THỰC HIỆN CÁC CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI NCC
Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng được ban hành năm 1994, đến nay, đã 8 lần sửa đổi, bổ sung. Để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành hành Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và và các Bộ đã ban hành các văn bản gồm: Nghị định, Quyết định, Thông tư, Thông tư liên tịch để triển khai toàn diện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng. Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng là văn bản pháp lý quan trọng, thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng về công tác NCC với cách mạng, là nền tảng pháp lý cho các cấp chính quyền tổ chức triển khai việc xác nhận, công nhận NCC và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của NCC và thân nhân NCC với cách mạng.
Pháp lệnh đã bổ sung các nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi NCC với cách mạng theo tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC với cách mạng” như: Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của NCC với cách mạng và thân nhân của NCC với cách mạng; chế độ ưu đãi NCC với cách mạng và thân nhân của NCC với cách mạng được xác định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của NCC với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Một số đối tượng NCC với cách mạng được bổ sung như: Mở rộng đối tượng người bị địch bắt tù, đày do trực tiếp hoạt động cách mạng trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; người được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi về chính sách bảo hiểm y tế đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không còn điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.
Các chế độ ưu đãi NCC, các chế độ về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp nhà ở, ưu đãi giáo dục và các phong trào đền ơn đáp nghĩa luôn được Nhà nước và nhân dân thường xuyên quan tâm, thực hiện. Cụ thể, thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đã qua nhiều lần điều chỉnh, từng bước khắc phục những hạn chế về mức, về nguyên tắc và phương thức điều chỉnh độc lập với chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, phù hợp với điều kiện của ngân sách Nhà nước, góp phần từng bước cải thiện nâng cao đời sống của NCC. Mức chuẩn để xác định mức trợ cấp ưu đãi NCC năm 2012 là 1.110.000 đồng, đến năm 2019 mức chuẩn là 1.624.000 đồng (cao hơn mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng của cán bộ, công chức hiện nay).
Các phong trào Đền ơn đáp nghĩa được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức và cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Bằng các nguồn xã hội hóa, với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, tính từ năm 2012 - 2021, tổng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước huy động được gần 7.370 tỷ đồng, trong đó quỹ Trung ương đạt gần 45 tỷ đồng, quỹ địa phương đạt hơn 7.320 tỷ đồng. Về hỗ trợ nhà tình nghĩa, cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho gần 153.300 hộ gia đình NCC xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà. Tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn. Hiện nay, còn 3.625 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Cùng với chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước, sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội đã góp phần tích cực động viên, khích lệ tinh thần, đồng thời, giúp một bộ phận gia đình NCC với cách mạng cải thiện cuộc sống. Đến nay, 98,6% hộ NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 99% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Phấn đấu năm 2025, đạt 100% hộ gia đình NCC với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân địa phương nơi cư trú.
|
Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng tạo điều kiện thuận lợi để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công _Ảnh: Trịnh Hải |
THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NCC
Qua các lần sửa đổi bổ sung, Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời điều chỉnh các vấn đề bất cập, tồn tại. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, mặc dù hệ thống văn bản pháp luật về NCC ngày càng hoàn thiện nhưng vẫn không bao quát, giải quyết triệt để được những tình huống, trường hợp cụ thể, cá biệt trong quá trình xem xét, công nhận NCC với cách mạng tại các địa phương.
