không làm việc mà mình mong muốn. Hành vi nhận quà tặng giá trị lớn này không được xem là trái pháp luật, nên dễ dàng để cho tội phạm lợi dụng vào đó để thực hiện hành vi phạm tội nhưng lại mang vỏ bọc hợp pháp. Cần thiết đề xuất tội phạm hóa hành vi nhận quà tặng giá trị lớn đối với những người có chức vụ, quyền hạn nhằm để tránh hành vi “lách luật” đối với tội nhận hối lộ này.

Trên đây là một số ý kiến tác giả mong độc giả gần xa đóng góp ý kiến.

ĐINH THỊ NGỌC BÍCH (Tòa án quân sự Quân khu 4)

Nguồn: Tạp chí Tòa án điện tử.