Ðầu tháng 2/1922, Nguyễn Ái Quốc và những người cách mạng Algeria, Tunisia, Maroc, Madagascar ở Paris họp bàn và cùng nhau lập ra Hội hợp tác người cùng khổ, đóng cổ phần để ra một ấn phẩm báo chí thật sự của các thuộc địa bằng tiếng Pháp. Như Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh khẳng định: Ðây chính là “một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức”.

Báo Le Paria số 2 trang 1 ra ngày 1/5/1922 đăng bài của tác giả Nguyễn Ái Quốc. Tài liệu do Trung tâm lưu trữ Quốc gia Pháp tại Aix-en Provence (ANOM) cung cấp.

Ngày 19/2/1922, Hội liên hiệp thuộc địa họp, đã cho phép thành lập Hội hợp tác người cùng khổ và báo Le Paria theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc. Song do số người tham gia đóng cổ phần không đủ, nhóm đã xin phép và chuẩn bị mọi điều kiện để xuất bản ngay một tờ báo lấy tên là Người cùng khổ - Le Paria “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa” (Tribune des populations des colonies), số đầu tiên ra mắt ngày 1/4/1922. Mặc dù bị hạn chế về tài chính, kinh nghiệm trị sự, bạn đọc xa xôi, phân tán… nhưng mỗi số, Le Paria in hàng nghìn bản cho thấy vai trò và sự cần thiết của báo trong việc xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị, sự hiểu biết, đồng cảm giữa những người vô sản bản xứ trong cuộc đấu tranh chống xâm lược cai trị. Một thế kỷ trôi qua, Le Paria thật sự là “vật chứng” cho tinh thần quốc tế vô sản theo khẩu hiệu của V.I.Lênin: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại.

Bốn năm hoạt động, báo ra được 38 số, trụ sở báo đặt tại số 16 phố Jacques Callot (Giắc Ca-lô, 16) quận 6, nằm trong trụ sở của Hội Ánh sáng và Tạp chí văn học Clarté và được nhà văn nổi tiếng Henri Barbusse (Hăng-ri Bácbuýt) cho sử dụng. Từ số 8, Le Paria chuyển trụ sở về số 3 phố Marché des patriaches (Mácsê đê Patơriácsơ) quận 5, cùng với Hội liên hiệp thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc chuyển về đây ở ba tháng trước khi bí mật rời nước Pháp, dành toàn bộ số tiền thuê nhà góp vào quỹ hoạt động của báo.

Báo Người cùng khổ - Le Paria ra hằng tháng. Mỗi số báo in từ 2 đến 4 trang. Măng-sét báo ghi bằng ba thứ tiếng: Pháp, Arab (An mancure) và chữ Hán (Người Lao động báo). Có vài số báo ra nửa tháng, ba lần ra số kép, có số báo bị chính quyền tịch thu hoặc mua gần hết. Số liệu quản lý được báo cáo: Mỗi số báo in từ một đến vài nghìn bản. Ngoài Pháp, báo được gửi qua đường bưu điện công khai đến nơi được phép ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ Latin, Moskva (Liên Xô trước đây). Ở các thuộc địa, có nơi báo bị cấm ngay sau thời gian ngắn phát hành. Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình phải dùng nhiều cách gửi bí mật. Tài chính của báo chủ yếu trả lương cho người quản lý có quốc tịch Pháp, in báo, thuê trụ sở, còn lại tất cả mọi việc liên quan đều do Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí tham gia không nhận thù lao. Báo được bán với giá mỗi năm 3 franc (phờ-răng), thời gian sau tăng lên 5 franc.

Lý giải việc đặt tên báo Le Paria - Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, thành viên sáng lập đồng thời là chủ nhiệm kiêm chủ bút, tổ chức in, kiêm cả việc bán báo cho rằng: “Nhân dân Pháp cũng thích chơi chữ. Nay ra tờ báo nhỏ ở ngay Paris tuy là tiếng nói đầu tiên của dân chúng thuộc địa, nhưng chưa có thanh thế, thì lấy tên báo là Paria là hay nhất! Paria nguyên là tiếng của Ấn Ðộ dùng để gọi những người đã mất hết quyền lợi về tôn giáo và xã hội. Nghĩa rộng người Pháp dùng để gọi những “Người cùng khổ”(1). Người chia sẻ với “đồng nghiệp” trong Hội Nhà báo Việt Nam rằng: Những người tham gia báo là những luật sư, thầy thuốc, nhà buôn, sinh viên, không thể để nhiều thì giờ cho báo. Cộng tác viên khi đó gửi bài đăng báo đều tự bỏ tiền của mình ra để in, không có nhuận bút. Báo Le Paria với tư cách là “Diễn đàn của nhân dân các nước thuộc địa” đã tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, cổ vũ, thức tỉnh, hướng dẫn và kêu gọi nhân dân các thuộc địa đoàn kết đấu tranh.

