Với nhiệt huyết cách mạng và sự sáng tạo lý luận không ngừng, V.I.Lênin đã biến lý tưởng và những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học trở thành hiện thực, giải đáp được những vấn đề cơ bản nhất mà thời đại đặt ra, góp phần cho giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình - lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng loài người trên phạm vi thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại gắn liền với tên tuổi V.I.Lênin - người thầy của cách mạng vô sản, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. 

V.I.Lênin - Nhà lý luận kiệt xuất, người có tầm ảnh hưởng lớn lao đối với lịch sử nhân loại - Ảnh: dangcongsan.vn

Nhân dịp kỷ niệm 152 năm ngày sinh V.I.Lênin (22-4-1870 – 22-4-2022), chúng ta không chỉ nhắc đến những đóng góp của ông đối với chủ nghĩa Mác và lịch sử nhân loại với tư cách là nhà lý luận kiệt xuất mà còn ca ngợi ông với tư cách là con người có tầm ảnh hưởng lớn lao đối với thời đại chúng ta. V.I.Lênin đã xác lập nên những giá trị mới, biểu tượng mới cho nhân loại. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”(1).

Bên cạnh những phẩm chất cao đẹp của một lãnh tụ, V.I.Lênin còn là nhà mácxít chân chính, sáng tạo, người đã đấu tranh không mệt mỏi để bảo vệ chủ nghĩa Mác. Bằng những nghiên cứu và kết luận khoa học của mình, V.I. Lênin đã bảo vệ, phát triển và làm phong phú chủ nghĩa Mác trên tất cả những nội dung cơ bản, đưa chủ nghĩa Mác sang một giai đoạn mới cao hơn, giải đáp những vấn đề cơ bản mà thời đại đặt ra cho giai cấp vô sản quốc tế.V.I.Lênin đã để lại cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế di sản tư tưởng vô cùng quý báu.

Ngay từ khi truyền bá chủ nghĩa Mác vào nước Nga, trong bài viết Về một số đặc điểm trong sự phát triển lịch sử của chủ nghĩa Mác, đăng trên báo Ngôi sao, số 2, ngày 23 tháng Chạp năm 1910, V.I.Lênin viết: “Học thuyết của chúng tôi - Ăngghen nói về mình và về người bạn nổi tiếng của mình - không phải là một giáo điều mà là một kim chỉ nam cho hành động. Luận điểm kinh điển ấy nhấn mạnh một cách đặc biệt rõ rệt và nổi bật một phương diện của chủ nghĩa Mác mà người ta rất thường hay quên không nhìn tới. Mà quên không nhìn tới phương diện ấy thì chúng ta sẽ làm cho chủ nghĩa Mác trở thành phiến diện, quái dị, chết cứng sẽ vứt bỏ linh hồn sống của nó, sẽ phá hủy cơ sở lý luận cơ bản của nó - tức là phép biện chứng, học thuyết về sự phát triển lịch sử toàn diện và đầy mâu thuẫn; như thế chúng ta sẽ phá hủy sự liên hệ giữa chủ nghĩa Mác với những nhiệm vụ thực tiễn nhất định của thời đại, những nhiệm vụ có thể biến đổi ở mỗi bước ngoặt mới của lịch sử”(2)

V.I.Lênin viết tiếp: “Chính vì chủ nghĩa Mác không phải là một giáo điều chết cứng, một học thuyết nào đó đã hoàn thành hẳn, có sẵn đâu vào đấy, bất di bất dịch, mà là một kim chỉ nam sinh động cho hành động, chính vì thế nên nó không thể không phản ánh sự biến đổi đặc biệt mạnh mẽ của điều kiện sinh hoạt xã hội. Phản ánh sự biến đổi ấy là sự tan rã sâu sắc, sự hoang mang, những dao động đủ các loại, tóm lại là: một cuộc khủng hoảng vô cùng trầm trọng bên trong chủ nghĩa Mác. Một hành động quyết liệt chống lại sự tan rã ấy, một cuộc đấu tranh kiên quyết, ngoan cường để bảo vệ những nguyên lý của chủ nghĩa Mác lại một lần nữa được đề ra thành vấn đề trước mắt. Thời kỳ trước, những tầng lớp hết sức rộng rãi thuộc những giai cấp không thể bỏ qua chủ nghĩa Mác được, khi đề ra nhiệm vụ của mình, đã hiểu chủ nghĩa Mác một cách hết sức phiến diện, hết sức kỳ quặc; họ đã học thuộc lòng “khẩu hiệu” này hay “khẩu hiệu” khác, câu trả lời này hay câu trả lời kia cho các vấn đề sách lược, nhưng họ không hiểu được tiêu chuẩn mácxít của những câu trả lời ấy là gì. Việc “đánh giá lại tất cả những giá trị” trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội dẫn tới chỗ “xét lại” những cơ sở triết học trừu tượng nhất và tổng quát nhất của chủ nghĩa Mác”(3).

