ín ngưỡng thờ Quốc Tổ Hùng Vương trên đất nước ta có mối quan hệ mật thiết với truyền thuyết về thời đại Hùng Vương, phải nói rằng tín ngưỡng thờ Quốc Tổ ở Việt Nam có cơ sở nguồn gốc từ truyền thuyết về thời đại Hùng Vương. Phải có truyền thuyết với những nhân vật, địa danh lịch sử cụ thể về thời đại Hùng Vương thì mới có nghi lễ, niềm tin thiêng liêng về ngày giỗ Tổ, mới có những hoạt động lễ hội làm sống lại và tưởng nhớ các vua Hùng dựng nước.
Ngược lại, tín ngưỡng thờ Quốc Tổ chính là nơi lưu giữ lâu dài, làm cho mã văn hóa trong truyền thuyết về thời đại Hùng Vương được lí giải gần với hiện thực của lịch sử và được lịch sử hóa. Tín ngưỡng thờ vua Hùng Vương - thờ Quốc Tổ của Việt Nam đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Từ truyền thuyết về thời đại Hùng Vương đến tín ngưỡng thờ Quốc Tổ Hùng Vương là một quá trình phát triển lâu dài và liên tục trong tâm thức nhân dân ta. Vì vậy, việc lồng ghép tín ngưỡng thờ Quốc Tổ Hùng Vương vào các môn học trong nhà trường phổ thong là việc làm vô cùng cần thiết.
1. Khái quát chung về truyền thuyết thời Hùng Vương
Trước khi những bộ sách về lịch sử của dân tộc được biên soạn về thời đại các vua Hùng trên đất nước ta thì trong dân gian đã lưu truyền những huyền thoại, những truyền thuyết về thuở khai thiên lập địa; thuở dựng nước thời Hùng Vương. Trong đó có những truyền thuyết kể về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam gọi đó là truyền thuyết thời Hồng Bàng mang mầu sắc huyền thoại nhưng có lõi lịch sử nhất định. Thời Hồng Bàng được gắn với nhiều truyền thuyết được truyền miệng qua nhiều thế hệ, các truyền thuyết giải thích cho việc hình thành nhà nước đầu tiên ở nước ta nói đến tổ tiên người Việt là các Vua Hùng đồng thời nói đến nhiều khía cạnh đời sống văn hóa và chính trị ở Việt Nam thời kỳ này. Đó là những truyền thuyết quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam. Sách “Lĩnh Nam chích quái” của Trần Thế Pháp thế kỷ XIII ghi chép về những chuyện cổ tích và truyền thuyết của nước ta. Ở đó những truyện “Họ Hồng Bàng”.
Truyền thuyết Kinh Dương Vương họ Hồng Bàng - Lạc Long Quân: Truyền thuyết nói rằng thủy tổ dân tộc Việt Nam là Kinh Dương Vương, hiện còn có mộ tại làng An Lữ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Kinh Dương Vương làm Vua vào khoảng năm Nhâm Tuất (hơn 2000 năm trước Công nguyên). Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Long là vua hồ Động Đình sinh một con trai đặt tên là Sùng Lãm, sau nối ngôi vua cha niên hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh ra một bọc một trăm trứng, nở ra một trăm người con trai là tổ tiên của người Bách Việt. Lạc Long Quân phong cho con trưởng làm Hùng Vương nối ngôi. Hùng Vương lên ngôi Vua, đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc, Phú Thọ). Các đời vua sau đều gọi là Hùng Vương, có 18 đời vua Hùng Vương.
Theo như vậy, họ Hồng Bàng, trị vì nước Văn Lang, với vương hiệu Hùng Vương, 18 đời, không phải (18 ông vua) mà là 18 chi, mỗi chi có nhiều đời vua. Điều này giải thích hợp lý sự tồn tại gần 3000 năm của thời đại Hùng Vương.
