Trong 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, bằng nhiều kênh khác nhau, Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã luôn quan tâm, theo dõi tình hình trong nước và đã có rất nhiều bài viết có giá trị về tình hình kinh tế, chính trị và xã hội ở Đông Dương. Tuy nhiên, khi tra cứu và đối chiếu với các tài liệu mà tôi và các đồng nghiệp ở Bảo tàng Hồ Chí Minh sưu tầm được với bộ Hồ Chí Minh Toàn tập, tái bản bổ sung lần thứ ba (năm 2011), tôi nhận thấy hiện vẫn còn khá nhiều tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc viết khi ở nước ngoài vì nhiều lý do khác nhau vẫn chưa được lựa chọn để bổ sung vào bộ sách quý này.
Để góp phần giúp bạn đọc có thể tiếp cận với các tác phẩm chưa được công bố của Nguyễn Ái Quốc, tôi xin giới thiệu một trong những bài viết đó của Người. Bài viết có tựa đề Điều gì xảy ra ở Đông Dương, gồm 02 trang đánh máy[i] bằng tiếng Anh, được Nguyễn Ái Quốc viết xong vào ngày 16-2-1931, ký bút danh V.[ii], khi Người đang sống và hoạt động tại Hồng Kông (Trung Quốc). Bản gốc bài viết này hiện đang được được lưu giữ tại Lưu trữ Lịch sử Chính trị - Xã hội quốc gia Nga (РГАСПИ) ở Thủ đô Mátxcơva với ký hiệu lưu trữ: phông: 495, mục lục: 154, hồ sơ: 640, tờ: 9, 10[iii]
Ảnh: Trang đầu của bài viết “Điều gì xảy ra ở Đông Dương” của Nguyễn Ái Quốc, viết ngày 16-2-1931. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Sau đây là toàn bộ nội dung bài viết được tôi biên dịch từ bài viết nêu trên:
ĐIỀU GÌ XẢY RA Ở ĐÔNG DƯƠNG
Chủ nghĩa quân phiệt Pháp
Từ ngày 23 đến ngày 27-1-1931, đã diễn ra cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn tại địa phận hai tỉnh Phúc Yên và Sơn Tây nằm ở phía Bắc Hà Nội, thủ phủ của đế quốc Pháp ở Đông Dương. Với sự tham gia của 14 tiểu đoàn bộ binh, 5 tiểu đoàn lính công binh, 5 phi đội máy bay, cùng chiến xa, xe tăng... Cuộc diễn tập quân sự này do các tướng Billotte, Jeannot, Bonnet và De Bailleul chỉ huy.
Tham gia theo dõi cuộc diễn tập quân sự với tư cách khách mời danh dự có các đại diện của: Chủ nghĩa Hải quân Anh đến từ Malaixia và chủ nghĩa quân phiệt đến từ Trung Quốc, chủ nghĩa Bảo hoàng đến từ Xiêm, chủ nghĩa quân phiệt đến từ tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Hoa Dân quốc), chủ nghĩa đế quốc Đức và Mỹ đến từ đảo Java và các đảo của Philippin, chủ nghĩa đế quốc đến từ Nhật Bản và chủ nghĩa quân phiệt Bồ Đào Nha đến từ Ma Cao. Trong Thông cáo của Chính phủ nói rằng “Cuộc diễn tập quân sự năm nay có quy mô lớn hơn những năm trước”. Tờ Trung lập, một tờ báo tư sản bản xứ xuất bản ở Sài Gòn, đã viết rằng, với việc tổ chức một cuộc diễn tập quân sự lớn như vậy thì “chúng ta có thể đoán được tầm quan trọng của nó”.
Người cách mạng cũng nhận biết được ý nghĩa của tiếng khua gươm này là:
- Thứ nhất, nó có quan hệ rất chặt chẽ với cuộc chiến tranh đế quốc lần thứ hai.
- Thứ hai, nó gần gũi hơn với chiến dịch chống Liên Xô.
- Thứ ba, đế quốc Pháp muốn hù dọa quần chúng cách mạng Đông Dương bằng súng ống, xe tăng, máy bay...
Trong khi cuộc diễn tập quân sự đang diễn ra thì có 28 đồn binh mới được dựng lên ở các huyện thuộc tỉnh Nghệ An, gồm: 6 ở Nam Đàn, 4 ở Thanh Chương, 4 ở Nghi Lộc, 3 ở Quỳnh Lưu, 1 ở Yên Thành, 5 ở Anh Sơn, 1 ở Diễn Châu, 1 ở Quỳ Hợp và 3 ở Hưng Nguyên.