Trong cuộc đời hoạt động lý luận cũng như hoạt động cách mạng, Lênin luôn nhắc nhở những người Bônsêvích Nga rằng: “Chúng ta đừng tin điều nói rằng tư tưởng chính thống cho phép chúng ta tin bất cứ một cái gì, rằng tư tưởng chính thống gạt bỏ những sự vận dụng có tinh thần phê phán và gạt bỏ sự phát triển hơn nữa, rằng nó cho phép dùng những công thức trừu tượng để làm lu mờ những vấn đề lịch sử. Nếu có những môn đồ nào của tư tưởng chính thống mà mắc phải những khuyết điểm thực sự nghiêm trọng ấy, thì lỗi đó hoàn toàn tại bản thân họ, chứ tuyệt nhiên không phải là tại tư tưởng chính thống là tư tưởng rõ ràng có những phẩm chất hoàn toàn trái ngược lại”(4). Cũng chính vì vậy, mà trong tác phẩm Cương lĩnh của chúng ta, V.I.Lênin đã khẳng định lại rằng: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống. Chúng tôi nghĩ rằng những người xã hội chủ nghĩa ở Nga đặc biệt cần phải tự mình phát triển hơn nữa lý luận của Mác, vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng nguyên lý ấy thì xét riêng từng nơi, ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở Nga”(5).  

Lời căn dặn của V.I.Lênin đối với những người cộng sản Cápcadơ khi ông còn sống, vẫn giữ nguyên ý nghĩa thời sự đối với chúng ta hiện nay: "Không sao chép y nguyên sách lược của chúng tôi, mà phải tự mình suy nghĩ xem những nét đặc thù, những điều kiện và những kết quả của sách lược đó như thế nào; phải áp dụng ở nước các đồng chí không phải từng câu, từng chữ mà là tinh thần, ý nghĩa, những bài học kinh nghiệm ... "(6)

Trên tinh thần đó, V.I.Lênin đã đấu tranh với những quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác và bảo vệ, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác. Trong các tác phẩm: Những “người bạn dân” là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao?” (năm 1894); Nội dung kinh tế của chủ nghĩa dân túy và sự phê phán trong cuốn sách của ông Xtơruvê về nội dung đó (năm 1894)… Trong đó, cuốn Những “người bạn dân” là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao?” (năm 1894) là sự bảo vệ chủ nghĩa Mác trong thời kỳ khó khăn và phức tạp đối với phong trào công nhân, khi các nhà lý luận của quốc tế II và các khuynh hướng xét lại, cơ hội không ngừng xuyên tạc những tư tưởng nền tảng của chủ nghĩa Mác; và cũng "giáng một đòn quyết liệt" chống lại sự tấn công của bọn “dân túy" tự do đối với những người mácxít qua tạp chí “Của cải nước Nga" của chúng. V.I.Lênin vạch ra những sai lầm siêu hình, chủ quan của phái dân tuý Nga, làm phong phú chủ nghĩa duy vật lịch sử mà nhất là lý luận hình thái kinh tế - xã hội, đã phát triển sâu sắc một số vấn đề của phép biện chứng duy vật, chỉ ra con đường đúng đắn cho cách mạng Nga. 

Giai đoạn 1901- 1905, V.I. Lênin viết một loạt tác phẩm: Bắt đầu từ đâu?; Làm gì? Một bước tiến hai bước lùi; Hai sách lược của đảng dân chủ - xã hội trong cách mạng dân chủ (năm 1905) v.v... Trong các tác phẩm này, V.I.Lênin đề cập đến đảng kiểu mới, nguyên tắc tổ chức xây dựng đảng kiểu mới; phê phán chủ nghĩa kinh tế, chủ nghĩa cơ hội, đồng thời phát triển tư tưởng độc quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản thành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong tác phẩm Hai sách lược của đảng dân chủ - xã hội trong cách mạng dân chủ (năm 1905), V.I.Lênin đề cập vai trò nhân tố chủ quan trong cách mạng, vai trò tích cực của quần chúng nhân dân; chỉ ra sai lầm của phái Mensêvích. 

