Xã hội nước ta đã và đang biến đổi phức hợp từ truyền thống sang một trạng thái mới - xã hội số, với nền tảng là công nghệ và kỹ thuật số, giúp kết nối vạn vật trong đời sống xã hội. Bài viết bàn luận những vấn đề của xã hội số: khái niệm, bản chất, đề xuất mô hình, đặc biệt là những vấn đề xã hội số đặt ra đối với quản lý xã hội.
Bản chất và diễn trình của xã hội số song hành cùng lịch sử phát triển của khoa học và công nghệ thế giới - Ảnh: dangcongsan.vn
Xã hội số vừa là hiện thực đời sống xã hội, vừa là một khái niệm khoa học mới mẻ với quốc tế và Việt Nam. Ở nước ta, hiện chưa có nhiều công trình nghiên cứu quy mô lớn lấy xã hội số làm đối tượng và chủ đề trung tâm. Các chủ đề có liên quan hoặc là một hợp phần trong xã hội số như cách mạng số, chuyển đổi số, kinh tế số, chính phủ số, công dân số, văn hóa số, môi trường số, nguồn nhân lực số(1), thế hệ công dân số dù có được nhắc đến, thảo luận trong giới nghiên cứu, các nhà quản lý, lãnh đạo, giới doanh nghiệp,… nhưng còn những nhận thức khác nhau, chưa tiệm cận với nghiên cứu của thế giới. Ở góc độ quản lý, nghiên cứu chủ trương, quyết sách và chính sách quốc gia gần đây về phát triển khoa học - công nghệ, về chủ động thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, định hướng năm 2030 ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng các chính sách thích ứng với việc chuyển đổi này. Tuy nhiên, đang có độ “trễ” trong quan niệm, cập nhật mô hình, giải pháp về xây dựng một xã hội số, xã hội siêu thông minh cũng như kịch bản có tính hệ thống nhằm thích ứng với những yêu cầu cấp bách, thách thức đặt ra từ quá trình biến đổi xã hội(2).
1. Quan niệm và bản chất của xã hội số
Bản chất và diễn trình của xã hội số song hành cùng lịch sử phát triển của khoa học và công nghệ thế giới, đặc biệt trong các thế kỷ XX và XXI. Thuật ngữ “xã hội số” chính thức được sử dụng rộng rãi trong diễn trình phát triển của Internet ở mức độ Web 2.0 (tương đương ở làn sóng thứ hai của khoa học công nghệ thế giới)(3), tức những năm đầu thế kỷ XXI. Trong giai đoạn này, số hóa được sử dụng trong cả phương tiện truyền thông và tài liệu học thuật; đồng thời, hình thành, mở rộng ngoại diên biểu hiện “xã hội số” ở góc độ biểu đạt với nhiều thuật ngữ khác có liên quan như “con người số”, văn hóa số, “nhân học số”, “địa lý kỹ thuật số”. Theo WSIS (2003), thời gian này đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Xã hội thông tin được tổ chức tại Giơnevơ (tháng 12-2003), thu hút nhiều nhà lãnh đạo cao cấp trên thế giới tham dự, bàn về tương lai xây dựng xã hội số hóa(4). Như vậy, từ những năm đầu thế kỷ XXI, xã hội số đã được nghiên cứu và xuất hiện trên thực tế.
Đến nay, trong các quan điểm nghiên cứu quốc tế và Việt Nam về chủ đề này còn nhiều điểm chưa thống nhất. Dưới góc nhìn về công nghệ, trong Báo cáo đặc biệt “Xã hội số ở châu Á”, Global System for Mobile Communications (GSMA) đã đưa ra định nghĩa: “Xã hội số” đề cập đến một xã hội nơi công dân tương tác liền mạch với các khía cạnh khác nhau của cuộc sống, bao gồm công việc, giải trí và giao tiếp, qua các kênh kỹ thuật số thông qua mạng lưới các thiết bị được kết nối thông minh và các dịch vụ tương thích. Trên thực tế, mọi người trong xã hội kỹ thuật số có thể truy cập và tương tác với một loạt các dịch vụ công và tư, bao gồm cả dịch vụ tài chính, tiện ích, giáo dục, y tế và giao thông, mọi lúc và mọi nơi bằng cách sử dụng công nghệ kỹ thuật số”(5).
Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu xã hội “Xã hội số” là sự kết nối vạn vật (mọi thứ) trong xã hội thông qua phương thức số hóa chúng. Trong cuốn Digital Media & Society, Simon Lindgren tiếp cận xã hội số như một phương trình mà xã hội số = truyền thông số (digital media) + xã hội (societies); trong đó, xã hội chịu ảnh hưởng của hệ thống công cụ giao tiếp và hạ tầng căn bản như internet và truyền thông xã hội được số hóa và kết nối với nhau(6). Trong cuốn What is Digital Sociology?, Neil Selwyn cho rằng, xã hội số là giai đoạn phát triển của xã hội, dựa theo sự phát triển của công nghệ, hệ thống số (Trí tuệ nhân tạo - AI và Dữ liệu lớn - Bigdata), dịch vụ và hệ thống thiết bị tiện ích (điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng, thiết bị điện tử khác,…) trên nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế, luật pháp, hệ thống an sinh xã hội(7).
Ở Việt Nam, hầu như chưa có nhiều công trình nghiên cứu đề cập chuyên sâu đến chủ đề xã hội số ngoài.
Trong cuốn sách Hỏi đáp về chuyển đổi số (năm 2020), các nhà khoa học nhấn mạnh, xã hội số là xã hội của con người trong môi trường số. Ở đó, nhiều dịch vụ và nền tảng số giúp cuộc sống con người thuận tiện, dễ dàng, việc làm nhiều hơn, năng suất cao hơn, xã hội an toàn và nhân văn hơn, giúp cân bằng kinh tế với cuộc sống. Theo đó, xã hội số là trạng thái biến đổi và phát triển mới về chất của xã hội dựa trên nền tảng căn bản và quan trọng nhất là công nghệ - kỹ thuật số, truyền thông số như internet, AI, Bigdata, Mobile Techonology,… giúp kết nối sự tương tác mọi thành viên trong xã hội với nhau, với mọi vật (kết nối vạn vật - IoT) trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa,... trên thế giới số, tạo ra cuộc sống thay đổi tích cực về chất, thúc đẩy phát triển xã hội bền vững, nhân văn và hiện đại.
Như vậy, bản chất của xã hội số chính là sự thay đổi về chất cách thức tương tác và kết nối xã hội từ kiểu truyền thống sang phương thức kết nối số hóa (IoT) ở các lĩnh vực và đối tượng có nhu cầu được số hóa trong đời sống xã hội thông qua hệ thống hạ tầng công nghệ - kỹ thuật số và truyền thông số phát triển mạnh, hiện đại, phù hợp với xu thế công nghệ của thế giới.
2. Những vấn đề đặt ra đối với lãnh đạo, quản lý trong xã hội số
Những vấn đề cấp bách của xã hội do ảnh hưởng của xã hội số
Một là, xã hội số, xã hội siêu thông minh mang đến những tiện nghi mới mẻ và hiện đại cho cuộc sống, nhưng cũng tạo ra những thách thức đe doạ đến những quyền căn bản nhất và sự an toàn của chính bản thân con người trong thế giới thực và thế giới số, như an ninh mạng, lừa đảo, tội phạm công nghệ cao, bảo mật đời tư… Do vậy, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng xây dựng khung thể chế và hạ tầng bảo đảm an toàn mạng, bảo mật thông tin và quyền tiếp cận, khai thác dữ liệu lớn. Trong đó, cần nhanh chóng nghiên cứu, thông qua Luật Giao dịch điện tử năm 2005 sửa đổi, sớm ban hành Chiến lược phát triển chính phủ số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030, hướng dẫn triển khai chi tiết Luật An ninh mạng năm 2018.
Hai là, xã hội số đã và đang tạo ra những chuyển biến nhanh chóng, sâu sắc về thang bậc hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa - xã hội; nhiều phương thức tương tác, giao tiếp xã hội chưa có tiền lệ xuất hiện như tương tác ảo... Điều này khiến tương tác và đoàn kết xã hội ở nhiều thiết chế trở nên “lỏng lẻo” hơn, thậm chí có nguy cơ bị phá vỡ. Con người cảm thấy “cô đơn”, mệt mỏi và căng thẳng nhiều hơn dù không gian sống số và giao lưu, kết nối thuận tiện, rộng mở hơn. Mặc khác, một bộ phận xã hội, nhất là nhóm trẻ, có xu hướng “ảo tưởng” về nhiều điều xảy ra trong không gian ảo; có xu hướng xa rời, lãng quên hoặc “tầm thường hóa” các giá trị cao quý của truyền thống, văn hóa gia đình và dân tộc… Do vậy, việc nghiên cứu, dẫn dắt và định hướng xã hội thông qua bộ tiêu chí văn hóa số, đạo đức số và lối sống số bên cạnh các hệ giá trị cốt lõi của dân tộc mà Đảng ta khẳng định trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế(8) là việc làm cần quan tâm chú trọng.
