Kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 của Quốc hội, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đến nay, đã gần ba năm trôi qua. Trong thời gian đó, nhiều cuốn sách bình luận khoa học của các chuyên gia pháp luật hình sự được xuất bản. Mỗi cuốn sách có một thế mạnh, ưu điểm khác nhau, nhưng với một bộ luật lớn, rất quan trọng và phức tạp như Bộ luật Hình sự, thì một vài cuốn bình luận chưa giải quyết hết vướng mắc của những người làm công tác thực tiễn cũng như công tác nghiên cứu.

Là một Thẩm tra viên trải qua nhiều năm công tác tại phòng kiểm tra nghiệp vụ của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và được bổ nhiệm Thẩm phán, Phó Chánh án Toà án đang trực tiếp xét xử nhiều vụ án hình sự, Ths Đỗ Văn Nghiêm đã dành nhiều thời gian và tâm huyết bình luận và cập nhật, trích dẫn văn bản cho mỗi điều luật mà nhiều cuốn sách đã xuất bản chưa đáp ứng được, vì Bộ luật Hình sự liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, liên quan đến quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của bị can, bị cáo, của bị hại… nên hiểu sau, hiểu kỹ từng điều luật, nắm vững từng văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền đối với từng điều luật là một nhu cầu rất thiết thực đối với mọi người, đặc biệt là những người làm công tác điều tra, truy tố, xét xử và bào chữa…

Cuốn sách “Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 và Trích dẫn các văn bản hướng dẫn có liên quan” của Ths Đỗ Văn Nghiêm được biên soạn với tinh thần ấy.

Điểm khác biệt của công trình này là tác giả bình luận cả phần chung và phần riêng của Bộ luật Hình sự để độc giả dễ tra cứu; sau mỗi điều luật là phần bình luận của tác giả và phần trích dẫn các văn bản hướng dẫn có liên quan đến điều luật đó; một số văn bản hướng dẫn cho Bộ luật Hình sự trước đây tác giả cũng trích dẫn để người đọc tham khảo quan điểm hướng dẫn cho từng qua từng thời kỳ. Có thể nói, cuốn sách như một cẩm nang, giúp cho những người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng, đặc biệt là Thẩm phán, Kiểm sát viên và người bào chữa thuận tiện cho việc nghiên cứu, tham khảo và áp dụng pháp luật, tránh được sự phiền toái trong việc tìm kiếm nhiều văn bản hướng dẫn.

Đơn cử về Điều 15, phạm tội chưa đạt, sau khi phần nội dung điều luật, tác giả bình luận rất kỹ về thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc, tâm lý của can phạm và phân loại phạm tội chưa đạt đã hoàn thành và phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành với những lập luận chặt chẽ, thuyết phục và có ví dụ dễ hiểu. Sau đó tác giả trích dẫn nội dung văn bản về phạm tội chưa đạt trong Nghị quyết số 02 ngày 5/1/1986 của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự (năm 1985); Nghị quyết số 01 ngày 4/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Như Điều 123, tội giết người, tác giả phân tích hành vi giết người được thực hiện do lỗi cố ý, nó được hình thành từ ý thức chủ quan của người phạm tội được biểu hiện ở các dạng: Trường hợp tội phạm chuẩn bị hung khí (phương tiện công cụ phạm tội), điều tra theo dõi mọi hoạt động của người định giết, chuẩn bị những điều kiện, thủ đoạn để che giấu tội phạm... khoa học luật hình gọi là cố ý có chủ đích. Trường hợp trước khi hành động, người phạm tội không có thời gian chuẩn bị, không có thời gian suy nghĩ và không mong muốn cho hậu quả xẩy ra, nhưng buộc họ thấy trước được hậu quả tất yếu sẽ xảy ra. Ví dụ: A và B cãi nhau, sẵn có dao trong tay chém liên tiếp nhiều nhát vào đầu B làm B chết ngay tại chỗ. Trường hợp này khoa học luật hình gọi là cố ý đột xuất …

Trường hợp người phạm tội dùng hung khí tấn công người khác nhưng không chứng minh được họ có ý thức tước đoạt mạng sống của người khác, như: Đánh, đâm, chém vào vùng trọng yếu (đầu, ngực, bụng…) trên cơ thể của nạn nhân, hiện nay còn nhiều quan điểm:

Có quan điểm cho rằng, người phạm tội không có mục đích tước đoạt mạng sống, không mong muốn hậu quả xẩy ra nhưng khi hành động thực hiện tội phạm, như: đâm, chém, đánh vào vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân thì buộc họ phải thấy trước được hậu quả tất yếu sẽ xảy ra, việc nạn nhân không chết là nằm ngoài ý muốn, do vậy hành vi của người phạm tội phải bị truy tố và xét xử về tội “Giết người”.