Trong tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (năm 1908)V.I.Lênin đã đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác, tiếp tục phát triển triết học Mác, đã giải đáp vấn đề cơ bản của triết học, phát triển lý luận nhận thức với học thuyết phản ánh về chân lý khách quan, quan hệ biện chứng giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối; đưa ra định nghĩa nổi tiếng về vật chất; khái quát trên phương diện triết học những thành tựu mới nhất của khoa học tự nhiên. V.I.Lênin đã phê phán toàn diện triết học duy tâm tư sản và chủ nghĩa xét lại trong triết học. Đây là một tác phẩm kiểu mẫu về tính đảng trong cuộc đấu tranh chống những kẻ thù của chủ nghĩa Mác, đấu tranh chống triết học và xã hội học tư sản phản động, chống chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa giáo điều. Tác phẩm đã kết hợp một cách hữu cơ tinh thần cách mạng chiến đấu với tính khoa học sâu sắc, phục vụ việc nhận thức và sự nghiệp cải tạo thế giới bằng con đường cách mạng. 

Trong bài báo Chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xét lại (năm 1908), V.I.Lênin đã vạch trần cơ sở triết học của chủ nghĩa xét lại trong phong trào công nhân cũng như bản chất của nó. Năm 1912, V.I.Lênin soạn thảo xong Luận cương mácxít về vấn đề dân tộc. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, V.I.Lênin đưa ra khẩu hiệu “biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng”. 

Năm 1915, trong tác phẩm Bút ký triết học, V.I.Lênin đã kiện toàn những vấn đề cơ bản của triết học mácxít, phát triển triết học duy vật biện chứng, nêu 16 yếu tố của phép biện chứng, đánh giá quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là hạt nhân, bản chất của phép biện chứng duy vật; hình thành luận điểm quan trọng về sự thống nhất của phép biện chứng, lôgíc học và lý luận nhận thức.

Năm 1916, V.I.Lênin viết tác phẩm Chủ nghĩa đế quốc - giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản phát triển chính trị kinh tế học mácxít, tiếp tục phân tích phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; chỉ ra bản chất của chủ nghĩa đế quốc; về vai trò của đảng cộng sản trong thực hiện chuyên chính vô sản, lý luận về cách mạng XHCN, về tình huống cách mạng vô sản.

Năm 1917, V.I.Lênin viết tác phẩm Nhà nước và cách mạng làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản của lý luận mácxít về nhà nước, về nhiệm vụ cơ bản của giai cấp vô sản trong cách mạng vô sản là đập tan nhà nước tư sản, thiết lập chuyên chính vô sản, đề ra nhiệm vụ cho giai cấp vô sản phải giành lấy chính quyền bằng con đường đấu tranh vũ trang.

Giai đoạn sau Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin tiếp tục bổ sung học thuyết về chủ nghĩa đế quốc; phân tích và chỉ ra tính khách quan của sự phát triển không đồng đều của các nước tư bản chủ nghĩa; phát triển lý luận về khả năng thắng lợi của cách mạng XHCN ở một nước tư bản chủ nghĩa trong thời đại đế quốc chủ nghĩa; về quá độ gián tiếp lên CNXH ở những nước chưa qua phát triển tư bản chủ nghĩa. V.I.Lênin phân tích quá trình cách mạng như một hiện tượng toàn thế giới. Đặc biệt Người đã chỉ rõ vai trò của CNXH trong phong trào cách mạng thế giới; phân tích vai trò của cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội ở những nước tư bản phát triển; chỉ ra mối liên hệ hữu cơ giữa phong trào XHCN, phong trào độc lập dân tộc và phong trào công nhân. 

