Từ khi ra đời đến nay, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đều có những quan điểm nhất quán, cởi mở và có hệ thống về giao lưu văn hóa với nước ngoài. Đóng cửa, khép kín và kỳ thị văn hóa nước ngoài là những xu hướng xa lạ với Đảng ta.
Đại sứ Ialia trong tà áo dài Việt Nam giao lưu tại đêm hội áo dài ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. (Ảnh: vietnam.vnanet.vn)

Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, việc Đảng vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam để đề ra đường lối tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa đã là một dấu ấn in đậm giao lưu văn hóa. Hồ Chí Minh coi V.I.Lênin là “hiện thân của tình bác ái”(1), còn chủ nghĩa Lênin là “Cẩm nang thần kỳ… là mặt trời soi sáng đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng” tức là văn hóa(2). Giao lưu văn hóa trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày nay đòi hỏi bản lĩnh văn hóa Việt Nam, bởi nó là phẩm chất tự quyết định một cách độc lập thái độ, hành động của chúng ta, không vì áp lực bên ngoài mà thay đổi quan điểm. Bản lĩnh, bản sắc dân tộc là cơ sở của giao lưu văn hóa. Trong mọi hoạt động văn hóa, Đảng ta bao giờ cũng quan tâm đến truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nhiều nhà hoạt động văn hóa trong những thập niên 20, 30 của thế kỷ trước đã giới thiệu trên báo chí công khai sự nghiệp, sáng tác của M.Gorki, Lỗ Tấn, R.Rôlăng, H,Bácbuytx. Tiểu thuyết Người mẹ được một số nhà chính trị dịch trong nhà tù đế quốc và truyền tay nhau để đọc. Chủ nghĩa duy vật lịch sử và phép biện chứng của chủ nghĩa Mác được truyền bá, được coi là cơ sở lý luận cho các cuộc tranh luận học thuật trên báo chí công khai.v.v..

GIAO LƯU VĂN HÓA LÀ MỘT QUY LUẬT CỦA THỜI ĐẠI

Giao lưu văn hóa là một hiện tượng phổ biến của xã hội loài người, là quy luật vận động, phát triển của mọi nền văn hóa. Giao lưu văn hóa phản ánh sự học hỏi và tiếp nhận tri thức, kinh nghiệm của các quốc gia trên nhiều lĩnh vực, trước hết là những thành tựu về trí tuệ, khoa học, công nghệ, về kinh nghiệm tổ chức, quản lý nhà nước. Lịch sử giao lưu văn hóa quốc tế đưa lại cho nhân loại ánh sáng trí tuệ, những phát minh, những kinh nghiệm trong lao động sáng tạo. Nhờ giao lưu văn hóa đúng hướng mà các nước chậm phát triển có cơ hội trở thành những nước phát triển trong thời gian ngắn.

Từ sau đổi mới, trong các nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc, với những cách diễn đạt khác nhau, Đảng ta đều xác định: trong giao lưu văn hóa cần tránh hai thái cực: hoặc tâm lý bảo thủtư tưởng kiêu ngạo dân tộc mà tự kìm hãm mình trong tình trạng lạc hậu; hoặc sùng bái mù quáng choáng ngợp trước những “cái lạ”, “cái mới” mà tiếp thu thiếu chọn lọc xô bồ mọi hiện tượng văn hóa.

Do hoàn cảnh lịch sử, việc giao lưu văn hóa với thế giới của Việt Nam bị chậm trễ cả về không gian và thời gian so với nhiều nước. Nhưng bù lại, chúng ta có kinh nghiệm hội nhập văn hóa mà không bị đồng hóa. Trong quá trình tiếp xúc với văn hóa Pháp, khoảng từ năm 1919 trở đi, một phong trào canh tân các loại hình văn hóa - nghệ thuật được dấy lên: từ văn tự, ngôn ngữ, báo chí, giáo dục, văn thơ, hội họa, âm nhạc đến sân khấu, điện ảnh nhằm chuyển tải những giá trị dân tộc, nói lên tâm hồn, lối sống, tập quán, tâm lý, thị hiếu của người Việt Nam vào những thập niên đầu thế kỷ. Trong hàng ngàn năm dưới ách đô hộ của phong kiến Trung Hoa, khi tiếp xúc với văn hóa phương Bắc, các văn nhân, trí sĩ của ta luôn sáng tạo với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” để hôm nay chúng ta có được một nền văn hóa riêng, độc lập mà không biệt lập, hội nhập mà không hòa tan.

Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, những quan niệm về giao lưu văn hóa cũng có chỗ bất cập. Giao lưu văn hóa phải có nhận và cho. Song, cái không cần thiết, thậm chí độc hại thì lại đang có xu hướng “nhận” - nhập vào ồ ạt theo nhiều con đường khác nhau. Điều này đã được nêu lên trong Văn kiện Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII: “Giao lưu văn hóa với nước ngoài chưa tích cực và chủ động, còn nhiều sơ hở. Số văn hóa phẩm độc hại, phản động xâm nhập vào nước ta quá lớn; trong khi đó, số tác phẩm văn hóa có giá trị của nước ta đưa ra bên ngoài còn quá ít”(3).

Đảng Cộng sản Việt Nam từ Đề cương văn hóa 1943 cho đến những văn kiện Đại hội XIII (năm 2021), ở những mức độ khác nhau và tùy theo điều kiện lịch sử khách quan đã coi giao lưu văn hóa là một nội dung chiến lược quan trọng, bao chứa nhiều quan điểm nhất quán, nhưng với phương châm hành động khác nhau. Trong Đề cương văn hóa 1943, chúng ta chưa thấy xuất hiện thuật ngữ “giao lưu văn hóa”, bởi bấy giờ phương châm chủ yếu của văn hóa Việt Nam là chống. Chống nguy cơ chính sách văn hóa của thực dân Pháp và phát xít Nhật nhằm giết chết văn hóa nước ta; chống việc Âu hóa một cách lố lăng, Nhật hóa một cách xô bồ, việc học Tống Nho một cách mê muội; đấu tranh với các triết thuyết và tông phái văn nghệ trái với chủ nghĩa Mác. Những yếu tố xây như ba nguyên tắc: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa, xây dựng văn hóa tân dân chủ Đông Dương, trong đó có Việt Nam… là những yếu tố đặt điều kiện giao lưu văn hóa cho các giai đoạn tiếp theo.

Ngày 24/11/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội nghị văn hóa toàn quốc khai mạc, Hồ Chủ tịch lên diễn đàn với những kiến giải sâu sắc: “Văn hóa có liên quan mật thiết với chính trị. Văn hóa soi đường cho quốc dân, phải làm thế nào để văn hóa ăn sâu vào tâm lý quốc dân… và phải lấy tự do, độc lập làm gốc”; theo Người: “Có cái gì tốt của Đông phương hay Tây phương ta phải học lấy để tạo nên một nền văn hóa Việt Nam. Lại phải lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi văn hóa Việt Nam có tinh thần thuần túy Việt Nam, hợp với tinh thần dân chủ”(4). Như vậy, quy luật giao lưu văn hóa thường mang phương châm biện chứng: học tập cái tốt của văn hóa bên ngoài, học tập cái hay của văn hóa quá khứ là để xây dựng nền văn hóa hiện nay mang bản sắc dân tộc. Đồng thời, nền văn hóa mang bản sắc dân tộc là tiền đề điều kiện, cơ sở để giao lưu thuận lợi với văn hóa nước ngoài.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đánh thử nhạc cụ dân tộc Việt Nam trong tiệc chiêu đãi trọng thể chào mừng Đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, ngày 1/3/2019, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì. (Ảnh: TTXVN) 

Tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ ba (năm 1962), Trung ương đã nhắc nhở các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ hiểu đúng tính chất dân tộc và nhiệm vụ quốc tế của nền văn hóa nước nhà. Đó là hai vế bổ sung cho nhau, làm phong phú lẫn nhau để xây dựng nền văn nghệ mới. Những tư tưởng hư vô, tâm lý dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa sôvanh, sùng bái quá khứ đều xa lạ với quan điểm của Đảng. Mặt khác, những tư tưởng sùng ngoại, lai căng hoặc bài ngoại đều là những quan điểm thiển cận. Tính chất dân tộc dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là kết tinh những giá trị Chân - Thiện - Mỹ của dân tộc, là bản lĩnh biết tiếp thu, chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho văn hóa dân tộc.

Vào đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, trong tiểu luận “Mấy vấn đề văn nghệ Việt Nam hiện nay”, Tổng Bí thư Trường Chinh đặt câu hỏi: “Chúng ta học tập gì ở văn nghệ thế giới?” và trả lời: “...Chúng ta cũng cần học hỏi văn nghệ tiến bộ và cách mạng của các nước phương Tây nữa. Chúng ta nghiên cứu cả kỹ thuật của một số trường phái văn nghệ ở các nước ấy, nhưng nghiên cứu với con mắt phê bình, không thần thánh hóa kỹ thuật đó, cũng không bắt chước một cách nô lệ, mà nghiên cứu để giúp vào việc sáng tạo hình thức nghệ thuật dân tộc...”(5).

Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đánh dấu một cột mốc mới trong lịch sử và văn hóa dân tộc. Đảng đã khởi xướng đường lối đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế. Đó là một luồng gió mới làm thoáng mát và sống động mọi lĩnh vực đời sống. Thành tựu lớn nhất của giai đoạn này là giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục mở rộng giao lưu văn hóa.

