1. Khái niệm, đặc điểm nghĩa vụ tài sản của vợ, chồng
1.1. Về khái niệm
Theo nghĩa rộng, nghĩa vụ tài sản của vợ, chồng là việc mà theo quy định của pháp luật thì một bên hoặc cả hai bên vợ, chồng (người có nghĩa vụ) phải làm hoặc không được làm công việc vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (người có quyền). Theo nghĩa hẹp, nghĩa vụ tài sản của vợ, chồng là việc vợ, chồng phải dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để thực hiện bổn phận của mình (chi trả các khoản nợ) cho người có quyền trong những trường hợp do pháp luật quy định.
Tùy thuộc vào chế độ tài sản mà vợ, chồng áp dụng, căn cứ xác định nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng có sự khác biệt. Đối với chế độ tài sản pháp định, luật đã quy định các vấn đề liên quan đến chế độ tài sản này như thành phần tài sản chung, tài sản riêng, quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với từng loại tài sản cũng như nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng. Do đó, để xác định nghĩa vụ về tài sản của vợ, chồng trong trường hợp này là trên cơ sở quy định của pháp luật. Bên cạnh chế độ tài sản theo luật định, còn tồn tại chế độ tài sản của vợ, chồng theo thỏa thuận. Đối với loại chế độ tài sản này, pháp luật dành quyền tự chủ cho các cặp vợ, chồng trong việc xác định tài sản thuộc sở hữu chung hay riêng và các vấn đề có liên quan như quyền, nghĩa vụ của mỗi bên đối với tài sản, nghĩa vụ tài sản… Vì vậy, đối với các cặp vợ, chồng áp dụng chế độ tài sản ước định, nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng về tài sản được xác định dựa vào sự thỏa thuận của hai bên thể hiện trong văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ, chồng. Chỉ trong trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận về nghĩa vụ tài sản hoặc thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng dẫn đến không thực hiện được trên thực tế thì khi đó nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng về tài sản lại được thực hiện theo các quy định tương ứng trong chế độ tài sản theo luật định.
1.2. Về đặc điểm
- Chủ thể của quan hệ nghĩa vụ về tài sản của vợ, chồng phải là vợ, chồng, nghĩa là giữa các bên phải tồn tại một quan hệ hôn nhân hợp pháp, là vợ, chồng của nhau trước pháp luật.
Pháp luật hôn nhân và gia đình nước ta từ trước đến nay đều xác định đăng ký kết hôn là nghi thức duy nhất làm phát sinh quan hệ vợ, chồng (Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959; Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986; Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Nam và nữ muốn xác lập quan hệ hôn nhân hợp pháp, được pháp luật công nhận tư cách là vợ, chồng của nhau thì bên cạnh việc phải đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn luật định, còn phải tiến hành đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ, nếu nam nữ chung sống với nhau trước ngày 03/01/1987 không đăng ký kết hôn thì họ có thể vẫn được thừa nhận là vợ, chồng[1].
Chỉ khi được pháp luật thừa nhận là vợ, chồng, giữa hai bên mới phát sinh các quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng, bao gồm các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và các quyền, nghĩa vụ về tài sản. Quan hệ hôn nhân hợp pháp là cơ sở để xác định chế độ tài sản giữa vợ, chồng nói chung, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ và chồng nói riêng.
- Nghĩa vụ tài sản của vợ, chồng phát sinh và chấm dứt phụ thuộc vào thời kỳ hôn nhân.
Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ, chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân[2]. Thời điểm bắt đầu của thời kỳ hôn nhân được tính từ khi hai bên nam nữ đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp giấy chứng nhận kết hôn hoặc kể từ ngày hai bên bắt đầu chung sống (trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ, chồng từ trước ngày 03/1/1987 mà chưa đăng ký kết hôn) đến khi quan hệ hôn nhân chấm dứt (khi một bên vợ, chồng chết; một bên vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố chết hoặc ly hôn).
Thời kỳ hôn nhân là yếu tố quan trọng để xác định nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng. Theo đó, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm bắt đầu thời kỳ hôn nhân hoặc sau khi hôn nhân chấm dứt được xác định là nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng. Còn trong thời kỳ hôn nhân, nếu phát sinh nghĩa vụ về tài sản thì đó có thể là nghĩa vụ chung hoặc là nghĩa vụ riêng của mỗi bên.