Năm 1918, V.I.Lênin viết cuốn Bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản, phê phán sai lầm của phái “tả” trong nội bộ Đảng Bônsêvích Nga. Sau khi các Đảng Cộng sản ra đời, bệnh “tả khuynh” đã phát sinh trên phạm vi quốc tế, V.I.Lênin đã lý giải và chứng minh tính quy luật của cuộc đấu tranh này bằng thực tiễn của Đảng Bônsêvích Nga đấu tranh triệt để không điều hòa chống hai phía chủ nghĩa cơ hội “hữu khuynh” và chủ nghĩa giáo điều “tả khuynh”. Đảng Bônsêvích đã trưởng thành, củng cố, tôi luyện trong cuộc đấu tranh đó. Đây không phải là hiện tượng riêng của Nga mà là quy luật phát triển của các đảng cộng sản. Chủ nghĩa cơ hội là kẻ thù chung của phong trào cộng sản quốc tế và là kẻ thù của mỗi đảng cộng sản. Mặt khác, trong nội bộ mỗi đảng không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi các trào lưu tư tưởng phi vô sản. Sự ảnh hưởng đó biểu hiện dưới mọi màu sắc khi “hữu”, khi “tả” cho nên không đấu tranh chống cả hai khuynh hướng đó thì Đảng không thể trở thành lực lượng lãnh đạo giai cấp công nhân được và không thể duy trì được sự lãnh đạo tập trung thống nhất trong Đảng. Không đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội thì Đảng không thể tồn tại và phát triển được.

Năm 1920, khi nước Nga Xô Viết đang trong vòng vây của các nước đế quốc tư bản thế giới, khi cả nước đã tan hoang trong nội chiến, Gleb đã gửi cho V.I.Lênin dự án “Những nhiệm vụ cơ bản điện khí hóa toàn Nga”. Trong thư trả lời, V.I.Lênin viết: “Chừng mười năm nữa chúng ta xây dựng 20 đến 30 nhà máy phát điện trong một vùng bán kính 400 dặm, chạy bằng than, nước, than đá, dầu mỏ... Sau 10 năm ta làm cho nước Nga điện khí hóa hoàn toàn”. Những dòng chữ của Lênin đã hiện lên ý tưởng cơ bản của kế hoạch điện khí hóa nước Nga. Thời gian này, V.I.Lênin soạn thảo xong kế hoạch xây dựng CNXH (công nghiệp hóa đất nước, hợp tác hóa giai cấp nông dân, cách mạng văn hóa), là người sáng lập ra Kế hoạch điện khí hóa toàn Nga (GOELRO), đặc biệt là đề ra Chính sách kinh tế mới (NEP). 

Năm 1921, Chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin được thông qua tại Đại hội lần thứ X Đảng Cộng sản Nga. Chính sách kinh tế mới là đóng góp đặc sắc của V.I.Lênin về vấn đề mô hình và con đường xây dựng CNXH. Nó là cuộc cải cách đầu tiên và cũng là nơi hình thành những tư duy mới và bước phát triển lớn lao về lý luận CNXH trong thời đại ngày nay.

Khi bắt tay vào thực hiện những biện pháp trong lĩnh vực kinh tế, V.I.Lênin cùng Đảng Bônsêvích và Chính phủ Xôviết đã tuân theo những nguyên tắc được C.Mác và Ph.Ăngghen nêu ra trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và có những nhận thức mới. Trước hết, đó là sự cần thiết tập trung vốn và công cụ sản xuất vào tay nhà nước vô sản, phát triển lực lượng sản xuất và có thể đạt tới cái đó “chỉ có thể thực hiện được bằng cách xâm phạm một cách chuyên chế vào quyền sở hữu và vào những quan hệ sản xuất tư sản”(7). Khi cụ thể hóa những nguyên tắc mácxít cơ bản này phù hợp với nước Nga, Đảng Bônsêvích đã tính toán đến trình độ phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga, mức độ xã hội hóa tư bản và sản xuất ở trong nước, tính chất ác liệt của sự kháng cự của các giai cấp bóc lột và các tình huống khác của thực tế sau Cách mạng Tháng Mười. Căn cứ vào những điều kiện cụ thể này, Đảng đã xác định những bước đi thực tế về cải tổ cơ bản nền kinh tế nước Nga và đã đề ra những hình thức và phương pháp thực hiện.