Quan điểm khác lại đánh giá, người phạm tội không có mục đích tước đoạt mạng sống, không mong muốn hậu quả xẩy ra nhưng khi hành động thực hiện tội phạm, như: đâm, chém, đánh vào vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân, tuy nhiên hậu quả thương tích không nghiêm trọng, do vậy hành người phạm tội bị truy tố và xét xử về tội “Cố ý gây thương tích”

Quan điểm của tác giả Đỗ Văn Nghiêm cho rằng: Khi định tội danh về trường hợp người phạm tội không có mục đích tước đoạt mạng sống của người khác, không mong muốn hậu quả xẩy ra nhưng khi thực hiện tội phạm, như: đâm, chém, đánh vào vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân thì cần đánh giá và xem xét toàn diện về mặt khách quan, chủ quan của tội phạm.

Phải xem xét mâu thuẫn, hung khí dùng phạm tội, cường độ tấn công của người phạm tội... Nếu mâu thuẫn gay gắt, tội phạm dùng hung khí “dao” khua trúng đâu thì trúng, hoặc đâm, chém vào vùng trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân, sau khi đã thực hiện và thoả mãn được mục đích gây thương tích cho nạn nhân người phạm tội không tấn công tiếp và bỏ đi hoặc nạn nhân được mọi người đưa đi cấp cứu, người phạm tội không ngăn cản, không có hành vi tấn công tiếp thì truy tố tội “Cố ý gây thương tích”

Trường hợp, người phạm tội đã đâm, chém vào vùng trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân là thoả mãn được mục đích gây thương tích cho nạn nhân nhưng vẫn tiếp tục cố ý truy sát và phạm tội đến cùng là thể hiện ý chí, mục đích tước đoạt mạng sống của nạn nhân rõ rệt và mong muốn cho hậu quả xẩy ra. Do vậy hành vi của người phạm tội cấu thành tội “Giết người”.

Cũng chính từ các quan điểm chuyên sâu của tác giả, TS Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao, cố vấn của tác giả trong quá trình biên soạn công trình đồ sộ này nhận xét: Tác giả đã nghiên cứu và trải qua nhiều năm làm công tác xét xử thực tiễn, thấy trong một số điều luật hiện nay còn nhiều quan điểm của một số nhà khoa học, một số người làm công tác thực tiễn trong điều tra, truy tố, xét xử và bào chữa chưa được thống nhất, tác giả đã mô tả lại đầy đủ và đưa ra quan điểm riêng của mình về vấn đề đó. Đây là điều đáng trân trọng trong nghiên cứu khoa học, để các nhà khoa học và những người làm thực tiễn cùng xem xét nghiên cứu và tham khảo, để đưa ra kết luận chung mang tính thống nhất về những vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau.

Phần trích dẫn các văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến Điều luật đó từ trước đến nay, được tác giả trích dẫn tương đối đầy đủ, nên rất thuận lợi cho người sử dụng.

Trong một số điều luật đã rõ ràng, không có cách hiểu khác thì tác giả không bình luận, nhưng có trích dẫn những hướng dẫn có liên quan.

“Theo tôi được biết thì có thể nói đây là công trình bình luận khoa học đầu tiên làm được việc này. Công trình khoa học này được xuất bản sẽ là tài liệu hữu ích, là tài liệu có giá trị tham khảo cho công tác xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học và giảng dạy về luật hình sự; đồng thời cũng là tài liệu hữu ích, tài liệu có giá trị tham khảo cho công tác hướng dẫn thi hành pháp luật hình sự để áp dụng vào thực tiễn trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và bào chữa” – TS Đặng Quang Phương đánh giá.

Công trình còn được PGS.TS. Trung tướng Trần Văn Độ - Nguyên phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án quân sự Trung ương và TS Nguyễn Sơn -  Nguyên phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã góp ý, động viên và hướng dẫn tác giả cách tiếp cận, cách nhìn nhận về khoa học pháp lý luật hình sự để tác giả hoàn thành công trình này.

Tạp chí Tòa án nhân dân liên kết, trực tiếp biên tập và phát hành công trình này với hy vọng được quý độc giả xa gần, các cá nhân và tập thể đón nhận, được góp phần vào nhận thức thống nhất, để áp dụng và thực thi Bộ luật Hình sự được chuẩn xác, khách quan và đúng pháp luật, góp phần vào sự nghiệp cải cách tư pháp hiện nay.

 

Công trình dự kiến khoảng 1000 trang khổ 16X24 – Giá bìa: 666.000đ

Tập thể, cá nhân có nhu cầu mua sách xin đăng ký về địa chỉ mail:

 Tapchitoaannhandan@gmail.comtuyet.tcta@gmail.com 

hoặc số điện thoại của Ban Trị sự Tạp chí Tòa án nhân dân (024)3.934.1735; 0983376416

 

NHƯ THỰC 

Nguồn:  Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử