Hội thảo “Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới” ra diễn ra ngày 2/4 trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2022) do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức. TS. Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) đã tới dự và điều hành Hội thảo.
Đánh giá lại và đưa ra lộ trình phát triển nguồn nhân lực
TS. Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại hội thảo
Thông tin tại Hội thảo cho thấy, sau hơn 2 năm đại dịch, hiện du lịch Việt Nam đang chuyển mình rõ nét. Thị trường du lịch đã trở nên sôi động hơn, các hoạt động xúc tiến, quảng bá được tổ chức với tần suất nhanh, dày và phủ rộng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch đang là vấn đề cần được quan tâm cấp thiết bởi nhân lực lao động đã sụt giảm tới hơn 70% do tác động từ đại dịch.
Theo TS. Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng TCDL, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa phải đã kết thúc, toàn xã hội cũng như ngành Du lịch phải chuyển sang giai đoạn hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Nhà nước đã có chủ trương phát triển du lịch nội địa và mở cửa thị trường du lịch quốc tế từ đầu năm 2022. Song, nhiều vấn đề đặt ra đối với nhân lực du lịch trong giai đoạn mở cửa và phục hồi ngành Du lịch.
Đồng thời, Phó Tổng cục trưởng nêu các vấn đề nổi cộm về nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam giai đoạn hiện nay, đó là thiếu hụt nguồn nhân lực, khó khăn trong tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực mới, nhân lực trẻ bổ sung… Trong khi đó, quá trình đào tạo này cần có thời gian thực hiện và bồi đắp. Do vậy, vấn đề thiếu hụt nhân lực du lịch là vấn đề cấp bách, cần được tính toán, bổ sung kịp thời.
“Hội thảo này có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần kiểm tra, đánh giá lại thực trạng nguồn nhân lực du lịch sau 2 năm đại dịch hoành hành. Từ đó, đưa ra giải pháp, lộ trình và hướng phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới”- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy khẳng định.
GS. TS. Nguyễn Văn Đính nhìn nhận, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cần xây dựng hệ thống dữ liệu về lao động của doanh nghiệp
Đồng quan điểm này, GS. TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học đào tạo (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) cũng nhìn nhận, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cần xây dựng hệ thống dữ liệu về lao động của doanh nghiệp để có kế hoạch cụ thể cho lộ trình đào tạo, tuyển dụng nhân lực trước mắt và lâu dài.
Còn theo bà Nguyễn Thanh Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, TCDL, trong điều kiện bình thường mới, cần rà soát nguồn nhân lực du lịch, nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, thiếu hụt về chuyên môn nghiệp vụ của từng bộ phận. Đồng thời, cần nghiên cứu nhu cầu thị trường, dự báo phát triển du lịch để tính toán nhu cầu đào tạo tập trung, đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của từng địa phương, cơ sở.
Cầm tay chỉ việc, thay đổi chính sách lương…
Thực tế cho thấy, ngành Du lịch gặp khó khăn lớn trong tiến trình huy động nguồn lao động của ngành quay trở lại làm việc. Hiện người lao động vẫn chưa sẵn sàng trở lại làm việc do lo ngại dịch bệnh, một số đã chuyển nghề và dần ổn định nên không muốn quay lại ngành, quan trọng hơn là mức thu nhập hiện chưa được đảm bảo... dẫn đến công tác tuyển dụng gặp vô vàn khó khăn.
Tại Hội thảo các đại biểu cũng thừa nhận, hiện nay chỉ có một bộ phận nhân lực của ngành là đã qua đào tạo. Cụ thể, hầu hết chỉ có nguồn nhân lực tại các khách sạn là được qua đào tạo, với các đơn vị lưu trú như nhà nghỉ, homestay... đa số đều là nguồn nhân lực tự do, không qua đào tạo. Vì vậy, cần có những chính sách, giải pháp để bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, thậm chí cầm tay chỉ việc cho các nhóm lao động này.
Bàn về chất lượng đào tạo nhân lực du lịch, GS. TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, hiện nay công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân lực du lịch mới còn nhiều bất cập. Cụ thể, theo khảo sát tại các trường đại học cho thấy chương trình đào tạo dành cho sinh viên còn thiếu tính thực tế. Một số chương trình giảng dạy cũng như bài giảng của giảng viên không áp dụng sát tính thực tế trong quá trình giảng dạy với sinh viên. Từ đó, ảnh hưởng tới chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực du lịch. Đây là vấn đề cần được xem xét, lưu ý và thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Qua đó, tạo ra nguồn nhân lực bài bản, tiềm năng, sẵn sàng phục vụ ngành trong tương lai.