Ba là, xã hội số khiến phải xác định, thậm chí nhận thức lại các yếu tố trung tâm cấu thành nội hàm khái niệm quản lý phát triển xã hội được Đảng ta chính thức, lần đầu tiên đưa vào Văn kiện Đại hội XII (2016) và tiếp tục khẳng định trong nhiệm kỳ Đại hội XIII trong viễn cảnh mới, như: không gian quản lý phát triển mở rộng ra là thực - số; công cụ, phương thức quản lý phát triển xã hội có sự can thiệp, hỗ trợ mạnh mẽ bằng công nghệ và kỹ thuật số, thay thế dần phương tiện truyền thống; khách thể quản lý còn là nhóm “người - máy”, với “xã hội AI”, “xã hội người máy”,… bên cạnh “xã hội người” như cách hiểu lâu nay. Do đó, việc xây dựng mô hình tổng thể phát triển xã hội số và thực thi các giải pháp thích ứng với quá trình chuyển đổi này là việc làm cần thiết.
Nguồn lực con người - vấn đề cốt lõi trong xã hội số
Trong 8 chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nêu trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị, chủ trương đầu tiên là “đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức”; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 30-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia cũng nhấn mạnh “nhận thức đóng vai trò quyết định… Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức”. Theo đó, để nhanh chóng thích ứng với xã hội số, cần:
Một là, có chính sách nhanh chóng xây dựng lớp công dân số có tri thức, hiểu biết và am tường nhất định về chuyển đổi số, về xã hội số; ủng hộ, đồng thuận, thích ứng với xã hội số; có kỹ năng sử dụng, khai thác đa tiện ích từ xã hội số và thực hành chuẩn mực, văn hóa và nguyên tắc ứng xử mới trong môi trường số, không gian thực - số (physical cyber connection). Do đó, việc lồng ghép giáo dục, tuyên truyền bài bản về xã hội số trong chương trình giảng dạy ở các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu cần được quan tâm. Đồng thời, chú trọng dùng không gian số, công nghệ số để tuyên truyền về quá trình chuyển đổi này bên cạnh phương pháp giáo dục, tuyên truyền kiểu truyền thống.
Hai là, xã hội số đem đến nhiều công việc mới mẻ với sự tối ưu hóa sức lao động, gia tăng năng suất làm việc và sự thuận tiện bậc nhất, nhưng cũng đồng nghĩa một lực lượng lớn lao động truyền thống sẽ bị thay thế bởi công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI)(9). Do vậy, trong ngắn và dài hạn, các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách từ trung ương đến địa phương cần tính đến việc chuyển đổi mô hình phát triển, quản lý phát triển xã hội số sao cho giải quyết hài hòa giữa bài toán tăng trưởng kinh tế, giải quyết nguồn lao động dồi dào, dư thừa thời kỳ dân số vàng, chính sách an sinh xã hội và với các thách thức của quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Ba là, chuyển đổi số hình thành loại hình kinh tế mới - kinh tế số. Do đó, cùng với không gian giao thương của Việt Nam với thế giới ngày càng mở rộng qua các hiệp định tự do thế hệ mới, bản thân doanh nhân, giới chủ và nhà quản trị doanh nghiệp cần ý thức sớm và có hành động thích đáng để thích ứng với xã hội số và mô hình kinh doanh với yêu cầu số hóa cao, tránh sai lầm trong chiến lược chuyển đổi số ở doanh nghiệp, nhất là sai lầm trong tư duy.
Bốn là, tư duy và năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức - những người cần am tường, hiểu thấu đáo và tạo động lực, chủ xướng dẫn dắt cho doanh nghiệp, xã hội - phải được đặc biệt chú trọng, có tính quyết định sự thành bại không chỉ trong xây dựng thành công Chính phủ số, chính quyền số, mà còn có tác động đến hai trụ cột còn lại (kinh tế số và xã hội số). Do đó, cần nhanh chóng triển khai các nội dung, giải pháp về đội ngũ nhân sự công trong Chiến lược chuyển đổi số quốc gia tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành; đồng thời, đưa nội dung này trở thành một trong những nội dung quan trọng về “cải cách nguồn nhân lực trong khu vực công” trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính quốc gia giai đoạn 2021-2030 mà Bộ Nội vụ đang chủ trì xây dựng dự thảo thời gian qua.
