Trong trường hợp của Luật hải cảnh Trung Quốc, rõ ràng nhiều vùng biển - đối tượng chịu tác động của luật nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc, nhất là khi nước này liên tiếp có yêu sách chủ quyền ở nhiều khu vực hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, mà vùng biển trong “đường chín đoạn”, lấy “Tứ Sa” ở giữa Biển Đông làm chỗ dựa pháp lý là một ví dụ cụ thể.

Nguồn gốc của “đường lưỡi bò” tai tiếng

Cùng với sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng khi Trung Quốc “khoe nanh múa vuốt” tại khu vực này. Đặc biệt, người Trung Quốc với “giấc mộng Trung Hoa” cho rằng Trung Quốc phải trở thành siêu cường duy nhất, thống trị thế giới, muốn vậy, Trung Quốc phải trở thành cường quốc biển. Mà muốn trở thành cường quốc biển, Biển Đông sẽ là cửa ngõ đầu tiên mà Trung Quốc phải giành lấy. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà của mình.

Tuy nhiên, để tìm cách độc chiếm biển Đông, thì Trung Quốc phải tìm cho được một cơ sở pháp lý nào đó, nhưng Trung Quốc lại không thể có cơ sở pháp lý vững chắc được. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã cố gắng “phát hiện”  “cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò” dựa trên một bản đồ được xuất bản nội bộ của chính quyền Tưởng Giới Thạch từ năm 1948 (1) . Trong bản đồ đó đường chữ “U” hay “đường lưỡi bò” này được thể hiện bao trùm xung quanh cả bốn nhóm thực thể lớn trên biển Đông, bao gồm: quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratlys) và Pratas (Trung Quốc gọi là Đông Sa) và bãi cạn Macclesfield (Trung quốc gọi là Trung Sa).

Năm 1949, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng cho ấn hành một bản đồ, trong đó “đường lưỡi bò” được thể hiện giống như bản đồ trước đó gồm 11 đoạn.

Tuy nhiên, sau đó một thời gian, tới năm 1953, bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc xuất bản chỉ còn 9 đoạn. Chính phủ Trung Quốc không đưa ra giải thích vì sao lại bỏ đi hai đoạn đó, thời điểm bỏ đi hai đoạn này cũng không nhất quán trong các tài liệu của các học giả Trung Quốc. Điều đặc biệt là trong suốt một thời gian dài, mặc dù cho xuất bản bản đồ có thể hiện “đường lưỡi bò” như trên, nhưng cả Chính phủ Trung Quốc mới lẫn chính quyền Tưởng Giới Thạch đều chưa bao giờ đưa ra lời tuyên bố hoặc giải thích chính thức gì về “đường lưỡi bò” đó cả.

Mỗi quốc gia đề có quyền ban hành và thực thi luật lệ trên phạm vi lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình. Nhưng Luật hải cảnh Trung Quốc, rõ ràng nhiều vùng biển - đối tượng chịu tác động của luật nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc, nhất là khi nước này liên tiếp có yêu sách chủ quyền ở nhiều khu vực hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, mà vùng biển trong “đường chín đoạn”, lấy “Tứ Sa” ở giữa Biển Đông làm chỗ dựa pháp lý là một ví dụ cụ thể (Ảnh: Báo QĐND)

Trong các tuyên bố và các văn bản luật quan trọng của chính quyền Trung Quốc như: Tuyên bố về  Lãnh hải tháng 8 năm 1958, Tuyên bố của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải năm 1992, Tuyên bố của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải năm 1996, Luật của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa năm 1998, đều không thấy nhắc gì tới yêu sách “đường lưỡi bò” này cũng như không có bản đồ nào có hình “đường lưỡi bò” được đính kèm.

