Sáng 24/11/2021, tại phòng họp Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội (Hà Nội), Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khai mạc.

Hình thành những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững

Thay mặt Ban Tổ chức báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững: yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan, hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung…

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban
Tuyên giáo Trung ương báo cáo tại Hội nghị.

Sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Một số chuẩn mực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của con người thời đại mới đã được đưa vào các văn bản pháp luật; vào quy ước, hương ước làng, xã; vào quy chế, quy định, nội dung, quy tắc của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tính tích cực xã hội của nhân dân về cơ bản được phát huy. Các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh. Các tầng lớp xã hội quan tâm hơn đến giáo dục con người toàn diện. Từng bước hình thành nếp sống văn minh, tác phong công nghiệp; tính chuyên nghiệp, hiệu quả; đề cao, tôn trọng con người. Dân chủ xã hội từng bước được mở rộng và phát huy cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu đã làm cho con người Việt Nam đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo hơn, có nhiều cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao.Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Chính phủ ban hành một số đề án đào tạo, bồi dưỡng tài năng và nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tập huấn nâng cao chất lượng nhân lực cho hoạt động văn hóa đã được quan tâm. Các hoạt động xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ tạo thêm không gian, điều kiện, nguồn lực, nhân lực để phát triển văn hóa.

Nhân dân các vùng, miền, dân tộc, tôn giáo đóng góp sức người, sức của, tổ chức các hoạt động văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn. Thu hút nguồn vốn của người Việt ở nước ngoài, của các tổ chức xã hội, các cá nhân cho phát triển văn hóa, con người. Việc đầu tư nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn xây dựng cơ sở lý luận, dự báo xu hướng phát triển văn hóa, con người Việt Nam có nhiều tiến bộ. Nhà nước đã ban hành một số văn bản tạo cơ sở pháp lý từng bước phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa. Công tác bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ có bước tiến mới.

Xây dựng môi trường văn hóa đạt được một số kết quả tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng” có kết quả rõ rệt. Sự liên kết, phối hợp của ba lĩnh vực gia đình - nhà trường - xã hội trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách cho giới trẻ tiếp tục được phát huy.

35 năm qua, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc có chuyển biến tích cực, tạo cơ chế xử lý hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; huy động được nhiều nguồn lực giữ gìn di sản văn hóa truyền thống, nhất là một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một (hát xoan, ca trù, tuồng, chèo, cải lương...).Bước đầu gắn kết hiệu quả giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng. Nhiều di sản văn hóa được vinh danh. Hệ thống bảo tàng tiếp tục được mở rộng.

Quyền tự do sáng tạo gắn với trách nhiệm xã hội của các văn nghệ sĩ được tôn trọng và đảm bảo. Nhà nước tiếp tục các chính sách hỗ trợ sáng tác, phong tặng danh hiệu nhà nước, giải thưởng văn học, nghệ thuật, trợ cấp đời sống, quỹ nhà ở xã hội đối với văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu. Quan tâm đúng mức việc đoàn kết, khích lệ các văn nghệ sĩ, trí thức gốc Việt ở ngoài nước hướng về Tổ quốc. Công tác phát hiện, khuyến khích, bồi dưỡng tài năng trẻ được coi trọng, xuất hiện nhiều tài năng trẻ trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Công tác lý luận và phê bình văn hóa, văn nghệ từng bước đổi mới, quan tâm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, bồi dưỡng lực lượng trẻ, đề cao hoạt động phê bình, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bản sắc văn hóa dân tộc.

Báo chí, truyền thông, xuất bản là vũ khí tư tưởng, văn hóa sắc bén của Đảng, Nhà nước tích cực tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân. Việc quản lý các loại hình thông tin trên Internet, mạng xã hội, truyền thông số có nhiều chuyển biến, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam trước yêu cầu mới.

Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động. Bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2019 đến nay. Đã có hàng trăm ngàn tỷ đồng được quyên góp để hỗ trợ các địa phương và người dân gặp khó khăn từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, các doanh nhân và nhà hảo tâm. Nhiều công trình, tác phẩm văn hóa, văn nghệ ra đời để động viên, khích lệ, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu; nhiều đơn vị văn hóa, văn nghệ, các văn nghệ sĩ đã hăng hái đi vào vùng tâm dịch để gửi hàng cứu trợ, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, hỗ trợ ngành y.

35 năm qua chúng ta cũng đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại, thu được kết quả rõ rệt cả về bề rộng lẫn chiều sâu, song phương và đa phương, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới, thúc đẩy hội nhập, giao lưu quốc tế về văn hóa.

Quan điểm xây dựng văn hóa của Đảng chưa thực sự thấm sâu trong các tầng lớp nhân dân

Mặc dù đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, nhưng qua 35 năm đổi mới, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thật sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội. Những năm qua (khi chưa có đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam), kinh tế liên tục tăng trưởng cao, đời sống vật chất nâng lên nhưng đời sống văn hóa tinh thần chưa phát triển tương xứng, một số mặt yếu kém, tiêu cực chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí gia tăng.

Việc quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về văn hóa có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra. Cấp ủy ở không ít nơi chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến các chủ trương, đường lối, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người, nhất là ở các đơn vị kinh tế. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, bước đầu được ngăn chặn, nhưng chưa bị đẩy lùi một cách đáng kể. Một số mặt đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng, lối sống thực dụng, hưởng thụ vật chất, khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội đã và đang ảnh hưởng không tốt đến giáo dục lý tưởng, đạo đức, nhân cách con người. Nạn tham nhũng; Lợi dụng văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh (xây đền, chùa, tổ chức lễ hội...) để kiếm tiền, trục lợi, truyền bá mê tín dị đoan; Giá trị văn hóa truyền thống bị mai một, biến tướng, cái xấu lấn át cái tốt; Gian lận, dối trá, đạo đức giả, bệnh thành tích; Nạn quan liêu, cửa quyền; Lối sống cá nhân, ích kỷ, thực dụng, vô cảm với cộng đồng, xã hội vẫn tồn tại và đang là mối lo của toàn xã hội.

Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở còn yếu và thiếu, dẫn đến những hạn chế, lúng túng, bị động trong tham mưu, xử lý những vấn đề nảy sinh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Công tác tuyên truyền, vận động xây dựng văn hóa, con người chưa thường xuyên, liên tục, có chiều sâu. Nhận thức về đường lối, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người có lúc, có nơi chưa đầy đủ, thiếu sâu sắc. Việc quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết, chính sách ở nhiều nơi còn mang tính hình thức. Nhiều cơ quan thông tin đại chúng chưa thật coi trọng tuyên truyền về lĩnh vực này, chưa có chuyên trang, chuyên mục về xây dựng văn hóa và con người. Cá biệt, có một số đơn vị tham gia sản xuất, nhập khẩu, quảng bá các sản phẩm, chương trình văn hóa kém chất lượng, ngoại lai, hời hợt, “câu khách” tác động xấu đến công chúng, nhất là giới trẻ.

Nhận thức, hành động của xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa, con người trong phát triển bền vững đất nước có lúc, có nơi còn chưa sâu, văn hóa chưa thật sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong chủ trương, đường lối, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hóa chưa được nhận thức đầy đủ, thấm sâu vào đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Giá trị, chuẩn mực về con người Việt Nam tuy đã được hình thành bước đầu nhưng chưa thực sự rõ nét; chưa ban hành được hệ giá trị chuẩn về văn hóa và con người Việt Nam làm cơ sở triển khai trong thực tiễn. Việc thực hiện nhiệm vụ phát triển toàn diện con người chưa đều khắp các lĩnh vực, vùng miền. Một số phong trào biểu dương, tôn vinh gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, danh hiệu thi đua chưa đi vào thực chất, chạy theo số lượng và hình thức. Việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu các môn khoa học xã hội và nhân văn bị coi nhẹ ở các cấp học. Chưa đề xuất được những giải pháp mang tính đột phá khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam ở mức thấp so với khu vực Đông Nam Á.

Việc thể chế hóa đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người chưa theo kịp yêu cầu. Nhiều nội dung trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam chậm được thể chế hóa, thiếu tính đồng bộ. Đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, văn nghệ còn thấp, chưa tương xứng với đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.Nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống có dấu hiệu xuống cấp, mai một, biến dạng; nhiều vi phạm, sai phạm trong trùng tu, tôn tạo, phục dựng, tổ chức thực hành di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; chưa có giải pháp thiết thực, hiệu quả để phát triển, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và ngôn ngữ, chữ viết của một số dân tộc thiểu số; chưa có biện pháp hữu hiệu giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị.

Một số nơi còn xem nhẹ vai trò của trí thức, văn nghệ sĩ, chưa đánh giá đúng vị thế của văn học, nghệ thuật trong mối quan hệ với kinh tế, chính trị. Hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật có xu hướng “thương mại hóa”, “tuyệt đối hóa” việc đáp ứng nhu cầu giải trí đơn thuần, hạ thấp chức năng giáo dục, tư tưởng.Tình trạng nghiệp dư hóa nghệ thuật chuyên nghiệp chưa được khắc phục triệt để. Công tác tuyển sinh, đào tạo nhân lực lý luận, phê bình và nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn.

Việc thực hiện quy hoạch báo chí, xuất bản còn chậm, có mặt lúng túng. Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa kết quả chưa như mong muốn.Vẫn còn tình trạng "thương mại hóa" trong hoạt động báo chí, xuất bản; không ít cơ quan báo chí, xuất bản hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, đưa nhiều thông tin về mặt trái, mặt yếu kém của xã hội.

Ngành công nghiệp văn hóa chậm phát triển, quy mô nhỏ, hoạt động yếu ớt. Chất lượng nguồn nhân lực trong công nghiệp văn hóa của nhà nước còn thấp. Thị trường văn hóa bước đầu được hình thành, nhưng phát triển còn manh mún, tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp. Sản phẩm công nghiệp văn hóa ở một số lĩnh vực còn nghèo nàn, nội dung và hình thức chưa hấp dẫn nên sức cạnh tranh hạn chế, chưa thu hút được sự quan tâm của người tiêu dung.“Nhập siêu văn hóa” kéo dài. Mức đầu tư cho văn hóa đối ngoại còn thấp. Công tác quản lý xuất nhập khẩu văn hóa phẩm chưa chặt chẽ dẫn đến để lọt sản phẩm văn hóa nước ngoài du nhập vào nước ta chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc, thậm chí có những sản phẩm độc hại.

Môi trường văn hóa gia đình - nhà trường - xã hội có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp. Việc xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế tuy đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể triển khai, nhưng kết quả còn chưa tương xứng.Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cấp cao làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, mất dân chủ, thu vén lợi ích cá nhân, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, học hàm, học vị, lợi ích nhóm... còn xảy ra ở khá nhiều nơi….

Để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc

Để phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, Báo cáo cũng đã đề ra một loạt những giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững.

Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa. Trong đó kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, tinh thông, hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở trung ương và địa phương, đề cao vai trò, vị trí, nhiệm vụ của cấp cơ sở.

Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý; cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù.

Xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước.

Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế…

Sau Báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Hội nghị sẽ được nghe tham luận của các đại biểu.

 

Nhóm PV

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.