Từ sau Đại hội VI, các nhiệm kỳ Đại hội của Đảng đã bổ sung và phát triển đường lối đổi mới, trong đó có lĩnh vực giao lưu văn hóa, với những quan điểm cơ bản như: xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; mục tiêu và động lực chính của sự phát triển là vì con ngườido con người; kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại; chống tư tưởng, văn hóa phản tiến bộ, trái với truyền thống tốt đẹp dân tộc và những giá trị cao quý của loài người; nhấn mạnh những nội dung: nhân đạo, dân chủ, tiến bộ trong đời sống tinh thần xã hội và tính chất nền văn hóa mới; chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa...

Với nhiều tiền đề lịch sử cho phép, với độ lùi thời gian, kinh nghiệm thực tiễn, trình độ lý luận và bản thân sự phát triển nội lực văn hóa trong tình hình diễn biến của thế giới hiện đại, năm 1998, Đảng ta đã ban Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là văn hóa triết học có sức khái quát cao, đề cập tương đối toàn diện các bình diện văn hóa, khai thác trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, trước hết là đội ngũ trí thức nhằm mục tiêu chiến lược: Văn hóa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển, vừa là nền tảng tinh thần xã hội.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã đi vào đời sống vào hợp lòng dân. Về vị thế, vai trò, tác dụng của văn hóa và giao lưu văn hóa của Nghị quyết này được các nhiệm kỳ Đại hội Đảng sau đó tiếp thu một cách cơ bản và làm sáng rõ hơn trong điều kiện lịch sử mới của thế kỷ XXI. Đại hội IX của Đảng ghi rõ: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập - tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng làm bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế...; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và công nghiệp...; tiếp thu tinh hoa và góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa nhân loại. Đấu tranh chống sự xâm nhập của văn hóa độc hại”(6).

Kế thừa nội dung trong các nghị quyết, văn kiện, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Văn kiện Đại hội XII về xây dựng, phát triển văn hóa, con người, trong Văn kiện Đại hội XIII, quan điểm của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được trình bày trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng khi khẳng định: “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”(7).

NHỮNG NGUYÊN LÝ VÀ NỘI DUNG GIAO LƯU VĂN HÓA

Một là, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ của các dân tộc khác.

Bàn về mối quan hệ giữa các dân tộc và vai trò các thành tựu tinh thần của dân tộc, Mác và Ăngghen đã viết: “Những thành quả hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành sở hữu chung của tất cả các dân tộc khác. Tính chất hẹp hòi, phiến diện dân tộc ngày càng không tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở một nền văn học chung toàn thế giới... Một nước có thể và phải học hỏi kinh nghiệm lịch sử của một nước khác”.

Trong quá trình tiếp thu cái bên ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh, tình hình hiện nay, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh, bền bỉ tuyên truyền, giáo dục, nhất là trong thế hệ trẻ, đề phòng tâm lý sính ngoại, phục ngoại vô cớ; mặt khác, cũng tránh tâm lý khép kín, coi thường những giá trị các dân tộc. Thái độ đúng đắn nhất để ứng xử mối quan hệ giữa cái bên ngoài và cái bên trong là: Càng đi vào dân tộc sâu sắc bao nhiêu, thì nhanh chóng hiểu biết, dễ tiếp nhận cái hay, cái đẹp của thế giới bấy nhiêu. Thật đúng chỗ khi dẫn ra đây kiến giải của Hồ Chí Minh: “Văn hóa của các dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của mình”(8); “Mỗi một dân tộc cần phải chăm lo đặc tính dân tộc trong nghệ thuật”(9); “Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”(10).

Tiết mục múa trong chương trình ngày hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật do sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một biểu diễn. (Ảnh: tdmu.edu.vn)

Hai là, giới thiệu lịch sử, đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với thế giới.

Các giá trị văn hóa truyền thống của nước ta có rất nhiều. Ở đây chỉ xin nêu 3 bình diện nổi trội, đó là: chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; nền văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam. Trong đó, chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự cường dân tộc là tài sản vô giá của truyền thống văn hóa Việt Nam. Nói dân tộc ta có sức sống trường tồn, không bị đồng hóa trước âm mưu thôn tính của kẻ thù, đồng lòng đứng lên chống ngoại xâm là nói sức mạnh của dân, trách nhiệm của dân và lợi ích của dân. Thời nào cũng vậy, lúc bình cũng như lúc biến, các bậc minh quân đều lấy dân làm gốc, lấy nhân nghĩa làm đức, lấy hòa hiếu để ứng xử bang giao; đối nội thì thuận lòng người, đối ngoại thì mềm dẻo, linh hoạt. Truyền thống hòa hiếu là cơ sở chính cho chính sách ngoại giao đa phương để hội nhập với thế giới trong thời đại Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Lê Duẩn có lần nói: “Phải có một nghìn năm văn hóa trước đó, mới có chuyện Hai Bà Trưng thắng quân Hán... Dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam, không bị đồng hóa là vì sao? Vì sớm có nền văn hóa của mình mà cao nhất là chủ nghĩa yêu nước...”(11).