- Nghĩa vụ tài sản của vợ, chồng xác định trách nhiệm trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các chủ thể.
Đồng thời với việc dự liệu những nghĩa vụ nào là nghĩa vụ chung, nghĩa vụ nào là nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng thì nghĩa vụ tài sản của vợ, chồng còn xác định phương thức thực hiện nghĩa vụ của các chủ thể. Đối với nghĩa vụ chung, cả hai vợ, chồng cùng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với người có quyền, do đó tùy thuộc vào giao dịch vợ, chồng tham gia mà sẽ có cách thức thực hiện nghĩa vụ tương ứng, có thể là nghĩa vụ chuyển giao vật, chuyển giao quyền hoặc giấy tờ có giá. Đối với nghĩa vụ trả tiền thì khối tài sản chung của vợ, chồng sẽ được sử dụng để thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ liên đới giữa vợ, chồng thì người có quyền có thể yêu cầu cả hai vợ, chồng hoặc một bên vợ, chồng thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
Ngược lại, nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng về nguyên tắc chỉ do một bên vợ hoặc chồng thực hiện. Nếu đó là nghĩa vụ phải trả một khoản tiền thì tài sản riêng được sử dụng để chi trả khoản nợ này, bên cạnh đó người có quyền chỉ có thể yêu cầu một bên vợ, chồng (người có nghĩa vụ) thực hiện.
2. Nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng
2.1. Nghĩa vụ chung
Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng được hiểu là việc vợ, chồng phải cùng nhau chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá cho người có quyền hay nói cách khác, cả hai vợ, chồng phải cùng chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ về tài sản đối với bên có quyền. Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định giữa vợ, chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau:
- Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ, chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ, chồng cùng phải chịu trách nhiệm.
- Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình.
- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật Dân sự thì cha mẹ phải bồi thường.
- Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
2.2. Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng
Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng là việc một bên vợ, chồng tự mình thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với người có quyền. Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:
- Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn.
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
- Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình.
- Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.
3. Những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng
Thứ nhất, cần có hướng dẫn về việc xác định nghĩa vụ tài sản phát sinh trong trường hợp phán quyết ly hôn của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật mà hai bên không sống chung, ly thân
Khi một hoặc cả hai bên vợ, chồng có đơn yêu cầu xin ly hôn, Tòa án sẽ thụ lý và giải quyết bằng một quá trình tố tụng cho đến khi có bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật nhằm chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa họ. Nhưng theo pháp luật tố tụng dân sự thì bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên mà phải có một thời hạn nhất định để có thể kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Nếu trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà vợ, chồng không sống chung với nhau và phát sinh nghĩa vụ tài sản thì xác định như thế nào? Tòa án sẽ xác định tiếp nghĩa vụ trả các khoản nợ đó hay do vợ, chồng tự thỏa thuận với nhau? Để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các cặp vợ, chồng, đồng thời, giúp cho quá trình giải quyết vụ việc được đơn giản và thống nhất, hệ thống văn bản pháp luật hôn nhân và gia đình của nước ta cần có thêm những hướng dẫn cụ thể về vấn đề này theo hướng đây là những nghĩa vụ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân. Mặc dù các bên không còn chung sống với nhau nhưng do bản án hoặc quyết định ly hôn của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật nên theo quy định tại khoản 1 Điều 57 thì đây là thời điểm quan hệ hôn nhân chưa chấm dứt, các bên vẫn tồn tại quan hệ vợ, chồng. Do vậy, cần dựa vào quy định tại Điều 37 và Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng như yêu cầu của vợ, chồng để giải quyết cho phù hợp.
Pháp luật hôn nhân và gia đình hiện nay chưa quy định về ly thân, tuy nhiên trên thực tế vì nhiều lý do khác nhau mà ly thân ngày càng được nhiều cặp vợ, chồng lựa chọn. Ly thân có thể hiểu là tình trạng vợ, chồng không sống chung với nhau và có thể họ thỏa thuận với nhau hoặc yêu cầu Tòa án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Bởi vì không quy định về ly thân cho nên dù các bên không sống chung với nhau hoặc kèm theo việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì khoảng thời gian các bên không sống chung với nhau vẫn được luật xác định là trong thời kỳ hôn nhân. Do vậy, nếu phát sinh nghĩa vụ tài sản thì tương tự như trường hợp trên, Tòa án dựa vào quy định tại Điều 37 và Điều 45 để xác định nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng.