Xây dựng không gian chính sách và pháp lý (sandbox) nhằm hiện thực hóa xã hội số
Theo tác giả Chu Thị Hoa(10), ở góc độ pháp lý, sandbox là hình thức nhằm tạo ra một không gian thuận lợi với khung chính sách, pháp lý riêng (nằm ngoài hoặc vượt khung pháp lý hiện tại) để tiến hành thử nghiệm những mô hình mới. Chúng ta đã có sandbox, nhưng để thích ứng và xây dựng thành công xã hội số, cần chú ý:
Một là, xây dựng sandbox dẫn dắt, dung dưỡng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và hình thành xã hội số cũng như khắc phục khuyết tật của quá trình này ở Việt Nam, trong đó, chú ý các sandbox về dữ liệu (chính sách dữ liệu, luật về dữ liệu lớn), sandbox về AI (sản xuất, vận hành và vấn đề đạo đức AI…), sandbox về bảo mật và an toàn người dùng trong không gian số, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm như tài chính - ngân hàng, tư pháp, bảo hiểm, y tế, thanh tra, kiểm tra trong môi trường số…
Hai là, xây dựng sandbox về mô hình tổng thể xây dựng xã hội số, xã hội siêu thông minh. Đây là nội dung còn chưa được quan tâm nghiên cứu, nhưng đã được đề cập trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, ở trụ cột về xã hội số.
Qua nghiên cứu một số công trình của nước ngoài và thực tiễn Việt Nam, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như: Nghị quyết số 52-NQ/TW; Quyết định số 749/QĐ-TTg; tham khảo mô hình xây dựng xã hội số tổng thể đang được thực hiện trên thế giới được khái quát trong bản Báo cáo đặc biệt của GSMA Intelligence vào các năm 2016 và 2020(11).
Việc triển khai nghiên cứu đồng bộ các nội dung theo mô hình tổng thể về “xã hội số” như trên sẽ góp phần hình thành các hành lang pháp lý cũng như tạo ra các điều kiện, nguồn lực thích ứng và phát huy tối đa các tác động tích cực của quá trình chuyển đổi xã hội tới số tới phát triển xã hội Việt Nam bền vững hiện nay.
__________________
(1) https://www.fujitsu.com: “Về Fujitsu”, truy cập ngày: 17-1-2021.
(2) Armin Nassehi: Bài nói chuyện chuỗi chủ đề: “Xã hội số”, tiểu chủ đề: “Số hóa giải quyết vấn đề gì” (dịch), Goethe Institut, Hà Nội, 2021, tr.2-7.
(3) Theo báo cáo của Fujitsu - nhà cung cấp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) số 1 tại Nhật Bản và đứng thứ 7 trên thế giới, đến nay có 4 làn sóng của công nghệ số trong chuyển đổi số thế kỷ XXI. Trong đó, làn sóng thứ 1 là các công nghệ số trên internet (xuất hiện từ khi có internet đến năm 2000); làn sóng thứ 2 với các công nghệ số trên nền tảng internet di dộng (từ sau năm 2000 đến năm 2010) với hai đặc tính là công nghệ thời gian thực và có ở mọi chỗ, mọi nơi; làn sóng thứ 3 bắt đầu từ khoảng 5-7 năm gần đây (dự báo chín muồi vào năm 2020) với các công nghệ dựa vào internet vạn vật với sự hội tụ của thế giới thực và thế giới số và làn sóng thứ 4 bắt đầu từ sau năm 2020 đặc trưng của công nghệ AI và robot. Theo nhóm nghiên cứu này, làn sóng công nghệ 3 và 4 sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến công nghiệp và xã hội. Dẫn theo Think Tank Vinasa, 2019, tr.153-154.
(4) WSIS (2003), Declaration of Principles, Building the Information Society: a global challenge in the new Millennium, The World Summit on the Information Society, Geneva, 12 December, http://www.itu.int , ngày truy cập: 17-01-2021.
(5), (11) Kenechi Okeleke, Henry James & Yoonee Jeong: Advancing Digital Societies in Asia, GSMA Head Office, United Kingdom, 2016, tr.6, 9.
(6) Simon Lindgren: Digital Media & Society, SAGE, USA, Indian, Singapore, 2017, tr.4.
(7) Neil Selwyn: What is Digital Sociology?, Politics Press, UK & USA, 2019, tr.11.
(8) Phùng Hữu Phú và tập thể tác giả: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm Đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.392-396.
(9) Trong nghiên cứu về tác động của công nghệ số trong tương lai do Đại học Oxford thực hiện, đã xếp hạng định lượng 702 ngành nghề về khả năng tự động hóa và bị thay thế bởi máy tính, đáng chú ý là: nhân viên tiếp thị từ xa, nhân viên kỹ thuật thư viện, người định giá bảo hiểm, trọng tài thể thao, thư ký pháp luật, chủ nhà hàng, khách sạn, thư ký, trợ lý hành chính luật, ngành y, … dẫn theo Hỏi đáp về chuyển đổi số, Nxb Thông tin và truyền thông, 2020, tr.306.
(10) Chu Thị Hoa: Sandbox - cơ chế thử nghiệm áp dung trong phạm vi hạn chế - kinh nghiệm quốc tế và một số gợi ý cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 16 (391), 2019.
ThS NGUYỄN HỮU HOÀNG
TS TRẦN VĂN HUẤN
Học viện Chính trị khu vực II