Thời Hùng Vương còn gắn với nhiều truyền thuyết khác như: Truyền thuyết Bánh chưng bánh giầyy với mã văn hóa có thể hiểu là: về chính trị, các vua Hùng đã có thể công khai tổ chức các cuộc thi để tìm người kế vị; về nông nghiệp, người Việt thời này đã phát triển trồng lúa nước (có thể bao gồm cả lúa nếp) và chăn nuôi (có thể bao gồm lợn/heo...), về triết học, bánh chưng và bánh giầy có thể tượng trưng cho quan niệm vũ trụ gồm có mặt đất hình vuông màu xanh lá cây và bầu trời hình tròn màu trắng.
Truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh thể hiện phần nào thiên tai chủ yếu mà người Việt cổ phải chống chọi có thể là thuỷ tai. Nó cũng cho thấy các sức mạnh thiên nhiên, hay những nhân vật quan trọng giúp người dân chống chọi với thiên nhiên được thần tượng hoá (Sơn Tinh). Các vị thần này vẫn có thể có quan hệ hôn nhân với các công chúa của vua Hùng, vốn là những người bình thường. Thông lệ cống nạp sản vật quý hiếm như là một thước đo cho giá trị đã thịnh hành vào thời các vua Hùng, theo lời kể của truyền thuyết này.
Truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương miêu tả một cuộc xâm lấn của giặc Thương Ân vào thời Hùng Vương thứ 6, truyền thuyết Mai An Tiêm miêu tả sự khai phá vùng đất phía nam (Thanh Hoá) với giống hoa quả mới (dưa hấu), sự tích Trầu Cau giải thích về phong tục ăn trầu của người Việt Nam ...
Tập hợp những truyền thuyết đó có thể được xem như một bộ sử dân gian vừa đượm màu sắc huyền thoại, vừa chứa đựng những cốt lõi lịch sử trong ký ức hồi cố và truyền khẩu qua nhiều thế hệ. Từ lõi lịch sử của truyền thuyết về thời đại Hùng Vương đến tâm thức và đến tín ngưỡng thờ vua Hùng Vương là quá trình phát triển liên tục trong cộng đồng người Việt qua bao thế hệ nối tiếp nhau.
2. Từ truyền thuyết đến tín ngưỡng thờ Quốc Tổ Hùng Vương trong dòng chảy lịch sử dân tộc
Truyền thuyết về thời đại Hùng Vương được lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế hệ đến thời nhà Trần ở Việt Nam (1225-1400). Trong bộ sách Việt sử lược - bộ sử xưa nhất của nước ta còn lại đến nay, được tác giả khuyết danh viết vào khoảng thế kỷ XIV, lưu giữ trong “Tứ khố toàn thư” của triều Mãn Thanh, Trung Quốc chép rằng: “Đến thời Trang Vương nhà Chu (696-681tr.CN), ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văng Lang, phong tục thuần hậu chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương” .
Trải qua hàng trăm năm, từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV từ ngữ danh xưng Hùng Vương đã được tích tụ dần trở thành chính thống. Bằng việc soạn dựng “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng” năm 1470 triều đại Hậu Lê đã khẳng định vị trí độc tôn dựng nước, sinh dân thuộc về các Vua Hùng. Đại Việt sử ký toàn thư của nhà sử học Ngô Sĩ Liên, xuất hiện năm 1479 dưới đời vua Lê Thánh Tông, chính là bộ sử đầu tiên đưa truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân, rồi Hùng Vương vào sử sách nước Việt.
Dưới thời kỳ phong kiến một số nhà sử học đã đưa thời đại Hùng Vương vào các công trình sử học và xem đó như một phần lịch sử của dân tộc, chẳng hạn như cuốn Việt Sử lược thời Trần, Dư Địa chí ở thời Lê. Đặc biệt nhà sử học Ngô Sĩ Liên khi biên soạn công trình đồ sộ Đại Việt sử ký toàn thư đã đưa thời Hùng Vương thành một phần quan trọng trong tác phẩm này. Các sách: Khâm định Việt sử thông giám cương mục (năm 1840); Việt Nam sử học (1919); Việt Nam văn hóa sử cương (năm 1938); Thần linh Đất Việt (2002); Truyền thuyết Hùng Vương (1971-2003)... đều ghi chép lại việc bà Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở thành một trăm người con trai, hình thành nên hai tiếng “đồng bào”. Nhiều thế kỷ nay với người Việt Nam, “đồng bào” đã trở thành bình diện của ý thức dân tộc, niềm tự hào dân tộc; điểm hội tụ của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Điểm hội tụ ấy đã trở thành động lực tinh thần của dân tộc Việt Nam.