Theo nhà nghiên cứu người Anh là Bill Hayton thì bản đồ này là xuất phát từ việc vẽ sai của một nhà địa lý người Trung Quốc trước đó (2). Tuy nhiên, mặc dù chỉ xuất bản bản đồ đó một cách nội bộ, thế nhưng cả chính quyền Tưởng Giới Thạch và Cộng hoà nhân dân Trung Hoa vẫn coi đây là “yêu sách” của họ.

“Đường lưỡi bò” có được coi là “yêu sách”?

Năm 2009 là năm mà theo quy định của Công ước luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, các quốc gia ven biển phải đệ trình các báo cáo về thềm lục địa mở rộng (3) của mình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (viết tắt là CLCS). Ngày 6-5-2009, Việt Nam và Malaysia có trình lên CLCS một Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng của hai nước (4), cùng khi đó, Việt Nam cũng gửi một Báo cáo riêng của mình lên CLCS (5).

Ngày 7-5-2009, Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã gửi Công hàm phản đối đối với Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam (6) và Malaysia cũng như Báo cáo về thềm lục địa mở rộng của riêng Việt Nam (7), trong Công hàm phản đối này có kèm theo một bản đồ có hình “đường lưỡi bò”.

Tuy nhiên, cũng như trước đó, Chính phủ Trung Quốc vẫn từ chối giải thích chính thức về tính chất pháp lý đối với yêu sách biển được thể hiện trong bản đồ có “đường lưỡi bò” kèm theo Công hàm số CML/17/2009 và CML/18/2009  này.

Thời điểm Chính phủ Trung Quốc gửi hai Công hàm ngày 7-5-2009 lên Liên hợp quốc, trong đó có kèm bản đồ có “đường lưỡi bò” mới là thời điểm đầu tiên bản đồ này xuất hiện công khai trước cộng đồng quốc tế. Chỉ với một bản đồ kèm theo như vậy, mà không có giải thích rõ ràng và công khai, có thể được coi như một yêu sách về lãnh thổ của Trung Quốc hay không?

Thẩm phán Oda trong vụ Kasikili/Sedudu đã khẳng định: “…một yêu sách lãnh thổ chỉ có thể được đưa ra với ý định rõ ràng của chính phủ, điều có thể được phản ánh qua các bản đồ. Bản thân bản đồ, nếu không có các bằng chứng hỗ trợ khác không thể biện hộ cho một yêu sách chính trị.” (8).  Giáo sư Erik Franckx và một tác giả khác là Marco Benatar đã chỉ ra rằng “Trong trường hợp này, tiêu chí để xét ý định rõ ràng về phía Chính phủ Trung Quốc không được đáp ứng đầy đủ. Các cách giải thích khác nhau về đường chữ U do các học giả đưa ra cũng như công hàm mập mở của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 7-5-2009 là minh chứng cho kết luận này.” (9). Chúng ta còn nhận thấy, bên cạnh cấu trúc câu phức tạp, các thuật ngữ được sử dụng trong công hàm, ví dụ như  “các vùng biển liên quan” và “các vùng biển lân cận” gây khó hiểu vì các thuật ngữ đó không hề xuất hiện trong Công ước luật biển 1982 (UNCLOS).

Sự bác bỏ của Tòa Trọng tài - chiến thắng của luật pháp

“Đường lưỡi bò” còn có nhiều tên gọi khác nhau. Người Trung Quốc gọi nó là “đường chữ U”, trong Hồ sơ vụ Philippines kiện Trung Quốc và trong Phán quyết Biển Đông của Toà Trọng tài năm 2016, gọi nó là “đường chín đoạn”.

Bởi không có cơ sở pháp lý thực sự, cho nên một mặt Trung Quốc cố tìm cách vin vào bản đồ này, cho rằng nó thể hiện “yêu sách” của Trung Quốc trên biển Đông (cho dù nó không thực sự đáp ứng là một yêu sách theo luật quốc tế). Mặt khác, Trung Quốc tung hoả mù đối với công luận thế giới bằng những ngôn từ và cách giải thích khác nhau nhưng mập mờ, khó hiểu về tính chất pháp lý của cái gọi là “yêu sách đường lưỡi bò" này.

