Hai là, văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh là một nguồn “sức mạnh mềm” của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp vào sự nghiệp phát triển tư tưởng của nhân loại về một nền hòa bình bền vững. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân loại cần chung tay xây dựng một thế giới hòa bình vì đó là một khát vọng vĩnh hằng. Tuy nhiên, đó phải là “một nền hòa bình chân chính”, “trong độc lập tự do”, “bình đẳng, bác ái”, “xây trên công bình và lý tưởng dân chủ phải thay cho chiến tranh”, “phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da”, “là điều cần thiết phải có để một dân tộc mong muốn kết bạn với dân tộc khác”. Cùng với đấu tranh cho hòa bình, phải kiên quyết chống chiến tranh xâm lược, chiến tranh đế quốc, chiến tranh phi nghĩa. Người cho rằng, đấu tranh và ủng hộ phong trào đấu tranh giành và bảo vệ quyền dân tộc cơ bản, giành và bảo vệ công bằng, bình đẳng, dân chủ trong quan hệ quốc tế chính là tạo ra nền tảng để xây dựng một trật tự quốc tế mới bảo đảm cho hòa bình trên thế giới. Đó chính là những yếu tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nhân loại trong tương lai39.
Ba là, Việt Nam đã thực hiện khá thành công Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020 và đã ban hành Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, với mục tiêu là sử dụng công cụ văn hóa trong ngoại giao nhằm đưa quan hệ của Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời dùng các biện pháp ngoại giao để tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước40.
Để văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh tiếp tục là nguồn lực tinh thần vô giá, tiếp sức cho Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ hòa bình và xây dựng tương lai tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam cũng như nhân dân thế giới, cần tiếp tục lưu ý các vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng. Bên cạnh đó, văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh là vấn đề tương đối mới, do đó cần tiếp tục được nghiên cứu sâu, nhất là việc vận dụng trong thực tế.
Thứ hai, “sức mạnh mềm” Việt Nam là sự đóng góp tư tưởng nhân loại về một nền hòa bình bền vững, vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành chiến lược ngoại giao công chúng đóng vai trò hết sức quan trọng, trong đó văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh phải được coi là một trong các vấn đề trọng tâm của ngoại giao công chúng. Ngoại giao công chúng không hẳn là ngoại giao văn hóa. Ngoại giao công chúng là phương thức ngoại giao đa chủ thể, sử dụng các phương tiện truyền thông đa dạng, nhằm tác động đến tình cảm, suy nghĩ của công chúng nước ngoài, tạo hình ảnh đẹp, hiệu ứng tích cực về đất nước mình, qua đó tác động tới chính sách, quan hệ ngoại giao với chính phủ nước ngoài. Ngoại giao công chúng bao trùm cả ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế, thông tin, tuyên truyền đối ngoại... Ngoại giao công chúng cũng là thành tố tạo nên “sức mạnh mềm” của quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng đầu tiên cho ngoại giao công chúng ở Việt Nam - đó chính là “ngoại giao tâm công” - ngay từ những ngày đầu tiên khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, nhờ đó đã giành được sự ủng hộ quý báu của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới và các tổ chức quốc tế đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.
Trong chương trình chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và ghi lưu niệm tại Nhà sàn Bác Hồ, tháng 11-2017. Ảnh: TTXVN
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao văn hóa - một trong ba trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam - quảng bá văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh ở trong nước và nước ngoài. Năm 2020, Việt Nam đã tổng kết 10 năm Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”. Thành tựu có nhiều, dư địa còn lớn, cần tiếp tục triển khai chương trình này trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm, giúp hình thành nên những giá trị trường tồn. Đây là hoạt động có ý nghĩa vô cùng lớn, thể hiện sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, nhất là ở các dân tộc thuộc địa; đồng thời, tôn vinh, đề cao lý tưởng cao đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc và khát vọng của Người về một thế giới hòa bình, bình đẳng, hạnh phúc.
