Phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch Covid-19 trong kỷ nguyên số con người là yếu tố quan trọng nhất, Thủ tướng khẳng định, nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất là phát huy tối đa yếu tố con người. Đồng thời giữ vững ổn định chính trị. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Cùng dự và chủ trì Diễn đàn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, Giám đốc học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Các Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trong cả nước, cùng hơn 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế.
Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid – 19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số” là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cung cấp luận cứ cho xây dựng mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời là hoạt động thiết thực phục vụ hoạch định chiến lược và chính sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hậu Covid-19 theo Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thảo luận tại đây, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng xoay quanh nội dung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam và về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, thực tiễn 35 năm qua tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải tập trung giải quyết. Yêu cầu cấp bách đặt ra là phải xác định rõ triết lý phát triển, mô hình và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới của giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Nguyễn Xuân Thắng Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: “Với chính phủ số, lãnh đạo các cấp chính quyền phải chuyển từ tư duy quản lý hành chính sang tư duy quản trị phát triển. Chỉ đạo và ban hành quyết sách dựa trên những phân tích về dữ liệu, có tầm nhìn chiến lược, khả năng dự báo tình huống và dự liệu được các kịch bản để hành động phù hợp. Chuyển đổi số không thể là một khẩu hiệu, càng không thể làm theo phong trào. Nó đòi hỏi đổi mới tư duy, đi kèm với quyết tâm hành động”.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong nước, quốc tế đã đưa ra những gợi ý, khuyến nghị về các chính sách, giải pháp hỗ trợ trong phát triển hạ tầng số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, xây dựng chính phủ số, phát triển các mô hình kinh doanh mới… đồng thời chia sẻ nhiều kinh nghiệm quốc tế trong quá trình chuyển đổi số.
Ông Yong Hong Taek, Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc cho biết, để chủ động ứng phó với những biến động gần đây, Hàn Quốc đã tuyên bố chuyển sang nền kinh tế dữ liệu. Dịch Covid-19 đã cho thấy chúng ta đang sống trong một thế giới thực sự không thể tiên lượng trước được. Đạo luật khung về dữ liệu lọc thông tin từ nguồn dữ liệu khổng lồ và đặt nền tảng cho việc đưa ra các dự đoán và lập kế hoạch. Nó cũng sẽ tạo ra giá trị mới để thúc đẩy tăng trưởng chung giữa các ngành.
Ông Bernardo Calzadilla-Sarmiento, Giám đốc Ban Chuyển đổi số, Công nghệ và đổi mới, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc khẳng định: “Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các ưu tiên chính, chẳng hạn như phát triển khu công nghiệp sinh thái, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và cơ sở hạ tầng chất lượng, sáng tạo công nghệ sạch, nâng cao hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và nâng cấp chuỗi giá trị nông nghiệp”.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu tại Diễn đàn, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ, cùng các bộ, cơ quan liên quan trong việc chuẩn bị, tổ chức Diễn đàn.
Thủ tướng trân trọng cảm ơn sự tham gia, đóng góp, ý kiến phát biểu rất tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, chuyên gia trong nước, quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, đã chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm phát triển với động lực mới từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như các vấn đề dài hạn, xuyên suốt về công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn các nước, bạn bè, đối tác quốc tế đã hợp tác, giúp đỡ, chia sẻ với Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nhất là trong phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là sự hỗ trợ về y tế.
Thủ tướng nêu rõ, đại dịch Covid-19 đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề không chỉ với Việt Nam mà đối với cả thế giới. Đến nay Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, chủ động chuyển trạng thái, tạo tiền đề quan trọng để đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Sau 2 tháng triển khai chủ trương chuyển hướng, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đã phục hồi trở lại và có nhiều khởi sắc. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Xuất nhập khẩu tăng cao, xuất siêu trở lại, thu hút FDI tăng. Chuỗi cung ứng, sản xuất, chuỗi lao động dần được nối lại. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của người dân dần ổn định trở lại, niềm tin của người dân và doanh nghiệp, các nhà đầu tư, bạn bè quốc tế tiếp tục được giữ vững, tăng cường và củng cố. Cùng với đó, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng được giữ vững; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ.
Theo Người đứng đầu Chính phủ, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch Covid-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài; đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Chia sẻ với các đại biểu về một số vấn đề như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, Thủ tướng nêu rõ, cùng với dịch bệnh Covid-19, đây là những vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng tới mọi quốc gia và mọi người dân, do đó cần phải có tư duy và cách tiếp cận toàn cầu, mang tính bao trùm, tổng thể, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới; đồng thời phải có tư duy và cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực.
“Tình hình thế nào thì giải pháp như thế, trong bối cảnh đặc biệt, chúng ta cần có tầm nhìn, hành động và cách làm đặc biệt, phù hợp, linh hoạt”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chia sẻ về những định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh, hai nhiệm vụ này có sự gắn kết chặt chẽ, là hai mặt của một quá trình, phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội thì mới có nguồn lực để phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.
Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết một số trụ cột như tập trung nâng cao năng lực y tế; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; xây dựng hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số; xây dựng và hoàn thiện thể chế; phát huy tối đa nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Thủ tướng khẳng định, nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất, phát huy tối đa yếu tố con người. Đồng thời giữ vững ổn định chính trị. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Theo Thủ tướng, dù trong quá trình hồi phục hay phát triển thì nội lực luôn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Nội lực gồm 3 trụ cột chính là con người; thiên thiên; và truyền thống văn hóa - lịch sử với tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, thống nhất của dân tộc. Còn ngoại lực bao gồm công nghệ, vốn, năng lực quản trị và đào tạo nguồn nhân lực.
Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng như đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kết hợp chặt chẽ, hài hòa, linh hoạt, hiệu quả giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ với các công cụ về thuế, phí, lệ phí, chi ngân sách Nhà nước, lãi suất, tỷ giá, tín dụng, chi phí đầu vào... Thực hiện hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là giảm thiểu, khắc phục và phòng ngừa rủi ro để người lao động, người dân có công việc, thu nhập và cuộc sống ổn định.
Về hoàn thiện thể chế, những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông, viễn thông… “việc bảo đảm điện và sóng cho các vùng sâu, vùng xa dù khó mấy cũng phải làm và không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan, địa phương, cùng với sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế. Không có điện và sóng thì không có chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số, công dân số…”, Thủ tướng nêu ví dụ. Cùng với đó, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc…
Nhấn mạnh quan điểm phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang xây dựng chương trình tổng thể để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được xác định tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua, trong đó có việc phát triển công nghiệp văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước./
Nguồn: vov.vn