Đến nay, có 4 nhóm giải thích về “đường lưỡi bò,” bao gồm: i) Đây là đường thể hiện yêu sách chủ quyền đối với các đảo và các thực thể bên trong đường này; ii) Đây là đường biên giới quốc gia trên biển; iii) Đây là đường thể hiện liên quan đến lịch sử (quyền lịch sử hoặc vùng nước lịch sử); iv) Đây là đường thể hiện phân định biển trong tương lai.

Tuy nhiên, những cách giải thích này đã bị Phán quyết Biển Đông năm 2016 của Toà Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc bác bỏ hoàn toàn.

Về cách giải thích “quyền lịch sử”:

Một trong những cách giải thích về tính chất pháp lý của “đường lưỡi bò” là thể hiện “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng nước và các thực thể bên trong đường này. Trong khi trình bày lập luận tại Toà Trọng tài, phía Philippines đã phát hiện ra lập luận chủ yếu cho “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là thể hiện “quyền lịch sử” của họ đối với Biển Đông.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là bên đầu tiên đưa ra cách giải thích này. Cách giải thích đầu tiên như vậy bắt đầu từ Đài Loan năm 1993. Một học giả Đài Loan là Phó Côn Thành tự nhận là tác giả của ý tưởng này và đã được Bắc Kinh áp dụng (10).

Trong Phán quyết Biển Đông năm 2016 của Toà Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc thì Toà đã bác bỏ cách giải thích đây là yêu sách về “quyền lịch sử” của Trung Quốc.

“Trung Quốc đã tuyên bố quan điểm của mình rằng“ các quyền liên quan của họ ở Biển Đông, được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài” được “bảo vệ theo luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).” Trong chừng mực các quyền liên quan của Trung Quốc, bao gồm yêu sách về các quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong “đường chín đoạn”…, Tòa Trọng tài không thể đồng ý với quan điểm này. Công ước không bao gồm bất kỳ điều khoản rõ ràng nào bảo tồn hoặc bảo vệ các quyền lịch sử trái với Công ước. Ngược lại, Công ước thay thế các quyền và thỏa thuận trước đó ở mức độ không tương thích. Công ước có tính toàn diện trong việc xác định bản chất của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và các quyền của các Quốc gia khác trong các vùng đó. Yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử không tương thích với các điều khoản này.” (11)

“Tòa cũng lưu ý rằng lập trường của Trung Quốc, như đã khẳng định trong quá trình đàm phán Công ước, không phù hợp với tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ được hưởng các quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật ở Biển Đông. Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra yêu sách như vậy trong suốt quá trình đàm phán, mặc dù Biển Đông và vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa đã được đưa ra nhiều lần trong các cuộc trao đổi giữa Trung Quốc và Philippines trong quá trình làm việc của Ủy ban Đáy Đại Dương cũng như giữa Trung Quốc và Việt Nam trong suốt Hội nghị lần thứ ba về Luật biển của Liên hợp quốc.” (12)

“Tòa kết luận rằng liên quan đến các quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trên Biển Đông, những quyền như thế không phù hợp với quy định của Công ước. Tòa cũng lưu ý rằng, mặc dù ngư dân và các nhà hàng hải Trung Quốc cũng như các nước khác, trong lịch sử đã có các hoạt động khai thác tại các đảo ở Biển Đông, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã thực hiện việc kiểm soát riêng biệt đối với các vùng biển hay nguồn tài nguyên. Tòa kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc đòi yêu sách quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên tại các vùng biển nằm trong “đường chín đoạn”. (13)

Chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam, chưa kể một số quốc gia khác cũng cho là một số cấu trúc thuộc Trường Sa cũng thuộc chủ quyền của họ. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng trái phép Hoàng Sa năm 1974 cùng một số cấu trúc tại Trường Sa từ 1988 trở đi là trái với quy định không sử dụng vũ lực trong điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc và Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng LHQ (Ảnh: Báo QĐND)