Bản Ngọc phả Đền Hùng viết sớm nhất vào năm Thiên phúc nguyên niên (980) đời vua Lê Đại Hành, cho thấy cách nay hơn nghìn năm, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã quan tâm tới cội nguồn dân tộc. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “… Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi....
Theo nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên, có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm giỗ Tổ ngày 11 tháng 3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu miễn đi phu đi lính. Làng Hy Cương làm giỗ Tổ theo cách cầu tiệc như phong tục chung. Ngày 11 tháng 3 họ rước long báu trên Đền Thượng xuống đình làng để tế. Tế xong lại rước trả. Còn dân chúng xa gần nhớ ngày giỗ Tổ thì về Đền lễ bái, tụ hội đông đúc, tự đem đến các trò chơi, hàng hoá mua bán chủ yếu là đồ ăn uống, cũng có thể gọi là lễ hội, tương truyền khá đông vui. Sắc chỉ của vua Quang Trung năm 1789 vẫn nói duy trì lệ cũ.
Đến nhà Nguyễn, việc quản lý Đền Hùng có sự thay đổi lớn. Triều đình trực tiếp đứng ra tôn tạo các đền đài lăng tẩm chùa chiền. Nhà vua giao Tuần phủ Phú Thọ tổ chức tế ngày giỗ Tổ với sự chỉ đạo của Bộ Lễ, làm trước dân 1 ngày, tức là tế vào ngày mồng 10 tháng 3, để hôm sau dân sở tại tế lễ theo ngày giỗ cũ. Chủ tế là Tuần phủ Phú Thọ. Bồi tế, thông đạo tán, chấp sự là quan lại tỉnh Phú Thọ và huyện Lâm Thao. Định lệ 5 năm làm một hội lớn hay hội chính, lấy năm chẵn 5 như 1920, 1925.
Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới của dân tộc ta. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức "uống nước nhớ nguồn" nên giỗ Tổ Hùng Vương 1946 - sau khi Chính phủ mới được thành lập - là một sự kiện hết sức đặc biệt, đáng ghi nhớ. Năm ấy, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước, đã thay mặt Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng. Cụ mặc áo the, khăn xếp, khấn vái theo lễ tục cổ truyền. Cụ còn trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là hai vật báu nói lên ý chí của Chính phủ và nhân dân ta trước họa xâm lăng đang đe dọa trở lại. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do chiến tranh ác liệt nên việc đèn hương nơi mộ Tổ do nhân dân vùng quanh Đền Hùng đảm nhiệm.
Từ năm 1947 đến 1954 không làm được giỗ, nhưng nhân dân địa phương vẫn cúng bái đơn lẻ. Năm 1956 làm lễ hội lớn, do Bộ Văn hoá tổ chức, có rước kiệu. Sau đó thôi không rước nữa. Từ năm 1957 về sau, nhất là những năm đánh Mỹ, Lễ hội vẫn đông, nhưng rất đơn giản. Nghi thức là đoàn đại biểu quân, dân, chính của tỉnh và huyện xã sở tại dâng một bó hoa lên Đền Thượng, đi đầu là đoàn thiếu nhi xã Hy Cương.
Từ năm 1990, lễ hội có cải tiến nhiều so với trước. Về lễ có các vị ở Trung ương về dâng hương hoa hoặc làm đồng chủ lễ với Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phú (sau là Phú Thọ)...