Khi nói về Chính sách kinh tế mới, V.I.Lênin đã chú ý đến tính phức tạp của sự quá độ tiến lên CNXH trong một nước mà ở đó nền kinh tế hàng hóa nhỏ chiếm ưu thế, đã nhấn mạnh đến tính ưu thế của các hình thức kinh tế tư bản nhà nước so với sản xuất nhỏ tản mạn. V.I.Lênin đã đưa ra kết luận rằng, chế độ nhiều thành phần kinh tế không chỉ là tổng hợp các hình thức kinh tế xã hội khác nhau của một nền kinh tế, mà là sự tác động qua lại thật chặt chẽ giữa các hình thức đó nữa.

Khi thảo luận về các thành phần kinh tế, V.I.Lênin đặc biệt nhấn mạnh tới yếu tố mới về chất trong quan điểm kinh tế mới, đó là: Muốn tiến lên CNXH phải sử dụng tiềm năng, khả năng của các thành phần kinh tế phi XHCN và tương ứng với cái đó phải đề ra một chính sách kinh tế tương ứng có chú ý tới những lợi ích kinh tế của các nhóm xã hội thích hợp, trong khi vẫn bắt các lợi ích này phục vụ những nhiệm vụ củng cố chuyên chính vô sản. NEP của V.I.Lênin có 5 thành phần kinh tế đồng thời cùng tồn tại trong nền kinh tế. Các thành phần kinh tế này hoàn toàn mới so với trước đây. Năm thành phần kinh tế đó là: 1) Kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, nghĩa là một phần lớn có tính chất tự nhiên; 2) Sản xuất hàng hóa nhỏ; 3) Chủ nghĩa tư bản tư nhân; 4) Chủ nghĩa tư bản nhà nước; 5) Chủ nghĩa xã hội(8). V.I.Lênin đã có sự thay đổi trong việc nhìn nhận về những đặc điểm kinh tế của thời kỳ quá độ. Ông nhận thấy sự tồn tại của 5 thành phần kinh tế là hợp quy luật, chúng cần được tồn tại trong một thời gian cần thiết.

V.I.Lênin cũng đưa ra một công thức nổi tiếng về các con đường chuyển nền kinh tế tiểu nông cá thể sang nền kinh tế lớn xã hội hóa. Đối với giai cấp nông dân, giai cấp vô sản cần thi hành chính sách: Giai cấp vô sản phải phân biệt và phân định rõ ranh giới giữa người nông dân lao động với người nông dân tư hữu, giữa người nông dân lao động với người nông dân con buôn, giữa người nông dân cần lao với người nông dân đầu cơ. Thực chất của CNXH nằm trong sự phân định ranh giới đó. 

V.I.Lênin phân tích sâu sắc về thời kỳ quá độ của sự thay thế hình thái kinh tế - xã hội, bổ sung cho thuật ngữ “thời kỳ quá độ” của C.Mác và Ph.Ăngghen. Giải thích về “quá độ”, V.I.Lênin cho rằng, “Về lý luận, không thể nghi ngờ gì được rằng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản có một thời kỳ quá độ nhất định. Thời kỳ đó không thể không bao gồm những đặc điểm hoặc những đặc trưng của cả hai kết cấu kinh tế xã hội ấy. Thời kỳ quá độ ấy không thể nào lại không phải là một thời kỳ đấu tranh giữa chủ nghĩa tư bản đang giãy chết và chủ nghĩa cộng sản đang phát sinh, hay nói một cách khác, giữa chủ nghĩa tư bản đã bị đánh bại nhưng chưa bị tiêu diệt hẳn, và chủ nghĩa cộng sản đã phát sinh nhưng vẫn còn rất non yếu”(9). Đồng thời, trong quá trình nghiên cứu, V.I.Lênin đã phân chia quá trình hình thành và phát triển của CNXH và chủ nghĩa cộng sản thành ba giai đoạn: 1) Những cơn đau đẻ kéo dài ; 2) Giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa ; 3) Giai đoạn cao của xã hội cộng sản chủ nghĩa. Trong đó, V.I.Lênin cho rằng, giai đoạn một là thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội - đây là thời kỳ có vị trí độc lập tương đối, không nằm trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa, từ đó đi đến xác định được phạm vi của thời kỳ quá độ. Nếu như trong quan niệm của C.Mác, thời kỳ quá độ và CNXH chưa được phân định một cách rõ ràng thì đến V.I.Lênin, thời kỳ quá độ và CNXH có sự phân biệt. V.I.Lênin coi sự chuyển tiếp của chủ nghĩa tư bản sang giai đoạn tột cùng của nó là chủ nghĩa đế quốc là phòng chờ của CNXH. 