Thứ hai, cần có quy định cụ thể về việc xác định nghĩa vụ của vợ, chồng đối với các nghĩa vụ tài sản phát sinh trong thời gian một bên vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố là đã chết mà trở về
Trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố là đã chết trở về thì quan hệ tài sản giữa họ và người chồng, người vợ còn sống đã được Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 dự liệu tại khoản 2 Điều 67. Tuy nhiên, quy định này chỉ giải quyết việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của các bên mà không xác định trách nhiệm của mỗi bên đối với nghĩa vụ tài sản phát sinh trong thời gian một bên vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố chết.
Đối với trường hợp này, nên quy định rõ những nghĩa vụ tài sản phát sinh từ các giao dịch mà vợ, chồng đã xác lập, thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu của gia đình và chăm sóc, giáo dục con cái, thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng đối với các thành viên gia đình là nghĩa vụ chung của vợ, chồng, cho dù quan hệ hôn nhân giữa họ có được khôi phục hay không, tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp giữa vợ, chồng với nhau và với người thứ ba. Cụ thể:
- Đối với con chung, ngay cả khi quan hệ hôn nhân giữa vợ, chồng không được phục hồi do đã có bản án ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật hoặc người còn sống đã kết hôn với người khác thì bên không trực tiếp nuôi con vẫn phải có trách nhiệm cùng trả khoản nợ mà bên trực tiếp nuôi con đã vay để nuôi con. Bởi lẽ, khi bên vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố là đã chết trở về, đã có quyết định hủy tuyên bố chết của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì mặc dù quan hệ hôn nhân của họ với người còn sống chấm dứt tuy nhiên quan hệ cha con, mẹ con không chấm dứt. Với tư cách là cha mẹ của con, khoản 1 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”. Hơn nữa, khoản vay để nuôi con là nghĩa vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của gia đình, do vậy làm phát sinh nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng.
- Đối với con riêng hoặc cha mẹ đẻ của người vợ, người chồng còn sống thì bên bị Tòa án tuyên bố chết cũng phải chịu trách nhiệm đối với những khoản nợ đã vay để chi phí nuôi dưỡng, cấp dưỡng trong thời điểm người đó bị Tòa án tuyên bố chết. Xuất phát từ quy định trong khoản 1 Điều 79 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 “Cha dượng, mẹ kế có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng của bên kia cùng sống chung với mình” và “trong trường hợp con dâu, con rể sống chung với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ thì giữa các bên có các quyền và nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau theo quy định tại các điều 69, 70, 71 và 72 của Luật này”[3] thì đây là nghĩa vụ với tư cách là cha dượng, mẹ kế đối với con riêng hoặc là con dâu, con rể đối với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ. Do đó, khi con riêng sống chung với cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng cùng sống chung với con rể, con dâu thì giữa họ phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc lẫn nhau.
Thứ ba, hiện nay trong thực tiễn có rất nhiều giao dịch do một bên vợ, chồng thực hiện, không phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, cũng không có thỏa thuận giữa vợ, chồng, không thuộc các trường hợp vợ, chồng đại diện cho nhau theo pháp luật hay ủy quyền nhưng khoản hoa lợi, lợi tức từ việc thực hiện giao dịch đó (như vay tiền kinh doanh bất động sản, hụi, họ….) lại phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình như mua nhà cho cả gia đình ở. Khi phát sinh nghĩa vụ phải trả nợ thì không thể xác định là trách nhiệm liên đới của vợ, chồng, người nào vay người đó phải trả. Người vợ hoặc người chồng còn lại cũng không đồng ý bán tài sản để lấy tiền cho chồng hoặc vợ của họ trả nợ. Trong trường hợp này thường phải thực hiện việc chia tài sản chung của vợ, chồng trước rồi mới có thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những chủ thể có liên quan. Vì vậy, trong những trường hợp một bên vợ hoặc chồng thực hiện giao dịch không phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, nhưng bên còn lại biết và hoa lợi, lợi tức từ giao dịch đó phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình thì cần xác định nghĩa vụ trả nợ là nghĩa vụ chung của vợ, chồng. Có thể coi đây là một trường hợp của nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình.