Người Việt Nam với những tố chất tích cực như tính cộng đồng cao, ý thức đồng thuận, tính cần cù, cường độ lao động hóa, truyền thống hiếu học.v.v.. đã và sẽ làm được nhiều việc phi thường. Nhưng, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cần khắc phục một số nhược điểm: người Việt Nam thông minh, nhưng mới ở từng cá nhân, chưa đến độ thông minh cộng đồng, người có trí tuệ lỗi lạc rất hiếm; não bộ người Việt Nam phát triển, nhưng não sáng tạo ít hơn não thích ứng, thói quen bắt chước rất nhanh.v.v.. Nguyên nhân vì sao? Cho đến nay, về cơ bản, tinh thần cốt lõi của văn hóa Việt Nam vẫn nặng về tư tưởng nông dân, tâm lý tiểu nông, tầm nhìn hạn hẹp, chưa thật sự tôn trọng quyền cá nhân, chấp nhận cá tính, ý thức dân chủ chưa cao, mặc dù Nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp quy của Nhà nước đã ngăn ngừa, phê phán không phải một lần.

Ba là, ngăn ngừa và đấu tranh chống sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại.

Những yếu tố độc hại, suy đồi của các sản phẩm văn hóa ngoại lai (dù có chủ ý của các thế lực thù địch hay “vô tư” “vô tâm” du nhập) đã và đang như những đợt sóng ngầm va đập âm ỉ vào bến bờ của nhiều nước đang phát triển như Việt Nam. Nó có những đặc điểm sau: truyền bá phương châm tiêu dùng, lối sống thực dụng, trước hết là lớp trẻ; dùng các hình thức từ thiện, du lịch, tôn giáo để đạt mục đích chính trị; tuyên truyền sùng bái văn hóa phương Tây - coi đó là mô hình chuẩn; tổ chức và bảo trợ cho một số trí thức, văn nghệ sĩ, biến họ thành những “cái loa”, “chất men” phản kháng, chống sự nghiệp đổi mới của ta. Những chiến dịch ồn ào về đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, “chuyển lửa về quê hương” đã được thay thế bằng “bàn tay bọc nhung” nắm lấy hoạt động từ thiện, du lịch, “giao lưu văn hóa” giả hiệu để giương cao những tuyên ngôn, tuyên cáo về nhân quyền, tự do, dân chủ với mục đích chính trị đen tối.

Bốn là, giao lưu văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH), cần coi trọng hàng đầu các quy luật đặc thù sau: 1) Xây dựng con người Việt Nam phát triển cao về trí tuệ, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, cường tráng về thể chất. Con người không phải là phương tiện của quá trình CNH-HĐH mà là trung tâm, là động lực và mục tiêu của phát triển; 2) Xây dựng môi sinh văn hóa, tức là “thiên nhiên thứ hai” do con người xây dựng trong quá trình CNH-HĐH và đô thị hóa; 3) Đảm bảo điều kiện văn hóa, tức là chính sách, thể chế, pháp lý cần và đủ cho hoạt động văn hóa và xã hội hóa văn hóa; 4) Phát triển, nâng tầm về “chất” đội ngũ quản lý văn hóa.

*      *     *

Giao lưu văn hóa là sự đối thoại giữa các nền văn hóa nhiều khi đóng vai trò quan trọng, thậm chí quyết định cho những cuộc đàm phán về biên giới, lãnh thổ, xung đột sắc tộc. Quá trình giao lưu văn hóa cần tính đến giá trị chunggiá trị nhân loại, đồng thời thừa nhận cái khác biệt của người, để các dân tộc khác thừa nhận cái khác biệt của ta. Lo sợ về “cơn lốc toàn cầu hóa” là có thật, nhưng việc dân chủ hóa công nghệ, dân chủ hóa tài chính, dân chủ hóa thông tin là không thể không chấp nhận. Vấn đề còn lại là bản sắc, bản lĩnh, đạo lý dân tộc./.

GS. Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh
____________________

(1) (2) (8) (9) (10) (11) Hồ Chí Minh - Tuyển tập văn học, Nxb. Văn học, H, 1995, t.2, tr. 49-50, 52, 438, 374, 421, 421.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1998, tr.49-50.

(4) Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb. Văn học, H, 1995, tr.63.

(5) Nhiều tác giả: Về văn hóa - văn nghệ, Nxb. Văn hóa, H, 1972, tr.172-173.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr.42, 113, 115.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.202.