Về cách giải thích là “vùng nước lịch sử”:

Đài Loan đã từng chính thức tuyên bố xem các vùng nước trong “đường lưỡi bò” là vùng nước lịch sử của mình vào năm 1993 khi ban hành Hướng dẫn Chính sách Biển Đông. Tuy nhiên, đến năm 2005, Hướng dẫn này bị bãi bỏ. Kể từ đó, Đài Loan đã không còn nhắc tới “vùng nước lịch sử” trong các văn bản và tuyên bố chính thức của mình nữa.

Trong Phán quyết, Toà Trọng tài cũng đã làm sáng tỏ các khái niệm “quyền lịch sử”, “danh nghĩa lịch sử”, “vịnh lịch sử” và “vùng nước lịch sử” và mối quan hệ giữa chúng với nhau.

Và mặc dù đây là các khái niệm riêng biệt nhưng giữa chúng có mối liên quan chặt chẽ. Vì thế, khi Toà Trọng tài bác bỏ “quyền lịch sử” vì không có bằng chứng cho thấy người Trung Quốc là người duy nhất đánh cá trên vùng biển này, và các quy định của UNCLOS phải được ưu tiên hơn tất cả các quyền khác, trong đó “có quyền lịch sử”. Chính vì vậy, khi “quyền lịch sử” bị bác bỏ, điều đó đồng nghĩa với việc giải thích đây là đường thể hiện “vùng nước lịch sử” cũng đồng thời bị bác bỏ.

Về cách giải thích là “đường biên giới quốc gia”:

Một cách giải thích khác về “đường lưỡi bò” là đường biên giới quốc gia trên biển. Một học giả Đài Loan là Trần Thuần Nhất có nhận xét: “Lý thuyết này tương đối yếu vì nó không có cơ sở pháp lý phù hợp theo luật biển.”(14)

Trước đây, một trong những luận điểm của các nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng “đường lưỡi bò” được vẽ tùy tiện, không có tọa độ để xác định và là một đường đứt khúc nên không thể hiện được là một đường biên giới nghiêm chỉnh. Chính vì vậy, năm 2018, các nhà khoa học Trung Quốc lại tung ra thông tin về việc tìm thấy một bản đồ “hình chữ U” nhưng liền nét và được xuất bản từ năm 1951.(15)

Tuy nhiên, trong lúc tranh luận, các luật sư của Philippines đã chứng minh trước Hội đồng trọng tài là cách giải thích “đường lưỡi bò” là đường biên giới quốc gia trên biển là không hợp lý. Bởi vì chính trong các tuyên bố của các giới chức Trung Quốc đã tự phủ nhận đây là đường biên giới quốc gia, bởi vì Trung Quốc luôn khẳng định tôn trọng quyền tự do hải hành và tự do hàng không bên trong đường này. Chính vì thế, theo quy định của luật quốc tế, không thể có chuyện tự do hải hành và tự do hàng không bên trong khu vực biển thuộc chủ quyền quốc gia được.(16) Mặc dù Toà không đề cập tới vấn đề này trong Phán quyết, nhưng Toà đã tỏ ra đồng ý với lập luận này của Philippines.

Điều đó cho thấy, cách giải thích “đường lưỡi bò” là đường biên giới trên biển không thể đứng vững, cho dù nó là “đứt đoạn” hay “liền nét.”

Lập luận “Tứ Sa” – bình mới rượu cũ

Sau thất bại pháp lý trước Phán quyết Biển Đông năm 2016, từ năm 2017, các học giả Trung Quốc lại đưa ra một học thuyết mới, cụ thể là khái niệm “Tứ Sa” về Biển Đông. Trong học thuyết này, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Quần đảo Pratas, Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa và Bãi ngầm Mcclesfield với tên gọi lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Thay vì được xem là một nhóm các thực thể tranh chấp, Trung Quốc coi mỗi nhóm đảo và đá ngầm trên là một quần đảo gồm nhiều thực thể khác nhau, với ranh giới biển cụ thể, có chủ quyền và quyền được xác lập xung quanh đó một vùng đặc quyền kinh tế.

