Dự buổi lễ có Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực lịch sử, văn hóa…
Hội thảo nhằm đánh giá những thành tựu nghiên cứu mới trong một nửa thế kỷ qua về thời đại dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
|
|
Quang cảnh hội thảo. |
Mở đầu cho lịch sử dựng nước của dân tộc
Trong lịch sử Việt Nam, thời đại Hùng Vương có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là giai đoạn mở đầu cho lịch sử dựng nước của dân tộc Việt Nam. Thời đại này đã được các sử gia ghi chép lại từ khá sớm trong các bộ chính sử.
Theo PGS, TS Trần Đức Cường, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, từ xa xưa, những câu hỏi về nguồn gốc dân tộc và sự ra đời của Nhà nước đầu tiên trên đất nước ta luôn được các thế hệ người Việt Nam đặt ra và tìm cách trả lời. Chính vì vậy, các câu chuyện về thời Hồng Bàng, Lạc Long Quân và Âu Cơ, con Rồng cháu Tiên và cách gọi nhau là “đồng bào” được lưu truyền từ đời này sang đời khác, là kết quả của mối quan tâm đã hằn sâu trong tâm thức người Việt Nam. Trong các câu chuyện được lưu truyền, triều đại đầu tiên trên đất nước Việt Nam, triều Hồng Bàng, gắn với vị hoàng đế trong truyền thuyết là Thần Nông. Cũng theo truyền thuyết, người con trai cả của Âu Cơ và Lạc Long Quân cai trị nước Văn Lang-Nhà nước đầu tiên trên đất nước ta có danh hiệu là Hùng Vương, được truyền từ đời này sang đời khác theo chế độ cha truyền, con nối.
PGS, TS Đinh Quang Hải, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Nghiên cứu về sự xuất hiện và thời gian tồn tại của thời đại Hùng Vương còn có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay, đa số các nhà nghiên cứu đều thống nhất ý kiến cho rằng, nước Văn Lang thời Hùng Vương có thời gian tồn tại tương đương với nền văn hóa Đông Sơn. Nguồn sử liệu sớm nhất nói về thời đại Hùng Vương là những ghi chép trong các sách viết vào thời kỳ nhà Trần (khoảng cuối thế kỷ XIII-XIV). Trước tiên, trong đó phải kể đến hai cuốn “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên với “Lời tựa” viết năm 1329 và cuốn “Lĩnh Nam chích quái” do Trần Thế Pháp biên soạn vào cuối đời Trần.
Thiếu tướng Phạm Văn Dần, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Văn hóa Hùng Vương khẳng định: Hội thảo này nhằm đánh giá kết luận về Thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam, đóng góp vào việc xây dựng Bộ Quốc sử Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đồng thời thông qua Hội thảo, rút ra những bài học trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như giữ gìn và phát huy những giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc.
Thời đại Hùng Vương là một thời kỳ đạt được sự chuyển biến khá sâu sắc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, dẫn đến sự hình thành nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Thời đại Hùng Vương là thời kỳ ra đời và phát triển của một nền văn minh cổ đại của người Việt cổ.
|
|
Nghi lễ Giỗ tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng. Ảnh:qdnd.vn |
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương
Đền Hùng và Đất Tổ giữ vị thế lịch sử và văn hóa quan trọng, là trung tâm của Kinh đô Văn Lang, của Nhà nước cổ đại thời cách mạng luyện kim đồng sắt, là vùng hội tụ và giao lưu văn hóa. Đền Hùng là di sản vô cùng quý báu của tổ tiên, phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa dân tộc, là đặc trưng truyền thống cho tính cộng đồng của xã hội Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Ngọc Tăng, Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương gửi tham luận tới Hội thảo khẳng định, thời đại các Vua Hùng, những đặc trưng của lịch sử văn hóa Vua Hùng có giá trị to lớn, đó là niềm tự hào lớn lao, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Thế hệ ngày nay đời đời phải biết ơn các Vua Hùng, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Thạc sĩ Lê Ngọc Thanh, Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng khẳng định: Tính độc đáo tiêu biểu trong “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được UNESCO vinh danh nằm ở chính tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ra đời do sự kết hợp giữa đạo lý nhớ về nguồn cội, tục thờ cúng tổ tiên và nhu cầu về điểm tựa, về tinh thần của một quốc gia phong kiến sau thời kỳ dài Bắc thuộc. UNESCO đánh giá rất cao điều này, đó là sự dân dã, ngay từ cái tên gọi Giỗ Tổ. Coi Quốc gia – dân tộc như một “gia đình lớn”, lấy khuôn phép ứng xử gia đình, gia tộc để tạo thành khuôn khổ ứng xử của xã hội, giúp thống nhất một hệ ý thức Việt Nam.
|
|
Thi gói bánh chưng tại Lễ hội Đền Hùng 2019. |
Ý thức về trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy giá trị nhân văn của văn hóa Hùng Vương, các cấp, ban, ngành luôn xác định các giá trị văn hóa truyền thống là một trong những nguồn lực, tiềm năng, điểm tựa của sáng tạo và nền tảng của sự phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội. Thời gian qua, đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống bền vững với một tầm nhìn mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.
Những năm qua, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống nhằm bảo tồn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được khôi phục, tổ chức thường xuyên, trong đó có những lễ hội truyền thống trở thành biểu tượng văn hóa, tâm linh như: Lễ hội Đền Hùng, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ... Nhiều lễ hội giàu giá trị nhân văn đã được tổ chức hằng năm, quy tụ những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, tiêu biểu của các vùng, miền trong cả nước, kết hợp được nội dung giáo dục truyền thống với sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương là trách nhiệm của thế hệ ngày nay để muôn đời sau hiểu và luôn hướng về cội nguồn dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống và củng cố khối đại đoàn kết, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN
Nguồn: Báo uân đội nhân dân Online.