V.I.Lênin cũng nêu ra quan điểm về hai hình thức quá độ: Quá độ trực tiếp và quá độ gián tiếp. V.I.Lênin nhận thấy, những nước mà chủ nghĩa tư bản đã phát triển thì có thể đi lên CNXH bằng quá độ trực tiếp, vì ở những nước tư bản phát triển, giai cấp công nhân nông nghiệp làm thuê đã hình thành từ hàng chục năm rồi. Chỉ có một giai cấp như vậy mới có thể là chỗ dựa về mặt xã hội, kinh tế và chính trị, cho sự chuyển tiếp lên CNXH. Còn quá độ gián tiếp được thực hiện ở những nước lạc hậu, ở đó cần có đường lối, thể thức và phương sách trung gian cần thiết. Nếu trước đây việc chuyển lên CNXH được coi là trực tiếp cho nên nhanh chóng thì giờ đây V.I.Lênin cho rằng, bước chuyển gián tiếp ấy đương nhiên là rất phức tạp, lâu dài và trong trường hợp tốt nhất thì bước quá độ ấy cũng chiếm mất nhiều năm. Có thể nói, đây là sự thay đổi hết sức căn bản và cũng là điểm mới trong quan niệm của V.I.Lênin so với dự đoán của C.Mác và Ph.Ăngghen. 

Những tư tưởng, lý luận quý báu của V.I.Lênin được Đảng ta vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thấy được ở chủ nghĩa Lênin cái “cẩm nang thần kỳ” chỉ ra cho nhân dân ta con đường giải phóng và đi tới độc lập, tự do. Người nhận định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”.

Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, lập lên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Tiếp đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành các cuộc kháng chiến vĩ đại, đánh thắng các “đế quốc to”, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay, tư tưởng của V.I.Lênin nói riêng, những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung vẫn tiếp tục được khẳng định, góp phần to lớn vào việc triển nhận thức của nhân loại và xây dựng CNXH hiện thực.

Thứ nhất, chủ nghĩa Mác - Lênin với thế giới quan mới, phương pháp luận khoa học, mang tinh thần biện chứng sâu sắc, vẫn là cơ sở để nhận thức về thời đại bao gồm: bản chất, xu hướng biến đổi, sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản.  

Thứ hai, chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở để phân tích cơ sở ra đời, quy luật phát triển và đặc trưng bản chất của CNXH. V.I.Lênin viết: “Ngày nay... chủ nghĩa xã hội đang hiện ra một cách trực tiếp, trên thực tiễn, trong mỗi biện pháp quan trọng tạo thành một bước tiến trên cơ sở của chủ nghĩa tư bản hiện đại ...”(10). Triển vọng của CNXH không chỉ do CNXH hiện thực quy định mà còn do chính quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản chuẩn bị những tiền đề trên nhiều mặt của xã hội hiện đại. Với ý nghĩa đó, “Chủ nghĩa cộng sản là hình thức tất yếu và là nguyên tắc kiên quyết của tương lai sắp tới”(11).    

Thứ ba, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là cơ sở để kiến giải những vẫn đề về mô hình CNXH, về vai trò của nhà nước trong điều kiện toàn cầu hóa, về đảng cầm quyền, về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN...

Ngoài những vấn đề chủ yếu trên, thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề mới, mỗi vấn đề đó cần dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác, nên cần nghiên cứu sâu và khẳng định những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay.

Sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước trong hơn 35 năm đổi mới đã chứng tỏ tinh đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, cũng như sự vận dụng sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là yếu tố quyết định để sự nghiệp đổi mới đạt được những thành công to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

__________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.288.

(2), (3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.99, 103.

(4), (5) V.I.Lênin: Toàn tập, t.4,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.110-111, 232.

(6) V.I.Lênin: Toàn tập, t.43, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.238

(7) C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập, t.4,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.626.

(8) V.I.Lênin:Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.363.

(9) V.I.Lênin: Toàn tập, t.39, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.309-310.

(10) V.I.Lênin: Toàn tập, t.34, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.258.

(11) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.42, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.183.

PGS, TS ĐẶNG QUANG ĐỊNH

Viện Triết học, 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh