Theo truyền thuyết, đất nước ta có 18 đời vua Hùng trị vì, và dân tộc ta lấy ngày 10/3 âm lịch làm lễ giỗ Quốc tổ để tri ân các vị vua ấy.

Tiểu sử 18 vị vua Hùng

Theo nhiều tài liệu sử hiện nay, dựa trên tài liệu khai quật và “Đại Việt sử lược”, 18 đời Hùng Vương trị vì gồm những vị vua sau. 

1. Kinh Dương Vương, húy Lộc Tục, tức Lục Dục Vương, sinh năm Nhâm Ngọ (2919 tr. TL) lên ngôi năm 41 tuổi, không rõ truyền được mấy đời vua, ở ngôi tất cả 86 năm, từ năm Nhâm Tuất (2879 tr. TL) đến Đinh Hợi (2794 tr. TL).

2. Lạc Long Quân, húy Sùng Lãm, tức Hùng Hiền Vương, sinh năm Bính Thìn (2825 tr. TL), lên ngôi 33 tuổi, không rõ truyền mấy đời vua. Chi này ở ngôi tất cả 269 năm, đều xưng là Hùng Hiền Vương, từ năm Mậu Tý (2793 tr. TL) đến năm Bính Thìn (2525 tr. TL).

3. Hùng Quốc Vương, húy Hùng Lân, sinh năm Canh Ngọ (2570 tr. TL) lên ngôi khi 18 tuổi, không rõ truyền được mấy đời vua, đều xưng là Hùng Quốc Vương, 272 năm, từ năm Đinh Tỵ (2524 tr. TL) đến 2253 tr. TL.

4. Hùng Hoa Vương, húy Bửu Lang, không rõ năm sinh, lên ngôi năm Đinh Hợi (2252 tr. TL), không rõ truyền được mấy đời vua đều xưng là Hùng Hoa Vương, ở ngôi tất cả 342 năm, từ năm Đinh Hợi (2254 tr. TL) đến năm Mậu Thìn (1913 tr. TL).

5. Hùng Hy Vương, húy Bảo Lang, sinh năm Tân Mùi (2030 tr. TL), lên ngôi khi năm 59 tuổi. Không rõ truyền được mấy đời vua, đều xưng là Hùng Hy Vương ở ngôi tất cả 200 năm, từ năm Kỷ Tỵ (1912 tr. TL) đến Mậu Tý (1713 tr. TL).

6. Hùng Hồn Vương, húy Long Tiên Lang, sinh năm Tân Dậu (1740 tr. TL), lên ngôi khi 29 tuổi, truyền 2 đời vua, ở ngôi tất cả 81 năm đều xưng là Hùng Hồn Vương, từ năm Kỷ Sửu (1712 tr. TL) đến năm Kỷ Dậu (1632 tr. TL).

7. Hùng Chiêu Vương, húy Quốc Lang, sinh năm Quý Tỵ (1768 tr. TL), lên ngôi khi 18 tuổi, truyền 5 đời vua đều xưng là Hùng Chiêu Vương, ở ngôi tất cả 200 năm, từ năm Canh Tuất (1631 tr. TL) đến năm Kỷ Tỵ (1432 tr. TL).

8. Hùng Vỹ Vương, húy Vân Lang, sinh năm Nhâm Thìn (1469 tr. TL) lên ngôi khi 39 tuổi, truyền 5 đời vua đều xưng là Hùng Vỹ Vương, ở ngôi tất cả 100 năm, từ năm Canh Ngọ (1431 tr. TL) đến năm Kỷ Dậu (1332 tr. TL).

9. Hùng Định Vương, húy Chân Nhân Lang, sinh năm Bính Dần (1375 tr. TL), lên ngôi khi 45 tuổi, truyền 3 đời vua đều xưng là Hùng Định Vương, ở ngôi tất cả 80 năm, từ 1331 đến 1252 tr. TL.

1221311-15245757850051117309215

 Hùng Vương là cách gọi các vị vua nước Văn Lang của người Lạc Việt. (Ảnh: kenh14.vn)

10. Hùng Uy Vương, húy Hoàng Long Lang, 3 đời, 90 năm, từ 1251 đến 1162 tr. TL.

11. Hùng Trinh Vương, húy Hưng Đức Lang, sinh năm Canh Tuất (1211 tr. TL), lên ngôi khi 51 tuổi, truyền 4 đời vua, đều xưng là Hùng Trinh Vương, ở ngôi tất cả 107 năm, từ năm Canh Tý (1161 tr. TL) đến năm Bính Tuất (1055 tr. TL).

12. Hùng Vũ Vương, húy Đức Hiền Lang, sinh năm Bính Thân (1105 tr. TL), lên ngôi khi năm 52 tuổi, truyền 3 đời vua đều xưng là Hùng Vũ Vương, ở ngôi tất cả 86 năm, từ năm Đinh Hợi (1054 tr. TL) đến năm Nhâm Tuất (969 tr. TL).

13. Hùng Việt Vương, húy Tuấn Lang, sinh năm Kỷ Hợi (982 tr. TL) lên ngôi khi 23 tuổi, truyền 5 đời vua, đều xưng là Hùng Việt Vương, ở ngôi tất cả 115 năm, từ năm Quý Hợi (968 tr. TL) đến Đinh Mùi (854 tr. TL).

14. Hùng Anh Vương, húy Viên Lang, sinh năm Đinh Mão (894 tr. TL) lên ngôi khi 42 tuổI, truyền 4 đời vua đều xưng là Hùng Anh Vương, ở ngôi tất cả 99 năm, từ 853 đến 755 tr. TL.

15. Hùng Triệu Vương, húy Cảnh Chiêu Lang, sinh năm Quý Sửu (748 tr. TL), lên ngôi khi 35 tuổi truyền 3 đời vua đều xưng là Hùng Triệu Vương, ở ngôi tất cả 94 năm, từ năm Đinh Hợi (754 tr. TL) đến năm Canh Thân (661 tr. TL).

16. Hùng Tạo Vương, húy Đức Quân Lang, sinh năm Kỷ Tỵ (712 tr. TL), 3 đời vua, lên ngôi tất cả 92 năm, từ năm Tân Dậu (660 tr. TL) đến năm Nhâm Thìn (569 tr. TL).

17. Hùng Nghị Vương, húy Bảo Quang Lang, sinh năm Ất Dậu (576 tr. TL) lên ngôi khi 9 tuổi, truyền 4 đời vua đều xưng là Hùng Nghị Vương, ở ngôi tất cả 160 năm, từ năm Quý Tỵ (568 tr. TL) đến năm Nhâm Thân (409 tr. TL).

18. Hùng Duệ Vương, sinh năm Canh Thân (421 tr. TL), lên ngôi khi 14 tuổi, truyền không rõ mấy đời vua, ở ngôi tất cả 150 năm, từ năm Quý Dậu (408 tr. TL) đến năm Quý Mão (258 tr. TL).

Vì sao 10/3 âm lịch trở thành ngày Giỗ tổ Hùng Vương?

Trước đây, người dân không đi lễ vào ngày 10/3 âm lịch mà tự chọn ngày tốt theo bản mệnh của mình, rồi đến lễ bái các vua Hùng suốt năm. Thời điểm đông nhất thường rơi vào các tháng xuân - thu chứ không định rõ ngày nào.

Người dân tại xã Hy Cương, phủ Lâm Thao thì lấy ngày 11/3 kết hợp với thờ Thổ kỳ, làm lễ riêng. Do đó, thời gian lễ bái thường kéo dài liên miên, vừa tốn kém tiền của lại không bày tỏ được rõ lòng thành kính, không tập hợp được lòng dân.

Nhận thấy điều này, Tuần phủ Phú Thọ ông Lê Trung Ngọc vào năm 1917 (niên hiệu Khải Định năm thứ nhất) đã làm bản tấu trình lên Bộ Lễ, xin định lệ lấy ngày 10/3 âm lịch hàng năm để nhân dân cả nước kính tế Quốc tổ Hùng Vương, trước một ngày so với ngày hội tế của dân xã bản hạt.

Đồng thời, ông cũng xin miễn trừ các khoản đóng góp của nhân dân địa phương vào các kỳ tế lễ mùa thu.

den-hung 0 5

Dù 10/3 âm lịch mới là chính hội nhưng từ 9/3, hàng vạn du khách thập phương đã đổ về dự Lễ hội Đền Hùng.

Sau đó, Bộ Lễ đã ban hành công văn phúc đáp và chính thức định lệ ngày quốc lễ Giỗ tổ Hùng Vương là 10/3 âm lịch và quy định nghi thức, nghi lễ, lễ vật tế Tổ hằng năm.

Việc này được ghi trên tấm bia “Hùng miếu điển lệ bi” do Hội đồng kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập và dựng tại đền Thượng - Khu di tích Đền Hùng vào mùa xuân năm 1923.

Cụ thể nội dung trên tấm bia: "Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mùng Mười tháng Ba. Chiều ngày mùng Chín tháng Ba hàng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả phủ huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…"

Từ đó về sau, vào 10/3 âm lịch, nhân dân cả nước lại hướng về vùng đất cội nguồn - xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ để tôn vinh công lao của các vị vua Hùng.

 

PHAN THẾ HOÀI

Nguồn : Báo điện tử VTC News