Ngày nay, lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn được tổ chức theo truyền thống văn hóa của dân tộc. Vào những năm chẵn 0: Nhà nước đứng ra tổ chức, năm lẻ 5: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Các năm khác do địa phương tổ chức. Trong phần lễ, nghi thức dâng hương của các đoàn đại biểu được tiến hành long trọng tại đền Thượng. Phần hội vẫn diễn ra tưng bừng, náo nhiệt quanh chân núi Hùng. Các hình thức văn hóa truyền thống và hiện đại được tổ chức đan xen nhau, nổi bật là những trò chơi văn hóa dân gian, tổ chức đánh trống đồng, đâm đuống.
Lễ hội truyền thống vùng đất Tổ Hùng Vương ngày nay vẫn mang nét chung của hội làng vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời nổi bật với những sắc thái văn hóa riêng vùng đất Phong Châu với các tục cổ đặc thù. Lễ hội truyền thống vùng đất Tổ còn được phân loại thành: lễ hội tiền nông nghiệp (săn bắt, bắt cá…), lễ hội nông nghiệp (cầu mùa, cầu mưa, các phong tục: tục rước mạ, trò đúc tượng, khấn vía lúa, tục gọi gạo…), lễ hội thờ các anh hùng (tín ngưỡng thành hoàng, anh hùng lịch sử, anh hùng văn hóa. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có trên 1.400 di tích thờ cúng liên quan đến các Vua Hùng và các tướng lĩnh thời Hùng Vương. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc đã có trên 600 nơi thờ.
Do đó, tín ngưỡng và lễ hội Đền Hùng vừa có sự tập trung, vừa có sức lan tỏa. Nói như GS.TS Ngô Đức Thịnh: “Không đâu có thể tạo được hình tượng Quốc tổ trong lòng dân tộc như ở Việt Nam. Hình thức thờ Quốc tổ của Việt Nam là hình thức phóng đại của thờ cúng tổ tiên vì người Việt coi dân tộc như một gia đình, có cha có mẹ, có “tháng 8 giỗ cha tháng 3 giỗ mẹ”. Nói đến giá trị văn hóa tâm linh thì đây là ý thức hướng về cội nguồn, cộng đồng, đặc biệt là sự kết nối cộng đồng. Quốc gia phải có nơi quy tụ mà sự quy tụ này rất ăn khớp với tâm thức của người Việt là hướng về cội nguồn, cộng đồng, tổ tiên của mình. Hình thức này đến nay ngày càng được vun đắp, vì người ta nhìn thấy ở đó sức mạnh đại đoàn kết, sức mạnh quy tụ dân tộc… Do đó, lễ giỗ Quốc tổ là một sự sáng tạo, một nghi thức hết sức độc đáo của Việt Nam. Có thể ở các nước cũng có hình thức tương tự nhưng chỉ là tín ngưỡng thờ cúng, còn lễ hội hằng năm thì chỉ Việt Nam mới có”.
Trong vài chục năm gần đây, với những phát hiện về văn hoá Đông Sơn, các nhà khoa học có thể dựng nên bức tranh toàn thể về thời đại Hùng Vương dựa vào chứng cớ vật chất khai quật được trong lòng đất. Chính văn hoá Đông Sơn là nền tảng cho thời này, khi mà niên đại của nó cũng khá trùng hợp với những gì mà truyền thuyết và sử sách chép lại về thời Hùng Vương, tức vào khoảng thế kỷ 7 trước Công nguyên. Những thành tựu nghiên cứu về thời đại Hùng Vương đã góp phần chứng minh một sự thật lịch sử rằng mọi người dân sinh sống trên mảnh đất Việt Nam đều có chung một nguồn cội, chứng minh người Việt Nam đều là dòng giống con Lạc cháu Hồng. Dòng máu Lạc Hồng luôn chảy trong huyết quản của mỗi người dân đất Việt. Đó là cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp gắn kết toàn dân tộc thành một khối thống nhất, đoàn kết thương yêu để đưa đất nước vượt qua muôn vàn thử thách. Và ngày giỗ Tổ hằng năm đã trở thành một ngày hội lớn của người dân Việt Nam.