Báo Le Paria đã thật sự gắn kết sứ mệnh giai cấp vô sản thế giới với cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa thành khối đoàn kết thống nhất, đã thu hút được nhiều đối tượng bạn đọc là những người yêu nước, nuôi ý chí, khát vọng đấu tranh giải phóng dân tộc mình, nhất là thế hệ trẻ ở các thuộc địa. Những ghi chép của báo bị mật thám Pháp khám xét, thu hồi hiện được Lưu trữ quốc gia Pháp bảo quản cho thấy Nguyễn Ái Quốc vừa là “cây viết chủ đạo”, là người thường xuyên, đều đặn ủng hộ tài chính với số tiền khá lớn so với thu nhập cá nhân cho báo.

Việc xuất bản Le Paria - Người cùng khổ tại thủ đô Paris là một đòn đánh vào chủ nghĩa thực dân xâm lược Pháp. Chính quyền ra lệnh cấm không cho đưa tờ báo đó vào các thuộc địa. Ở Ðông Dương khi đó, ai đọc báo Le Paria - Người cùng khổ đều bị bắt. Ðể có thể vận chuyển báo đến các nước thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc và cộng sự dùng nhiều hình thức như: Gửi theo đường bưu điện công khai nếu không bị cấm; hình thành các tuyến vận chuyển bí mật theo đường biển từ Pháp đến các thuộc địa do các thủy thủ có cảm tình ủng hộ phong trào thực hiện. Báo được cuộn gọn, dùng chèn lót các sọt đựng trứng, thực phẩm, được đan cài, chèn trong các khoang rỗng của đồng hồ có con lắc...

Ở Ðông Dương, một số chủ bút các báo xuất bản tiếng Pháp ở Nam Kỳ như Tiếng chuông rạn (La Cloche Fêlée), Le Jeune Annam cho đăng lại bản Tuyên ngôn cộng sản của C.Mác, F.Ăng-ghen và bài “Chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Viễn Ðông - Varen ở Ðông Dương” của Nguyễn Ái Quốc đã bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam, kết án tù. Từ Moskva, Nguyễn Ái Quốc nêu thực trạng: “Lời hiệu triệu trên báo đã bí mật đến các làng mạc. Nó được chuyển từ vùng này sang vùng khác và đã có sự đồng tình với nhau. Nhưng người An Nam đã phải trả giá đắt cho việc đó. Ðã có những bản án tử hình và hàng trăm người đã bị mất đầu”(2).

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên Le Paria, Nguyễn Ái Quốc đã có 38 bài viết, 5 tranh biếm họa với các bút danh là: Nguyễn Ái Quốc; Ng. Ái Quốc; N. N.A.Q; NG.A.Q;  Nguyễn A.Q và Nguyễn(3). Những bài viết của Nguyễn Ái Quốc trên Le Paria cho thấy Người không chỉ là nhà báo tài năng, có kiến thức, vốn sống mạnh mẽ, đa dạng, cách viết tinh tế, sắc sảo, độc đáo, mà còn thấy trong nhiều bài viết, Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng các thông tin, sự kiện, số liệu hợp lý tạo tính thuyết phục cao. Lối viết tinh tế, hóm hỉnh thấm đượm tinh thần nhân đạo cộng sản, gắn chặt với truyền thống nhân văn Việt Nam được biểu đạt trong việc sử dụng ngôn ngữ báo chí Pháp một cách nhuần nhuyễn đã tác động sâu xa vào tâm trí bạn đọc, thôi thúc sự quyết tâm, tinh thần kiên định và sự tôi rèn ý chí, góp phần thức tỉnh, đoàn kết nhân dân các thuộc địa cùng nhau đứng lên phá tan xiềng xích nô lệ…

Những bức biếm họa của Nguyễn Ái Quốc trên Le Paria được thể hiện giản dị song hàm chứa nội dung mạch lạc và sự đả kích, hài hước sâu xa, tạo hiệu ứng tích cực. Le Paria có nét riêng biệt, độc đáo, được bạn đọc khắp bốn phương ủng hộ một phần bởi có lối viết và những nội dung mà nhà cách mạng-nhà báo Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện. Ðặt những bài viết của Nguyễn Ái Quốc trên Le Paria vào những năm 20 của thế kỷ trước, khi phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa trong đó có Việt Nam bị đế quốc thực dân khủng bố dã man và đang lâm vào bế tắc, chúng ta cảm nhận thêm những điều sâu xa mà Người đã suy nghĩ thấu đáo và thể hiện dung dị những vấn đề chiến lược cách mạng ở các nước thuộc địa, góp phần đẩy mạnh phong trào cách mạng của giai cấp vô sản các dân tộc thuộc địa.

Tháng 6/1923, được Ðảng Cộng sản Pháp cử đi Liên Xô dự đại hội lần thứ năm của Quốc tế Cộng sản với danh nghĩa là đại biểu dân tộc thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc bí mật khẩn trương chủ động sắp xếp chu đáo, bàn giao lại cho tổ chức công việc, tài sản của báo Le Paria một cách cụ thể, rõ ràng. Trong lá thư chia tay gửi các cộng sự, đồng chí của mình, Người viết: Công việc chung của chúng ta “Hội Liên hiệp thuộc địa” và tờ báo Người cùng khổ đã có những kết quả tốt. Nó đã làm cho nước Pháp, nước Pháp chân chính biết rõ những việc xảy ra trong các thuộc địa... Nó đã thức tỉnh đồng bào chúng ta nhận rõ nước Pháp... Nhưng chúng ta còn phải làm nhiều hơn. Ðại, người đồng hương của tôi, sẽ giao lại cho ông B. Chìa khoá của tòa báo, giấy tờ và tài liệu của Hội và của tờ báo; cũng như quỹ của tờ báo. Tôi đã trả tiền thuê nhà cho tòa báo đến cuối năm. Tiền in cũng đã thanh toán. Chúng ta không mắc nợ ai. Sổ thư viện để ở trong ngăn kéo bên phải. Sách cho mượn đã lấy về, trừ những sách cho những hội viên đi nghỉ mượn(4).

Hoạt động ở Quốc tế Cộng sản, Quảng Châu (Trung Quốc), trong gần ba năm tiếp theo, Nguyễn Ái Quốc vẫn tiếp tục gửi bài, đóng góp tài chính và góp ý để báo Le Paria hoạt động. Các số báo Le Paria từ năm 1924 đến năm 1925 đã đăng 13 bài viết của Nguyễn Ái Quốc. Ðặc biệt, nhiều thông tin ở các bài viết của Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria là cơ sở để Người hoàn thành tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản tại Pháp năm 1926. Số 38 ra tháng 4/1926, ở cột giữa, trang nhất, báo Le Paria đưa tin: Vừa xuất bản “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc, giá 5 franc.

Sáng lập và làm báo “Người cùng khổ” ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã cùng các đồng chí của mình tạo ra “một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức”. Báo đã góp phần truyền tải những thành quả mang tính thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào các nước thuộc địa trong đó có Việt Nam, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết đấu tranh giành tự do, độc lập.

Nhân kỷ niệm 100 năm báo Le Paria (Người cùng khổ) xuất bản số đầu (1/4/1922); hướng tới kỷ niệm 72 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2022); chào mừng Hội Báo toàn quốc năm 2022, Bảo tàng Báo chí Việt Nam và Liên Chi hội nhà báo cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm và trưng bày chuyên đề “100 năm báo Le Paria” tại Hà Nội vào 9 giờ sáng nay, 1/4.

Nguyễn Khánh Anh và Đinh Bích Ngọc

Theo Nhandan.vn

-----------------------------

 (1) Thư ký Bác Hồ kể chuyện, NXB Thông tin và truyền thông, H.2017, tr. 239.

 (2) Bài “Thăm một chiến sỹ quốc tế cộng sản - Nguyễn Ái Quốc”, Báo Ogoniok Liên Xô, số 39, ngày 23/12/1923. Theo Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, xuất bản lần thứ 3, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, H, 2011, tr. 463.

(3) Tên gọi đã được phiên âm và số liệu trong nghiên cứu của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

(4) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Văn nghệ, H, 1955, tr. 51 và 52.