Thứ tư, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bằng biện pháp tổng hợp và chống bạo lực, chiến tranh phi nghĩa.
Thứ năm, sau những năm tháng chiến tranh, hòa bình có ý nghĩa và giá trị đặc biệt sâu sắc đối với Việt Nam, vì vậy việc xây dựng văn hóa hòa bình ngay trong lòng nhân dân cũng đóng vai trò không nhỏ. Ngày nay, hòa bình không chỉ bao hàm độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia mà còn là môi trường bền vững, an ninh con người, xã hội công bằng, hòa thuận, lối sống nhân văn. Tác động hai mặt của phát triển kinh tế, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đang đặt ra thách thức về giá trị sống và quan hệ xã hội, dẫn đến tình trạng bạo lực gia tăng. Mặt khác, hướng tới một xã hội văn minh nhân ái đòi hỏi đẩy lùi bạo lực, đặt ra yêu cầu về giáo dục để trở thành một công dân tốt, góp phần vì mọi người và xã hội. Phấn đấu cho văn hóa hòa bình là phấn đấu vì chất lượng và ý nghĩa của cuộc sống. Hưởng ứng Ngày Quốc tế hòa bình của Liên hợp quốc (ngày 21-9), nhiều địa phương ở nước ta, như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... đã tổ chức “Ngày hòa bình, phi bạo lực”, được đông đảo người dân tham gia. Đó cũng là tư tưởng văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh cần tiếp tục nhân rộng.
Hòa bình luôn là mong ước, là khát vọng thường trực và hiện hữu của nhân loại, là đích đến trong mọi hành trình và là sợi dây để kết nối toàn cầu. Văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh là “sức mạnh mềm” Việt Nam. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và bảo vệ độc lập, chủ quyền là hai nhiệm vụ đối ngoại quan trọng được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Triển khai mạnh mẽ, hiệu quả Chiến lược ngoại giao văn hóa, Chiến lược ngoại giao công chúng đến năm 2030, mà văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại trên./.
GS, TS. Vũ Dương Huân
Học viện Ngoại giao
Theo Tạp chí Cộng sản
------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 397
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 469 – 470
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 76 - 77
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 256
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 195
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 24
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 12
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập: Sđd, t. 15, tr. 513
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 186
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 672
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 413
12, 13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 174, 510
14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 595
15, 16, 17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 29 - 30, 158, 280 - 281
18, 19, 20. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 1, 75, 76 -77
21. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 3
22. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 615
23. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 602
24. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, t. 2, tr. 267
25, 26. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 3, 526
27. Hồ Chi Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 534
28. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 36
29, 30. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 602, 3
31. Hồ Chí Minh: Toàn tâp, Sđd, t. 8, tr. 369
32. Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 449 - 450
33. Xem Hoàng Tùng: Những kỷ niệm về Bác Hồ, Tài liệu Ban Nghiên cứu Lịch sử ngoại giao, Bộ Ngoại giao, tr. 12
34. Vũ Dương Huân: “Ngoại giao Hồ Chí Minh: Giá trị dân tộc và thời đại”, Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh, số tháng 2-2020
35. Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh sống mãi với dân tộc Việt Nam và bầu bạn quốc tế, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 106
36. Nguyễn Phương Nga: “Văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh và ý nghĩa thời đại”, Trang thông tin điện tử Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội, https://haufo.hanoi.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/view_content/3690068-van-hoa-hoa-binh-ho-chi-minh-va-y-nghia-thoi-dai.html, ngày 8-5-2020
37. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, tr. 161 - 162
38. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 161
39. Phạm Hồng Chương: “Hồ Chí Minh với sức mạnh mềm Việt Nam”, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, http://tuyengiao.vn/theo-guong-bac/ho-chi-minh-voi-suc-manh-mem-viet-nam-111411, ngày 2-5-2018
40. Xem: Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Quyet-dinh-2013-QD-TTg-2021-phe-duyet-Chien-luoc-Ngoai-giao-Van-hoa-den-2030-496071.aspx