Phong trào nông dân phát triển mạnh nhất ở các huyện này. Các câu khẩu hiệu như: “Đả đảo chiến tranh đế quốc!” và “Bảo vệ nước Nga Xô viết” rất quen thuộc với đông đảo quần chúng nông dân ở Nghệ An. Số người bị thiệt mạng và bị thương trong các cuộc tuần hành kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười và các ngày lễ quốc tế khác đã chứng minh điều đó. Vì vậy, trong việc chuẩn bị chiến tranh ở Thái Bình Dương và chống nước Nga, đế quốc Pháp càng phải tăng cường cho điểm chiến lược lớn này.
Cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn ở Bắc kỳ, việc thành lập các đồn binh mới ở An Nam, việc đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương và chuẩn bị chiến tranh chống nước Nga Xô viết, tất cả những điều này đang được đan xen với nhau.
Khủng hoảng kinh tế
Khủng hoảng công nghiệp và tăng thuế đối với nông sản xuất khẩu (tăng 45% đối với gạo xuất khẩu) gây ra khủng hoảng nông nghiệp, và vô hình trung gây ra sự bất mãn của tầng lớp địa chủ. Một đại điền chủ ở Nam kỳ là Phan Thanh Chương đã đăng trên tờ Trung lập một bài dài mà chúng tôi xin trích dẫn lại như sau:
- “... Khắp nơi trên thế giới, chúng ta nghe thấy tiếng than thở về khủng hoảng kinh tế”.
- “Đặc biệt ở đất nước chúng tôi, đây là năm kinh khủng nhất từng được biết đến. Trước khi tiếng súng chưa nguôi trên đồng ruộng thì tai họa lại ập đến với kho đựng lúa trong nhà”.
- “Giá giảm và thuế xuất khẩu tăng 45%. Đây là hai thảm họa gây ra tai họa cho mọi người”.
- “Trước đây, khi một địa chủ cho nông dân vay 1 USD, anh ta sẽ nhận lại được 2 thùng gạo tương đương với 3 USD. Năm nay (do giá giảm), mỗi thùng gạo chỉ mang lại 0,45 USD. Như vậy cứ 100 USD cho vay thì địa chủ bị lỗ 10 USD, thiệt hại cho địa chủ Nam kỳ là khôn lường”.
- “Sau đó, ông Phan tiếp tục cho chúng tôi biết việc kinh doanh thương mại bị ảnh hưởng nặng nề như thế nào bởi cuộc khủng hoảng nông nghiệp: Không chỉ có tới một nghìn các công ty của Trung Quốc bị cuốn theo đà phá sản, mà các công ty lớn của châu Âu, chẳng hạn như “Esperiquette”, “Continental” và v.v.. cũng không tránh khỏi việc bị phá sản”.
- “Có một nhà văn đã viết những lời về sự khốn khó ngày càng gia tăng của những người nông dân như sau: Họ có thể khốn khổ đến mức nào? Họ phải trả 7 hoặc 8 USD thuế thân. Họ không có tiền. Không ai thuê họ làm việc. Không ai nhận những cái mà họ mang đi cầm cố. Chỉ còn lại hai công việc dành cho họ, đó là ăn cướp và trộm cắp”.
- “Hơn nữa, năm nay Đông Dương phải chia sẻ “Bãi cỏ thuộc địa lớn”, thì tình trạng khốn khổ này sẽ phát triển đến mức độ tồi tệ hơn không thể tưởng tượng nổi...”.
Từ những dữ kiện này, chúng ta thấy:
- Thứ nhất, sự “thịnh vượng” của Đông Dương đã không còn.
- Thứ hai, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, công nghiệp, nông nghiệp và thương mại Đông Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
- Thứ ba, chủ nghĩa đối kháng giữa đế quốc Pháp và giai cấp tư sản bản xứ bị cản trở bởi chính sách thuế quan của Pháp, nhưng họ lại luôn sợ cách mạng nên sẵn sàng hợp tác với đế quốc Pháp để chống lại quần chúng cách mạng.
- Thứ tư, nạn thất nghiệp, mùa màng thất bát nặng nề và cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy quần chúng lao động khổ sai không đi theo phong trào cướp bóc hay trộm cắp như ông Phan đã trình bày mà là theo cách mạng./.
Ngày 16-2-1931
V.
--------------------
[i] Có hai bút tích sửa chữa bằng mực đỏ của Nguyễn Ái Quốc.
[ii] V. là bút danh được Nguyễn Ái Quốc sử dụng một vài lần trong các báo cáo và thư từ viết năm 1931.
[iii] Bản scan màu lưu tại Kho Cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tài liệu này do Đoàn cán bộ của Bảo tàng (gồm Nguyễn Bá Ngọc, Trần Thị Hiền và Phạm Thị Lai) sưu tầm tại Lưu trữ Lịch sử Chính trị - Xã hội quốc gia Nga (РГАСПИ) ở Thủ đô Mátxcơva, năm 2006.
Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh