|
Hà Nội tiêm vaccine cho học sinh cấp 2. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 28/CĐ-TTg về việc thần tốc tiêm vaccine và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng COVID-19.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nêu rõ: Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thần tốc hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vaccine, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế và mục tiêu của Chính phủ đề ra; tổ chức các tổ lưu động khẩn trương tiêm vét vaccine ngay tại nhà cho những người không thể đến nơi tiêm tập trung. Tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham khảo ý kiến các chuyên gia về việc tiêm vaccine các mũi tăng cường phòng COVID-19.
Như vậy, một lần nữa Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các địa phương, đơn vị phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch theo đúng các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, nhất là biện pháp 5K và phải rất coi trọng “yếu tố” vaccine.
Ngay sau công điện của Thủ tướng, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, các địa phương đang rốt ráo triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi tăng cường thứ 3. Đặc biệt nhiều địa phương đã tổ chức các đoàn y tế tới tận nhà tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người già yếu không thể tới các điểm tiêm chủng tập trung.
Tại Hà Nội, công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tiếp tục được đẩy nhanh, đặc biệt lưu ý người già yếu và có bệnh nền. Trước khi tiêm, người cao tuổi được thăm khám sức khỏe, tư vấn về tiêm vaccine và hướng dẫn theo dõi sức khỏe sau tiêm…
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu ngành Y tế tỉnh khẩn trương tổ chức tiêm vét vaccine lưu động ngay tại nhà đối với các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao, dễ bị tổn thương, đảm bảo không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vaccine đầy đủ (trừ trường hợp chống chỉ định), đặc biệt là những người không thể đến nơi tiêm tập trung…
Tương tự, một số địa phương đã chủ động tiêm vaccine cho người già, yếu tại nhà. Đó là điều rất đáng hoan nghênh và cần phải được nhân rộng trên cả nước, để ai cũng được tiêm vaccine, ai cũng được bảo vệ trước đại dịch và cũng chính là bảo vệ cộng đồng, sớm kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại “bình thường mới”.
Có thể nói, việc bao phủ vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam trong thời gian qua được đánh giá là “thần tốc” khi từ một nước ở gần cuối bảng, chậm việc bao phủ vaccine, và tưởng chứng không thể có đủ vaccine để triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử cho nhân dân thì đến giờ, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia bao phủ vaccine cao nhất thế giới.
Kết quả này đạt được chính là nhờ chiến lược vaccine, trong đó có hoạt động ngoại giao vaccine đúng đắn, linh hoạt, kịp thời, nhất quán, hiệu quả của Đảng và Nhà nước. Đồng thời là nhờ vào trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ y tế từ Trung ương tới cơ sở, cùng đó là ý thức của người dân trong phòng, chống dịch COVID-19 được nâng cao; cũng như hoạt động tích cực của các tổ dân phố, tổ COVID cộng đồng.
Tuy nhiên, khi biến thể Omicron xuất hiện, tốc độ lây nhiễm nhanh hơn biến thể Delta từ 5 đến 7 lần. WHO đã cảnh báo biến thể Omicron đặc biệt nguy hiểm đối với người chưa tiêm chủng khi cho biết phần lớn số bệnh nhân trở nặng hiện nay đều là người chưa tiêm, mức độ nguy hại là rất lớn. Cùng với đó là số ca mắc COVID-19 trong những ngày gần đây vẫn ở mức rất cao, vượt 16.500 ca/ngày, trong đó Thủ đô Hà Nội chạm mốc 3.000 ca…
Do đó, nếu không thực hiện tốt các biện pháp tự bảo vệ, không bao phủ vaccine, để Omicron lan ra diện rộng thì lại buộc phải áp dụng các biện pháp giãn cách, hạn chế các mặt sinh hoạt của đời sống. Mà điều đó là rất khó chấp nhận khi kể từ tháng 10/2021 chúng ta đã thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Trong khi đó, Tết Nguyên đán đã đến rất gần. Đây là dịp người dân đi lại, giao lưu chắc chắn sẽ tăng vọt. Nếu không có biện pháp bảo vệ tốt, nhất là vẫn còn nhiều người chưa tiêm, hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine thì nguy cơ bùng phát dịch kéo dài là khó tránh khỏi. Chính vì thế, công điện của Thủ tướng liên quan đến thần tốc tiêm vaccine cần được các địa phương triển khai nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa.
Tuy nhiên, liều vaccine hết sức quan trọng cần bao phủ “thần tốc” hơn nữa là vaccine “ý thức”. Đề cao ý thức của người dân là cực kỳ quan trọng trong bối cảnh chúng ta “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Phòng, chống dịch bệnh phải là mặt trận toàn dân, toàn diện, đòi hỏi mỗi công dân phải có ý thức và trách nhiệm, có kỹ năng và hiểu biết về phòng, chữa bệnh, không thể ỷ lại vào Nhà nước, vào vaccine .
Đến giờ phút này, mỗi người dân cần nhận thức rằng, dịch bệnh COVID-19 là một phần của cuộc sống, là rủi ro tất yếu mà mỗi cá nhân phải đối mặt để tự bảo vệ. Đó cũng chính là cách thức để người dân chung vai, góp sức cùng Chính phủ phòng, chống dịch bệnh một cách hiệu quả./.