Như vậy, trong 4 cách giải thích về “đường lưỡi bò”, thì hai cách giải thích đã bị vô hiệu hoá bởi Toà trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc, đó là giải thích về “quyền lịch sử” và “đường biên giới quốc gia”. Chỉ còn lại hai cách giải thích, đó là đường này thể hiện yêu sách chủ quyền đối với các đảo và các thực thể bên trong đường này, và cách giải thích đây là “đường phân định biển trong tương lai”. Đường phân định biển trong tương lai chỉ là một cách nói để xoa dịu, sẽ không “trợ giúp” cho chỗ thiếu về “nguỵ trang pháp lý” của Trung Quốc đối với tham vọng độc chiếm biển Đông. Vì thế, Trung Quốc chỉ còn một cách giải thích duy nhất, đó là yêu sách chủ quyền với tất cả các nhóm đảo và các thực thể bên trong đường này.

Lập luận này đương nhiên là không có cơ sở pháp lý, bởi vì:

Chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam, chưa kể một số quốc gia khác cũng cho là một số cấu trúc thuộc Trường Sa cũng thuộc chủ quyền của họ. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng trái phép Hoàng Sa năm 1974 cùng một số cấu trúc tại Trường Sa từ 1988 trở đi là trái với quy định không sử dụng vũ lực trong điều 2 (4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc và Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng LHQ.

Trong Phán quyết Trọng tài về biển Đông năm 2016, Toà đã giải thích rõ điều 121 UNCLOS và theo đó, không có thực thể nào thuộc Trường Sa đáp ứng điều kiện là đảo. Vì vậy, đối với các thực thể đáp ứng là đá thì chỉ có thể có vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh, và không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho đá đó. Đối với các thực thể lúc nổi lúc chìm thì không thể có vùng biển kèm theo được. Chính vì vậy, trong Công hàm số 22/HC-2020 ngày 30/3/2020 của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã phản đối điều này. Điều này cho thấy sự vi phạm của Trung Quốc khi đưa ra lập luận các thực thể trên biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Theo nguyên tắc quan trọng trong luật biển quốc tế “đất thống trị biển” thì các cấu trúc lúc chìm lúc nổi và các bãi ngầm không thể là đối tượng để yêu sách chủ quyền được, mà trong các thực thể thuộc Hoàng Sa, Trường Sa có rất nhiều các thực thể có tính chất tự nhiên là như vậy. Do đó, lập luận của Trung Quốc dựa vào chủ quyền của các cấu trúc này để yêu sách các vùng nước và thềm lục địa kèm theo là vi phạm nghiêm trọng đến luật biển quốc tế và UNCLOS.

Mặc dù trong Phán quyết biển Đông năm 2016, Toà đã nêu rõ, các quyền về lịch sử đối với vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” này không có cơ sở trong luật quốc tế, và các quy định của UNCLOS đối với các thành viên tham gia UNCLOS phải được ưu tiên. Nhưng vì muốn chống lại Phán quyết này nên Trung Quốc vẫn bất chấp pháp luật và thực tế để nhắc lại các yêu sách dưới dạng “quyền lịch sử”, “quyền và lợi ích được thực hiện trong lịch sử”.