3. Mối quan hệ giữa truyền thuyết thời Hùng Vương và tín ngưỡng thờ Quốc Tổ
Từ truyền thuyết về thời Hùng Vương, người Việt đã dựng lên cho ông Tổ của mình một lý lịch hoàn chỉnh, có cả ngày mất (kỵ).
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba.
Tín ngưỡng và đức tin tâm linh vào ngày giỗ Tổ của người Việt bắt nguồn từ truyền thuyết thời Hùng Vương. Từ đó mà hình thành hệ thống tín ngưỡng thờ Quốc Tổ với niềm tôn kính thiêng liêng, trong tín ngưỡng này đạo lý là nội dung nổi trội. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Một mặt con cháu bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên đã có công dựng nước. Mặt khác, thể hiện trách nhiệm liên tục và lâu dài của con cháu đối ơn đức của của tổ tiên, ơn đức các vua Hùng. Trách nhiệm của mỗi người Việt Nam được biểu hiện không chỉ trong các hành vi sống (giữ gìn danh dự và tiếp tục truyền thống của gia đình, dòng họ, đất nước) mà còn ở trong các hành vi cúng tế cụ thể. Cây có gốc. Nước có nguồn. Chim tìm tổ. Người tìm tông. Ngày 10/3 hàng năm cả nước hướng về vùng Đất Tổ, người người trẩy hội Đền Hùng. Lễ hội đền Hùng đã trở thành ngày hội chung của toàn dân.
Sở dĩ niềm tin vào Quốc Tổ Hùng Vương có sức sống lâu bền trong lòng dân tộc Việt Nam, một phần do có những câu chuyện truyền thuyết về thời các vua Hùng được sáng tác và truyền lưu rộng rãi đã phủ lên các vua Hùng Vương vầng hào quang huyền thoại linh thiêng. Truyền thuyết thời các vua Hùng dựng nước làm xương cốt, bệ đứng, chỗ dựa cho niềm tin vào Quốc Tổ, còn niềm tin cùng những hành động nghi lễ, lễ hội tưởng niệm làm sống động, phong phú hơn nội dung truyền thuyết về Quốc Tổ Hùng Vương. Mối quan hệ đó giữa tín ngưỡng thờ Quốc Tổ và truyền thuyết lịch sử về thời đại Hùng Vương song song tồn tại, hòa quyện chặt chẽ, thẩm thấu qua nhau trong sinh hoạt cộng đồng người Việt Nam như một chỉnh thể không thể tách rời.
Tín ngưỡng tôn sùng tổ tiên được thể hiện qua phong tục thờ cúng Quốc Tổ (Lạc Long Quân - Âu Cơ, Hùng Vương) các nghi lễ thờ cúng biểu hiện lòng biết ơn tôn kính tổ tiên thì một số vật cúng chính là các mã văn hóa thể hiện thái độ tín ngưỡng đó: “Vì mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trứng trăm con nên trong ngày hội tưởng nhớ Cha Rồng – Mẹ Âu ở Bình Đà, Hà Tây (cũ) dân làng có tục hèm làm bánh trôi rồi bí mật mang thả một số bánh nhất định xuống giếng làng vào đêm trước hội...”. Vì vậy không nên hiểu hội lễ là và chỉ là để mua vui, giải trí như lâu nay một số người vẫn hiểu. Bởi tất cả những hành động hội truyền thống đều mang tính quan niệm và thể hiện niềm tín ngưỡng. Người ta thường cúng và thả bánh trôi trong các nghi lễ và hội lễ Lạc Long Quân - Âu Cơ. Bánh trôi là một mã tín ngưỡng hồi cố sự kiện Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, rồi từ trứng nở thành trăm con, cũng thể hiện thái độ tôn sùng sự sinh sản và đề cao con người”.
Người Việt luôn tôn thờ công đức của cha ông, tộc họ, những người đã khuất cùng huyết thống, đồng thời tôn thờ tất cả những người có công với nước, với xóm làng, những anh hùng dân tộc, anh hùng văn hóa. Trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, với người Việt Nam tự bao đời nay ngày giỗ Tổ Hùng vương luôn được coi trọng, đó là sự tưởng nhớ, là sự trở về với cội nguồn của dân tộc.
