Vừa qua, TANDTC đã ban hành Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021, trong đó có nội dung giải đáp về một số trường hợp đương sự không được khởi kiện lại vụ án dân sự. Cụ thể, theo Công văn nêu trên, đối với trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 của BLTTDS với lý do nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản hoặc chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này, thì nguyên đơn không được khởi kiện lại vụ án như đối với trường hợp rút đơn khởi kiện.
Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung giải đáp nêu trên tại Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021. Qua nghiên cứu các quan điểm này, cùng với nghiên cứu riêng của cá nhân, tác giả cho rằng cần cho phép nguyên đơn khởi kiện lại vụ án mà Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 của BLTTDS với các lý do chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, việc không cho phép nguyên đơn khởi kiện lại vụ án chỉ nên áp dụng đối với vụ án mà Tòa án đã giải quyết yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của nguyên đơn (nếu có) để bảo đảm công bằng cho các bên đương sự.
Thứ hai, phù hợp với tinh thần nêu trên, cần cho phép nguyên đơn khởi kiện lại vụ án mà Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 của BLTTDS để tạo điều kiện chấm dứt tranh chấp giữa các bên đương sự, góp phần ổn định xã hội và thúc đẩy các quan hệ pháp luật phát triển bình thường, lành mạnh.
Trên tinh thần đó, tác giả sẽ phân tích cụ thể về sở cứ đề xuất cho phép nguyên đơn được khởi kiện lại vụ án dân sự đã nêu ở trên như sau:
1. Các trường hợp nguyên đơn không được khởi kiện lại vụ án dân sự
Theo quy định của BLTTDS, vụ án dân sự mà nguyên đơn không có quyền khởi kiện lại bao gồm vụ án Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết và vụ án do Tòa án nước ngoài đã ra bản án, quyết định, trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 218 của BLTTDS, khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện “vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp”. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoại lệ, nguyên đơn được khởi kiện lại vụ án dân sự mặc dù Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đó. Các trường hợp ngoại lệ bao gồm vụ án quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, ngoài các vụ án được quy định tại khoản 1 Điều 218 của LTTDS, nguyên đơn cũng không có quyền khởi kiện lại đối vụ án được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 472 của Bộ luật này. Cụ thể, trong trường hợp vụ án thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam nhưng có căn cứ xác định vụ án đó đã được Tòa án nước ngoài ra bản án, quyết định, thì Tòa án Việt Nam phải trả lại đơn khởi kiện cho nguyên đơn hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nếu đã thụ lý vụ án.
2. Cơ sở để BLTTDS quy định không cho phép nguyên đơn được khởi kiện lại vụ án dân sự
Có thể khẳng định rằng không phải ngẫu nhiên mà BLTTDS có quy định không cho phép nguyên đơn khởi kiện lại vụ án có cùng các bên đương sự, có cùng quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp. Quy định này xuất phát từ nguyên tắc tư pháp có tên gọi theo tiếng La tinh là Res judicata – tạm dịch là “vấn đề đã được giải quyết”. Nguyên tắc này được áp dụng đối với vụ án do Tòa án Việt Nam thụ lý để giải quyết và vụ án thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam nhưng Tòa án nước ngoài đã thụ lý trước khi Tòa án Việt Nam thụ lý và đã ra bản án, quyết định. Nguyên tắc này đã được cụ thể hóa thành quy định tại điểm d khoản 1 Điều 472 của BLTTDS như đã nêu ở trên. Nguyên tắc Res judicata được lý giải như sau[1]:
Thứ nhất, nguyên đơn không được quyền khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây:
- Nguyên đơn đã khởi kiện để Tòa án giải quyết một yêu cầu đối với bị đơn nhưng sau khi Tòa án đã giải quyết theo hướng không chấp nhận yêu cầu đó của nguyên đơn, thì nguyên đơn không được khởi kiện lại bị đơn đối với yêu cầu đã bị bác bỏ đó. Quy định này cũng được áp dụng trong trường hợp nguyên đơn có nhiều yêu cầu đối với bị đơn nhưng Tòa án đã giải quyết theo hướng bác bỏ toàn bộ yêu cầu đó của nguyên đơn.
- Nguyên đơn khởi kiện bị đơn để yêu cầu Tòa án giải quyết một yêu cầu đối với bị đơn và Tòa án đã giải quyết chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, thì sau đó nguyên đơn không được khởi kiện lại bị đơn về yêu cầu đã được Tòa án giải quyết. Quy định này cũng được áp dụng trong trường hợp nguyên đơn có nhiều yêu cầu đối với bị đơn và Tòa án đã giải quyết theo hướng chấp nhận toàn bộ các yêu cầu đó của nguyên đơn.