Học thuyết về “Tứ Sa” của một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đã bị giới khoa học quốc tế phản đối và chỉ trích gay gắt.(17)

Đến đây thì chúng ta có thể thấy, Tứ Sa hay “đường lưỡi bò” đều không khác nhau. Đó chỉ là những cách diễn giải khác nhau cho âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc mà thôi. Nhưng bởi vì “đường lưỡi bò” đã bị Toà trọng tài bác bỏ, cho nên Trung Quốc muốn tìm cách “khoác tấm áo mới lên cho một tham vọng cũ”, nên họ tìm cách đưa ra những cách giải thích mập mờ, còn lại ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Dựa trên pháp luật quốc tế hiện đại, yêu sách về “đường lưỡi bò”này của Trung quốc “không có cơ sở yêu sách nào trong luật quốc tế cho yêu sách lịch sử đó”(18), “yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lịch sử và quyền đối với hầu hết biển Đông và/hoặc đối với đáy biển và lòng đất của nó là trái với sử phát triển toàn diện của luật biển quốc tế hiện đại và không thể coi là một vấn đề pháp luật nghiêm chỉnh”.(19)

Chúng ta hãy xem nhận xét của chính một chuyên gia luật nổi tiếng người Trung Quốc, ông Lý Lệnh Hoa, thuộc Trung tâm thông tin hải dương Trung Quốc:

Nói đến quyền lợi ở Nam Hải, chúng ta thường thích nói một câu là: từ xưa đến nay thế này thế nọ, có lúc hứng lên còn thêm vào hai chữ “thiêng liêng”.

Đó chính là cái gọi là chứng cứ lịch sử... Nhưng những chứng cứ đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc tế hiện đại... Chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực tế.

Anh nói chỗ đó là của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa? Người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không? Có phải người khác không có ý kiến gì không? Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là điều chắc. Ở Nam Sa, chúng ta đã không có được điều đó...

Vào thời nhà Thanh (đời Hàm Phong hoặc Đông Trị), có một chiếc tàu hàng Pháp chở đồng đi qua vùng biển “Tây Sa” thì gặp cướp biển, bị cướp sạch.

Theo quy tắc vận tải hàng hóa trên biển, họ phải đến gặp chính quyền sở tại để trình bảo, đề nghị giúp bắt bọn cướp, đồng thời xin chính quyền nơi đó xác nhận làm bằng cứ để khi về bảo cáo với chủ hàng và đòi hãng bảo hiểm bồi thường.

Viên thuyền trưởng người Pháp đưa tàu chạy đến cảng gần nhất là Du Lâm ở đảo Hải Nam, trình báo với tri phủ (có lẽ là tri huyện) địa phương.

Viên quan địa phương đó nói với thuyền trưởng Pháp: “Nơi chúng ta đứng đây có tên là ‘Thiên Nhai Hải Giác’ (chân trời góc biển). Đất của Thiên triều đến đây là hết rồi. Chuyện ông bị cướp ngoài biển biết là ở chỗ nào? Ông bị cướp, chúng tôi không chịu trách nhiệm, không quản được và cũng không muốn quản”.

Thế rồi tổng cổ tay thuyền trưởng bị cướp ra khỏi nha môn. Nhưng sự kiện đó cần phải có cái kết, nếu không về Pháp biết ăn nói ra sao? Viên thuyền trưởng đành phải cho tàu chạy vào cảng Hải Phòng.

Quan chức địa phương ở đó rất tốt, xác nhận cho ông ta, lại còn cho tàu ra chạy lòng vòng, coi như đã truy bắt cướp.

Đó là chứng cứ gì?. Đó chính là chứng cứ về kiểm soát và quản lý thực tế. Chúng cử này nói lên: chính phủ Trung Quốc ngay từ thời triều Thanh đã không thừa nhận “Tây Sa” là lãnh thổ của mình, cũng không đảm trách công tác trị an ở đó.

Còn chính quyền Việt Nam khi đó không những đã cho rằng “Tây Sa” là lãnh thổ của họ, mà còn thực thi công tác giữ gìn trật tự ở đó.