Chia sẻ những giáp pháp nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hiện nay, GS. TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, để thực hiện thu hút lao động trở lại làm việc và tuyển dụng lao động mới: Đối với lực lượng lao động cũ trở lại làm việc, cần đào tạo bổ sung những kiến thức, kỹ năng chuyên môn mới và bổ sung các kiến thức phù hợp với điều kiện thực tế. Đối với lực lượng lao động mới tuyển dụng, doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo để đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng nghề nghiệp để nâng cao chất lượng phục vụ trực tiếp cho khách. Mặt khác, cần bổ sung những kiến thức, kỹ năng về phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ môi trường, kiến thức, kỹ năng tin học cần thiết...
Cùng với đó cần có chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực du lịch có kinh nghiệm, kỹ năng nghề đã chuyển việc quay lại làm việc. Thực hiện tốt các chính sách về lương, môi trường làm việc... Có chính sách lương theo bậc, năng lực để khuyến khích nhân viên, học nâng cao kiến thức, kỹ năng.
Nâng tầm định hướng, đào tạo ngành, nghề…
Về giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cho rằng, việc định hướng ngành, nghề ngay từ sớm đóng vai trò rất quan trọng để giúp sinh viên, học viên định hình công việc trong tương lai, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Du lịch.
Ông Lê Hồng Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch & Thương Mại Dân Chủ nhìn nhận, nhiều sinh viên đến thực tập thiếu kiến thức về công việc mình sẽ làm trong tương lai. Thậm chí vẫn còn tồn tại tư tưởng chỉ đến ghi danh để lấy xác nhận. Do đó, công tác định hướng nghề cần phải được chú trọng và nâng cao hơn nữa. Đồng thời, ông Hải cho rằng, cần thiết phải cho sinh viên thực hành, thực tế ngay từ năm đầu để sinh viên sớm tiếp cận với công việc mình sẽ gắn bó lâu dài. Như vậy vừa định hình rõ ngành nghề, vừa nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thanh Bình cũng mong muốn có những định hướng việc làm tốt từ phụ huynh đến học sinh ngay từ khi đào tạo. Nếu định hướng việc làm chưa được chú trọng, dẫn đến nhận thức nghề kém, chất lượng nhân sự và hiệu suất việc làm và chất lượng dịch vụ kém.
Bên cạnh đó cần củng cố, nâng cao chất lượng đầu ra đối với đội ngũ lao động nghề của các cơ sở đào tạo du lịch, nâng cao năng lực và chất lượng của công tác đào tạo nghề. Quản lý chặt chất lượng đào tạo. Đồng thời, cần kết hợp và liên thông giữa các cấp độ đào tạo, giữa các chuyên ngành đào tạo đặc biệt là ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, đảm bảo liên kết chặt chẽ và cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo.
Ở góc độ của cơ sở đào tạo du lịch, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, TS. Trịnh Cao Khải cho rằng, để tạo ra nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, các cơ sở đào tạo cần bám sát cập nhật chủ trương, đường lối để linh hoạt thực hiện các giải pháp đảm bảo vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa chủ động thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với giai đoạn phục hồi và phát triển của ngành.
Vấn đề về đầu ra của nguồn nhân lực, ông Khải cũng cho rằng, cơ sở giáo dục sẽ tăng cường xúc tiến hợp tác với các tập đoàn lớn, doanh nghiệp du lịch và khách sạn tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ và hợp đồng hợp tác về tạo việc làm sau tốt nghiệp.
Một giải pháp về nguồn nhân lực cũng rất đáng lưu ý của Trường Đại học Mở Hà Nội, đó là mô hình đào tạo thích ứng với bối cảnh hiện nay. Theo TS. Vũ An Dân, Giám đốc Trung tâm tư vấn, phát triển du lịch (Trường Đại học Mở Hà Nội), đại dịch COVID khiến việc chuyển đổi số diễn ra mạnh trong tất cả các lĩnh vực trong đời sống và ngay cả trong ngành Du lịch. Điều này tạo ra nhiều mô hình hoạt động mới và các vị trí công việc hay nghiệp vụ làm việc mới với tôn chỉ số hóa để ít phải tiếp xúc trực tiếp.
TS. Vũ An Dân cho rằng, với các vị trí này thì việc thực hành, thực tập cũng không nhất thiết phải là trực tiếp, ví dụ như thực hành thực tập các kỹ năng chăm sóc khách hàng online, các kỹ năng marketing online, các hoạt động vận hành cơ sở lưu trú hay doanh nghiệp du lịch online… Do đó, việc thực hành thực tập nếu được linh hoạt theo các kỹ năng mới, công việc mới cần và có thể thực hiện dưới hình thức online cũng có thể coi là một cách thích ứng với điều kiện mới. Với cách làm này cũng góp phần giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho ngành.
Anh Hoa
Nguồn: Tạp chí Du lịch điện tử