Bên cạnh đó, nếu trong vụ án có yêu cầu phản tố và đã được Tòa án giải quyết trong cùng vụ án, thì người đưa ra yêu cầu phản tố cũng không được khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại yêu cầu phản tố đó.
Thứ hai, “Tòa án đã giải quyết” cần được hiểu là việc Tòa án đưa ra quyết định áp dụng pháp luật đối với các tình tiết khách quan của vụ án và chứng cứ mà các bên đã xuất trình trước Tòa án. Nói cách khác, các quyết định về thủ tục tố tụng mà Tòa án đưa ra từ khi thụ lý vụ án không được coi là việc “Tòa án đã giải quyết” vụ án.
Ví dụ: Các trường hợp sau đây không được coi là các trường hợp Tòa án đã giải quyết vụ án: Tòa án từ chối thụ lý hoặc đình chỉ giải quyết với lý do Tòa án đó không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn; Nguyên đơn tự nguyện từ bỏ vụ kiện (rút đơn khởi kiện); Nguyên đơn không tuân thủ một yêu cầu cụ thể của Tòa án dẫn đến việc Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án.
Thứ ba, nguyên đơn không được khởi kiện lại vụ án tại chính Tòa án đã giải quyết vụ án đó hoặc Tòa án khác của một nước, không phân biệt quyết định giải quyết vụ án của Tòa án có thể bị kháng cáo hoặc chưa có hiệu lực pháp luật.
Thứ tư, nguyên tắc Res judicata còn được áp dụng trong trường hợp cùng một vụ án có cùng các bên đương sự, có cùng nội dung tranh chấp nhưng được Tòa án nhiều nước cùng thụ lý, giải quyết. Theo đó, trường hợp một Tòa án của một nước khi nhận đơn khởi kiện hoặc sau khi thụ lý vụ án mà phát hiện vụ án đó chính là vụ án đã được Tòa án nước khác đã giải quyết, thì Tòa án nhận đơn hoặc đã thụ lý vụ án sẽ từ chối thụ lý hoặc đình chỉ giải quyết vụ án.
3. Mục đích của quy định không cho phép nguyên đơn khởi kiện lại vụ án dân sự
Có thể khẳng định việc ngăn chặn nguyên đơn khởi kiện lại vụ án có cùng các bên đương sự, có cùng nội dung tranh chấp và đã được Tòa án ra quyết định giải quyết hướng tới các mục đích sau đây:
Một là, để bảo đảm sự công bằng cho các bên đương sự trong việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Theo đó, các bên đương sự sẽ được bảo đảm rằng họ không phải tham gia tố tụng tại Tòa án trong các vụ kiện có cùng các bên đương sự và có cùng nội dung hoặc các nội dung tranh chấp.
Hai là, để bảo đảm tính ổn định, cuối cùng của quyết định của Tòa án về giải quyết một hoặc một số tranh chấp giữa các bên đương sự.
Ba là, tạo điều kiện chấm dứt tranh chấp giữa các bên, hạn chế các bên lạm dụng thủ tục tố tụng để chèn ép, gây thiệt hại về kinh tế, uy tín của nhau cũng như làm lãng phí nguồn lực nhân sự, tài chính của Tòa án.
4.Về cách hiểu quy định “vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp” tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS
Theo quy định tại khoản 1 Điều 218 của BLTTDS khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện “vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp”.
Nếu xét về hình thức, quy định “vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp” không phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau. Theo đó, đây là quy định được xây dựng để mô tả sự giống nhau giữa hai vụ án về các đương sự và nội dung tranh chấp, trong đó các đương sự, yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn trong vụ án sau cũng là chính là các đương sự và nội dung yêu cầu của nguyên đơn trong vụ án trước.
Về nội dung, quy định nêu trên còn có cách hiểu khác nhau. Theo đó, loại quan điểm thứ nhất cho rằng “vụ án trước" phải là vụ án mà Tòa án đã giải quyết về nội dung yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có) bằng bản án hoặc quyết định (quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự). Do đó, nếu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải quyết vụ án giữa nguyên đơn đối với bị đơn về một hoặc một số yêu cầu cụ thể, thì nguyên đơn không được phép khởi kiện lại chính vụ án đó đối với bị đơn.
Ngược lại, quan điểm khác lại cho rằng, “vụ án trước” là những vụ án mà Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết theo quy định của BLTTDS. Đó là những vụ án mà Tòa án chưa giải quyết về nội dung yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có).