Điều đó chả phải đã chứng minh “Tây Sa” từ xưa đến nay đều thuộc về Việt Nam hay sao? Nếu bạn là đại biểu đàm phán của Trung Quốc, được huấn luyện đầy đủ về luật biển và luật quốc tế, trước những chứng cứ như thế thì phải làm thế nào? Thật là muốn có cỗ máy thời gian để quay trở lại thời đó bóp chết viên tri phủ kia!...".

Minh Nam – Văn Minh – Thanh Sơn (ghi)

Nguồn: Tạp chí Tào án điện tử

(1). Xem Li Jin Ming and Li De Xia The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea: A Note ,Ocean Development International Law, 34:287–295, 2003, trang  289; Yann Huei Song and Peter Kien HongYuChina's "historic waters" in the South China Sea:an analysis from Taiwan, American Asian Review Vol. 12, N.. 4, Winter, 1994 (pp. 83-101); Zou Keyyuan, Law of the sea in East Asia, Routledge, 2005, trang. 49.

(2). Bill Hayton, The modern creation of China’s “historic rights” claim in the South China Sea, Asian Affair, Volume 49, 2018, Issue 3, https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/03068374.2018.1487689

(3). Ngày 13/09/2009 là hn chót các quc gia phi np Báo cáo về thm lc đa mở rng ca quc gia mình lên CLCS.

(4). Malaysia-CHXHCN Vit Nam, Báo cáo chung lên Uỷ ban Ranh gii Thm lc đa theo điu 76.8 UNCLOS liên quan đến vùng bin phía Nam, Báo cáo tóm tt, 5/2009, xem ti www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/mys_vnm2009excutivesummary.pdf

(5). CHXHCN Vit Nam, Báo cáo lên Uỷ ban Ranh gii Thm lc đa theo điu 76.8 UNCLOS, Báo cáo riêng liên quan đến Thm lc đa mở rng ca Vit Nam: vùng bin phía Bc (VNM-N), Tóm tt Báo cáo, 4/2009, xem twww.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/vnm37_09/vnm2009n_executivesummary.pdf

(6). CHND Trung Hoa, Công hàm gi Tng thư ký Liên hp quc, New York, 7/5/2009, CML/17/2009, xem twww.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/chn_2009re_mys_vnm_e.pdf

(7). CHND Trung Quc, Công hàm gi Tng thư ký Liên hp quc, New York, 7/5/2009, CML/18/2009, xem twww.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/vnm37_09/chn_2009re_vnm.pdf

(8). Kasikili/Sedudu Island, Ý kiến riêng ca Thm phán  Oda. Xem ti http://www.icj-cij.org/docket/files/98/7587.pdf , trang 92 - 93.

(9). Erik Franckx & Marco Benatar, tài liu đã dn.

(10). Bill Hayton, tài liệu đã dẫn

(11). Phán quyết Biển Đông, https://pcacases.com/web/sendAttach/2086, đoạn 278

(12). Phán quyết Biển Đông, https://pcacases.com/web/sendAttach/2086, đoạn 252

(13). Thông cáo báo chí về Phán quyết Biển Đông, https://pcacases.com/web/sendAttach/1801

(14). Chun I Chen, Legal Aspects of the ROC’s Position on the U-Shaped Line https://www.pf.org.tw/files/5973/AC4B7FD3-8F56-42CA-8301-495914190839, trang 8

(15). http://www.scmp.com/news/china/society/article/2141323/chinas-claims-south-china-sea-proposed-continuous-boundary-first.

(16). Bút lục phiên toà ngày thứ nhất, https://pcacases.com/web/sendAttach/1547, trang 36

(17). https://www.lawfareblog.com/south-china-sea-and-chinas-four-sha-claim-new-legal-theory-same-bad-argument.

(18). Yann Huei Song và Kien Hong Yu, như trên.

(19). Brice M. ClagetNhng yêu sách đi kháng ca Vit Nam và Trung Quở khu vc bãi ngm Tư Chínhh và Thanh Long trong bin Đông, nxb Chính trị Quc gia, Hà ni, 1996, tr. 99.