Thứ nhất, việc giải quyết hồ sơ xác nhận NCC không còn lưu giữ giấy tờ gốc là vấn đề phức tạp. Phần lớn trường hợp tồn đọng là các đối tượng hoạt động cách mạng thời chống Pháp, chống Mỹ, hồ sơ, thủ tục không đầy đủ, nhiều hồ sơ không có thông tin liên quan đến việc hy sinh hoặc bị thương, bị bệnh của các đối tượng; nhiều trường hợp đã có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền không đủ cơ sở để xem xét, giải quyết nhưng vẫn tiếp tục gửi đề nghị, kiến nghị giải quyết chính sách. Vì vậy, trong quá trình xem xét xác nhận, cán bộ làm công tác giải quyết hồ sơ NCC luôn thận trọng, nghiên cứu, tìm đọc các sự kiện lịch sử liên quan, tìm nhân chứng qua nhiều nguồn nhằm tránh xảy ra sai sót trong việc xác nhận NCC. Do vậy, quá trình xem xét, giải quyết từng hồ sơ cụ thể nhiều khi kéo dài, không đáp ứng được yêu cầu và mong mỏi của đối tượng.
Thứ hai, công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC cho thấy tại một số địa phương đã phát hiện một số trường hợp lập hồ sơ giả trong việc khám giám định, di chuyển để thụ hưởng chính sách ưu đãi NCC.
Thứ ba, hằng năm, cả nước có gần 600 nghìn NCC với cách mạng được hưởng chế độ điều dưỡng, tuy nhiên số giường điều dưỡng tại các Trung tâm điều dưỡng NCC mới đáp ứng được gần 110 nghìn lượt người điều dưỡng, chưa đạt mục tiêu đề ra. Cơ sở vật chất tại các trung tâm còn nhiều hạn chế.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện Đề án hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, qua 2 giai đoạn triển khai (giai đoạn 2013-2017 và giai đoạn 2017-2019), việc hỗ trợ nhà ở đối với NCC với cách mạng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cơ bản hoàn thành, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, đến nay tại các địa phương vẫn còn phát sinh các hộ NCC có khó khăn về nhà ở. Về việc này, Chính phủ đã ban hành nghị quyết giao cho các địa phương chủ động bố trí từ nguồn ngân sách của địa phương. Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các địa phương chưa bố trí được nguồn vốn, do đó, việc triển khai hỗ trợ nhà ở đối với các hộ phát sinh chưa đáp ứng được nguyện vọng của NCC.
Công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, do các thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, nơi an táng ban đầu, nơi quy tập không đầy đủ. Hài cốt liệt sĩ chôn cất đã lâu, thân nhân liệt sĩ để lấy mẫu không còn thân nhân trực tiếp, chất lượng giám định AND còn hạn chế… Do vậy, đã ảnh hưởng đến kết quả và tiến độ triển khai Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Để các chính sách ưu đãi NCC với cách mạng được nghiên cứu xây dựng và ban hành đầy đủ, kịp thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chế độ ưu đãi đối với NCC và thân nhân NCC với cách mạng, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, thực hiện đầy đủ, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch chính sách ưu đãi NCC với cách mạng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trục lợi chính sách. Tiếp tục rà soát, giải quyết trường hợp NCC với cách mạng còn tồn đọng.
Hai là, Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành địa phương triển khai Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC với cách mạng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Chú trọng việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sỹ.
|
Đoàn viên, thanh niên đến viếng và thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang _Ảnh: S.T |
Ba là, thực hiện hiệu quả các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, NCC” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của NCC với cách mạng; tăng cường vận động, hỗ trợ NCC về nhà ở…. Phấn đấu để không còn hộ NCC thuộc diện hộ nghèo, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt cho hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ về NCC.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, xác định các vướng mắc, bất cập, chồng chéo và kịp thời sửa đổi, bổ sung. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật về NCC.
Năm là, triển khai có hiệu quả Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo đã được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt tại Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 14/9/2021; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và giám định gen./.
Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu NCC. Trong đó, có khoảng trên 1,2 triệu liệt sĩ; hơn 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; trên 800.000 thương binh; người hưởng chính sách như thương binh, trên 320.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học… Trong đó, có gần 1,2 triệu người NCC đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Tổng kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng hằng năm khoảng 31.000 tỷ đồng (bao gồm trợ cấp 1 lần, trợ cấp hằng tháng, bảo hiểm y tế, công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa,...).
|
Phạm Quý Trọng