Thứ tư, về tài sản dùng để thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp hai vợ chồng thực hiện nghĩa vụ chung về tài sản, nếu vợ, chồng không có tài sản chung và một bên vợ, chồng không có tài sản riêng còn bên kia có tài sản riêng thì có phải dùng tài sản riêng để thực hiện nghĩa vụ hay không và trong trường hợp này có phát sinh nghĩa vụ hoàn trả giữa vợ, chồng hay không? Trước đây, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định “tài sản riêng của vợ, chồng cũng được sử dụng vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình trong trường hợp tài sản chung không đủ để đáp ứng” (khoản 4 Điều 33). Hiện nay, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định tương tự “Trong trường hợp vợ, chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên” (khoản 2 Điều 30). Do đó, cần có quy định cụ thể trong trường hợp này theo hướng bên vợ hoặc chồng có tài sản riêng thì phải dùng tài sản riêng để bồi thường và không làm phát sinh nghĩa vụ hoàn trả giữa vợ, chồng, bởi vì trong trường hợp này, nghĩa vụ chung của vợ, chồng trong việc bảo đảm quyền lợi của người thứ ba cũng được coi là cần thiết.
Thứ năm, xác định nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng. Luật Hôn nhân và gia đình cần bổ sung quy định “nghĩa vụ phát sinh khi vợ, chồng tạo ra tài sản cho gia đình” cũng là nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng. Trong Luật Hôn nhân và gia đình hiện nay mới chỉ quy định nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung là nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng mà bỏ qua nghĩa vụ phát sinh khi vợ, chồng xác lập, thực hiện các giao dịch để tạo ra tài sản chung của vợ, chồng, bởi vì, mục đích của các hoạt động trên đều nhằm tạo lập, phát triển khối tài sản chung của vợ, chồng, tạo dựng cơ sở kinh tế đáp ứng nhu cầu của các thành viên trong gia đình.
Thứ sáu, quy định thống nhất trong các văn bản luật về nghĩa vụ tài sản của vợ, chồng. Để bảo đảm hiệu quả điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình thì Luật Hôn nhân và gia đình phải được đặt trong mối liên hệ với các ngành luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Điều 6 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Các quy định của Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình trong trường hợp Luật này không quy định”. Do vậy, khoản 6 Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ rõ nếu trong quy định của các luật khác có liên quan quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng, thì đó sẽ là căn cứ pháp lý làm phát sinh nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng, theo đó, cả hai vợ, chồng cùng phải thực hiện nghĩa vụ hoặc phải dùng tài sản thuộc sở hữu chung để thanh toán cho người có quyền.
Mặc dù vậy, hiện nay chưa có luật nào quy định liên quan đến vấn đề này. Trong các văn bản luật có liên quan đến chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ, chồng như Luật Nhà ở, Luật Đất đai không quy định về quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ, chồng mà thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Các luật khác điều chỉnh việc sử dụng tài sản của vợ, chồng trong hoạt động sản xuất kinh doanh như Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán… đều xác định nghĩa vụ tài sản thuộc về cá nhân người thành lập, tham gia góp vốn vào các loại hình doanh nghiệp, người đầu tư chứng khoán mà không xác định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng. Việc xác định nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng không thống nhất giữa các văn bản luật đã gây khó khăn trong việc áp dụng cũng như không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của vợ, chồng. Do đó, để vừa bảo vệ quyền lợi của vợ, chồng, của gia đình, vừa bảo đảm sự ổn định của các giao dịch mà vợ, chồng tham gia cần quy định theo hướng áp dụng các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình để xác định nghĩa vụ tài sản của vợ, chồng.
Theo Tạp chí Dân chủ và pháp luật.gov.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp
ThS. NÔNG THỊ THOA (Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk)
[1]. Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.
[2]. Khoản 13 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[3]. Điều 80 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.