Ví dụ: Trường hợp Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản, chi phí tố tụng khác (chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài...) theo quy định của BLTTDS, thì nguyên đơn không được khởi kiện lại vụ án đó đối với bị đơn về cùng một hoặc một số yêu cầu mà nguyên đơn đã đề nghị Tòa án giải quyết trong vụ án trước.
Trong trường hợp này, tác giả đồng ý với cách diễn giải về “vụ án trước” của quan điểm thứ nhất. Loại quan điểm này phù hợp với sự phân tích về căn cứ, mục đích của quy định không cho phép nguyên đơn khởi kiện lại vụ án dân sự như đã nêu ở phần trên của bài viết này. Nếu phân tích thêm về các vụ án mà BLTTDS cho phép nguyên đơn khởi kiện lại quy định tại Điều 217 thông qua sự viện dẫn tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS, thì thấy rằng các vụ án đó Tòa án chưa giải quyết nội dung yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có). Cụ thể là các vụ án mà người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt; Nguyên đơn chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật; Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 193 của Bộ luật này; Người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án...
Đối chiếu với vụ án mà nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản, chi phí tố tụng khác (chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài...) theo quy định của BLTTDS thì có thể thấy rằng đây cũng là loại vụ án mà Tòa án chưa giải quyết nội dung yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có). Từ đây, có thể nhận thấy việc không cho phép nguyên đơn khởi kiện lại vụ án loại này chính biểu hiện của sự thiếu thống nhất trong chính sách bảo đảm quyền, lợi ích của đương sự. Theo đó, khi cùng một loại vụ án chưa được Tòa án giải quyết về mặt nội dung nhưng có vụ án thì cho phép nguyên đơn khởi kiện lại, có vụ án khác thì không cho phép nguyên đơn thực hiện quyền này.
5. Tạm kết
BLTTDS có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp trong vụ án mà các bên yêu cầu Tòa án giải quyết. Bằng các quy định cụ thể, Bộ luật này bảo đảm rằng các tranh chấp được Tòa án giải quyết theo thẩm quyền sẽ có cơ hội chấm dứt, quyền, lợi ích hợp pháp của các bên sẽ được Tòa án phân định trong bản án, quyết định. Bản án, quyết định đó được Tòa án ban hành trên cơ sở áp dụng pháp luật đối với các tình tiết khách quan của vụ án và xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện các chứng cứ do các bên cung cấp cũng như chứng cứ do Tòa án thu thập theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Qua đó, Tòa án góp phần tạo sự ổn định cho xã hội, thúc đẩy các quan hệ pháp luật phát triển.
Trên tinh thần đó, bên cạnh quy định cho phép đương sự khởi kiện vụ án dân sự, BLTTDS còn có các quy định khác cho phép đương sự khởi kiện lại vụ án dân sự đã được Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết nếu đáp ứng được các điều kiện cụ thể do Bộ luật này quy định. Vì vậy, việc loại trừ không đúng vụ án mà nguyên đơn được quyền khởi kiện lại sẽ làm mất cơ hội được tiếp cận công lý, thiếu công bằng cho nguyên đơn. Không chỉ có vậy, khi nguyên đơn không được phép khởi kiện lại vụ án, thì cũng có nghĩa tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn sẽ không có cơ hội được giải quyết hoặc chấm dứt do thiếu vắng sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ đó, các quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp sẽ không được phát triển bình thường, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn trong đời sống kinh tế, xã hội.
Để góp phần hạn chế những bất lợi có thể phát sinh như đã nêu ở trên, tác giả cho rằng cần có thêm sự nghiên cứu cụ thể, toàn diện về nội dung giải đáp tại mục 5 phần IV Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TANDTC đối với trường hợp: “5. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nguyên đơn không nộp tiền chi phí định giá theo điểm đ khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trong trường hợp này nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án như trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện hay không?”. Theo đó, đối với trường hợp này, Công văn nêu trên đã xác định: “nguyên đơn không có quyền khởi kiện lại để yêu cầu Tòa giải quyết tiếp vụ án như đối với trường hợp rút đơn khởi kiện”.
Theo quan điểm của tác giả, đối với trường hợp mà Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 của BLTTDS với một trong các lý do: Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này, thì nên cho phép nguyên đơn được khởi kiện lại vụ án. Việc cho phép nguyên đơn khởi kiện lại vụ án trong trường hợp này phù hợp với tinh thần quy định của BLTTDS, góp phần chấm dứt tranh chấp giữa các bên, tạo sự ổn định cho xã hội và thúc đẩy các quan hệ pháp luật tiếp tục phát triển bình thường, lành mạnh./.
LÊ MẠNH HÙNG (Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC)
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).