Trong tâm thức của nhân dân ta từ bao đời nay Vua Hùng là vị Vua Thủy Tổ dựng nước, là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của Tổ tiên là một hành vi văn hóa, ý thức đạo đức và bổn phận của mỗi người. Dân tôn thờ Vua là Thánh: Thánh Tổ Hùng Vương. Dựa vào uy linh của Thánh, ý thức cộng đồng đã được hình thành và phát triển, từ trong gia đình đến gia tộc, hàng xóm láng giềng rồi mở rộng ra cả nước theo quan hệ huyết thống: Dòng máu Lạc Hồng, con cháu Lạc Hồng. Người Việt Nam luôn sống với nhau có nghĩa có tình, có thủy có chung, có trên có dưới, có xóm có làng, có sau có trước, có nước có nhà, có tổ có tông... Sống có văn hóa – văn hóa cộng đồng. Trong sâu thẳm tâm hồn người Việt Nam ai cũng luôn quan niệm rằng: Chúng ta là người được sinh ra cùng một bọc theo truyền thuyết Kinh Dương Vương họ Hồng Bàng - Lạc Long Quân (đồng bào) là con cháu Lạc Hồng – dân cả nước đều là anh em một nhà. “Con người có Tổ có tông; Như cây có cội, như sông có nguồn” là phần quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.
4. Kết luận
Tìm hiểu về mối quan hệ giữa truyền thuyết và tín ngưỡng thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở Việt Nam, chúng tôi có thể rút ra một vài luận điểm mang tính kết luận về tín ngưỡng thờ Quốc Tổ của người Việt.
Thứ nhất, trong tâm thức của người Việt từ ngàn đời nay, niềm tin vào Quốc Tổ Hùng Vương luôn được đan xen hòa quyện với những yếu tố linh thiêng, huyền ảo từ truyền thuyết về thời đại Hùng Vương. Điều này tạo nên lòng tin, đức tin thiêng liêng trong tín ngưỡng thờ Quốc Tổ - thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam. Vua Hùng từ truyền thuyết đến tín ngưỡng đã trở thành niềm tin thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trường tồn cùng lịch sử, trong tâm thức của người Việt.
Thứ hai, có thể nói ngày giỗ tổ Hùng Vương là sự phát triển cao có tính chất trìu tượng hóa ý thức về cội nguồn, bắt rễ sâu xa từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia đình và gia tộc, ở làng xã, Triết lý cội nguồn trên phạm vi quốc gia ấy cũng đã đóng góp một phần quan trọng trong việc củng cố về mặt lý luận cho sự liên kết các quan hệ máu mủ thân tộc. Nhà và nước, nước và nhà, nước mất thì nhà tan, nước giàu thì dân mạnh. Chính vì thế tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam từ gia đình, dòng họ đến Tổ quốc đã không ngừng được giữ gìn bảo tồn qua các bước thăng trầm của lịch sử, bất chấp mọi mưu đồ, xâm lược đồng hóa của giặc ngoại xâm.
Thứ ba, tín ngưỡng thờ cúng thờ Quốc Tổ của người Việt Nam trong quá trình hình thành, tồn tại của nó đã góp phần tạo ra những giá trị đạo đức truyền thống tính cộng đồng, tính, lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Vì thế, tín ngưỡng thờ Quốc Tổ như đã khái quát trên có thể nói là vĩnh hằng cùng với sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Hiếu với tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ còn được nâng lên cao hơn, đẹp hơn, đó là "hiếu với dân, với nước". Trong đời sống xã hội hiện đại. Tín ngưỡng thờ Quốc Tổ có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của mỗi người Việt Nam, nó là một trong những nhân tố góp phần quan trọng để bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên – thờ Quốc Tổ là một tập tục mang đậm nét văn hoá thiêng liêng của người Việt.
PGS.TS. Cao Văn - ThS. Bùi Huy Toàn
(Trường Đại học Hùng Vương)