Quản trị kinh doanh điểm đến là một vấn đề rất phức tạp. Trước hết, tổ chức quản trị kinh doanh điểm đến phải có uy tín và có sự tín nhiệm của các chủ thể trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược tiếp thị điểm đến du lịch và phát triển các sản phẩm, tạo thuận lợi cho quan hệ đối tác, hợp tác hướng tới một mục tiêu chung.

Quản trị kinh doanh điểm đến thường được tổ chức dưới các hình thức sau:

- Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch (NTAs) hoặc tổ chức du lịch quốc gia (NTOs), chịu trách nhiệm quản lý và tiếp thị du lịch ở cấp quốc gia.

- Tổ chức quản trị kinh doanh điểm đến du lịch cấp tỉnh hoặc địa phương (cấp quận, huyện), chịu trách nhiệm quản lý và tiếp thị du lịch trong một khu vực địa lý được xác định.

- Tổ chức quản trị kinh doanh điểm đến du lịch cấp địa phương (xã, phường, thị trấn), chịu trách nhiệm quản lý và tiếp thị du lịch dựa trên một khu vực địa lý nhỏ hơn.

Các yếu tố cơ bản của quản trị kinh doanh điểm đến du lịch bao gồm: tiếp thị, tạo môi trường thích hợp và phục vụ khách.

Các yếu tố của các điểm đến được hỗ trợ bằng cách tiếp thị để có thể thu hút khách đến thăm và cung cấp dịch vụ phục vụ khách với chất lượng tốt nhất để đảm bảo rằng những kỳ vọng của khách được đáp ứng kịp thời, đúng thời điểm tại nơi đến.

Tổ chức quản trị điểm đến cần phải lãnh đạo và phối hợp các chủ thể khác nhau của điểm đến.

Tạo một môi trường thích hợp

Tạo môi trường thích hợp trong quản trị kinh doanh điểm đến du lịch bao gồm:

- Xây dựng kế hoạch phát triển du lịch và cơ sở hạ tầng tại điểm đến

- Phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch

- Phát triển sản phẩm phục vụ khách du lịch

- Sử dụng công nghệ hiện đại và phát triển hệ thống

- Phát triển các ngành công nghiệp liên quan và những cơ sở mua sắm

Tất cả những vấn đề trên đều liên quan đến việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách, luật pháp và các quy định khác để tạo môi trường cho các hoạt động kinh doanh phát triển, nhưng đồng thời cũng ngăn chặn kịp thời những biểu hiện kinh doanh không đúng mục đích chung.

Sơ đồ quản trị kinh doanh điểm đến du lịch

Marketing

Marketing có mục tiêu thu hút khách đến khu vực này. Nội dung của marketing phải nêu bật lên được những gì là hấp dẫn nhất đối với khách du lịch tiềm năng và khả năng thuyết phục họ lớn nhất. Các chức năng chính của marketing là:

- Xúc tiến điểm đến bao gồm xây dựng thương hiệu và hình ảnh của điểm đến

- Định hướng kinh doanh du lịch, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

- Tổ chức dịch vụ thông tin khách quan về điểm đến

- Điều hành và tạo thuận lợi cho việc đặt chỗ tới điểm đến

- Quản lý tốt mối quan hệ với khách hàng

Phục vụ khách tại điểm đến

Đảm bảo phục vụ khách khi đến điểm đến phù hợp với kỳ vọng của họ, bao gồm những yếu tố:

- Phối hợp và quản lý các dịch vụ phục vụ để khách có những trải nghiệm cao, đặc biệt là lĩnh vực công chúng.

- Tạo ra nhiều “sản phẩm” phục vụ khách

- Phát triển và quản lý các sự kiện phục vụ khách

- Phát triển và quản lý các điểm tham quan

- Đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch

- Tư vấn kinh doanh du lịch cho các chủ thể

- Tổ chức nghiên cứu và thực hiện chiến lược phát triển

Quản trị kinh doanh điểm đến thường là khu vực như vùng, tỉnh vì nó thường liên quan đến phát triển về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, tổ chức quản trị điểm đến du lịch cũng có thể được tổ chức tại các điểm tham quan du lịch như: điểm tham quan về phong cảnh thiên nhiên, điểm tham quan về văn hóa, lịch sử độc đáo, hấp dẫn thu hút nhiều khách. Tổ chức quản trị tại các điểm tham quan này đều có trách nhiệm cung cấp các trải nghiệm cho khách du lịch khi họ đến nơi, đồng thời hợp tác, phối hợp các chủ thể kinh doanh thực hiện mục tiêu chung và phát triển bền vững.

Châu Anh

Nguồn: Tạp chí Du lịch điện tử