Đua ghe Ngo - lễ hội dân gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long, tổ chức định kỳ hai năm/lần tại tỉnh Sóc Trăng_Ảnh: phuhunglife.com

KHÔNG THỂ TÁCH RỜI VĂN HÓA VỚI NHỮNG MỤC TIÊU, KHÁT VỌNG CỦA CON NGƯỜI

Ở Đại hội XIII, trong chủ đề của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(1). Đây là một mục tiêu cao đẹp, thể hiện tập trung ý chí, khát vọng và bản lĩnh của con người Việt Nam, sẵn sàng vượt qua những khó khăn thử thách.

Văn hóa vốn là những giá trị vật chất và tinh thần được con người tích lũy trong cuộc sống hàng ngày và trao truyền lại cho thế hệ sau.

Do đó“Văn hóa chính là trình độ phát triển lịch sử của xã hội và của con người biểu hiện trong các kiểu, trong các cách thức tổ chức đời sống và hành động của con người, cũng như trong tổ hợp các giá trị vật chất, các giá trị tinh thần cùng các chuẩn mực hành vi do con người sáng tạo ra để điều chỉnh hành vi con người và được tích lũy lại, được làm phong phú thêm trong quá trình con người tương tác với thiên nhiên và trong quan hệ với nhau trong xã hội”(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa soi đường quốc dân đi” để khẳng định vị trí và vai trò của văn hóa trong đời sống con người cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Ông Federico Mayor - nguyên Tổng thư ký Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đã từng nhấn mạnh: Kinh nghiệm của hai thập niên qua cho thấy rằng trong mọi xã hội ngày nay, bất luận ở trình độ phát triển kinh tế nào hoặc theo xu hướng chính trị nào, văn hóa và phát triển là hai mặt gắn liền với nhau (...). Hễ nước nào tự đặt ra cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng cả về mặt kinh tế lẫn văn hóa và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều. Một sự phát triển chân chính đòi hỏi phải sử dụng một cách tối ưu nhân lực và vật lực của mỗi cộng đồng. Vì vậy phân tích đến cùng, các trọng tâm, các động lực và các mục đích của phát triển phải được tìm trong văn hóa (...).

Nhận định trên khẳng định một nguyên tắc quan trọng: phát huy sức mạnh văn hóa là cơ sở, là động lực để hiện thực hóa những khát vọng của con người. Do đó, không thể tách rời văn hóa với những mục tiêu, khát vọng của con người.

Gìn giữ nghề truyền thống_Ảnh: Tư liệu

Gìn giữ nghề truyền thống_Ảnh: Tư liệu

Nhận thức được điều đó, trong những năm gần đây, Đảng ta luôn đề cao vai trò của văn hóa và coi việc phát huy sức mạnh văn hóa là điều kiện, tiền đề để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Phát huy giá trị văn hoá Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng ta đề ra trong các văn kiện, nghị quyết thời gian gần đây. Trong bối cảnh toàn cầu hóahội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc phát huy sức mạnh văn hóa càng trở nên quan trọng hơn lúc nào hết bởi lẽ thực tiễn cho thấy, nếu quốc gia nào không giữ được bản sắc văn hóa thì không những bị hoà tan trong thế giới rộng lớn mà còn có nguy cơ mất nước vì “mất văn hoá là mất tất cả”.

Từ nay trở đi văn hóa cần coi mình là một nguồn bổ sung trực tiếp cho phát triển và ngược lại phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội...”(3).

Nhận thức được vai trò của việc phát huy sức mạnh văn hóa trong việc hiện thức hóa khát vọng phát triển, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng ta rút ra bài học kinh nghiệm rất quan trọng. Đó là: “Phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển và sức mạnh của nhân dân. Thực tế qua thời gian phòng, chống đại dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả thiên tai, muốn thành công phải khơi dậy được tinh thần đoàn kết, nhân ái của nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, cùng chung tay hành động, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân, an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân và các giá trị văn hoá dân tộc”(4). Đây là bài học kinh nghiệm rất quý giá được rút ra từ quá trình tổng kết thực tiễn phát triển đất nước thời gian qua, nhất là trong giai đoạn phòng chống Covid-19.

Do đó, tại Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định một trong những đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2030 là: “Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hoá phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật”(5).

CƠ SỞ, ĐỘNG LỰC ĐỂ TỪNG BƯỚC HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

 ý kiến cho rằng: “Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Vǎn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”(6)Do đó, văn hóa Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.

Trước hết, phát huy giá trị văn hóa là cơ sở để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước của con người Việt Nam. Vì sức mạnh văn hóa bao gồm cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam được tích lũy qua hàng ngàn năm lịch sử nên khi giá trị văn hóa được phát huy, con người Việt Nam sẽ được gia tăng thêm năng lực, phẩm chất để vượt qua những khó khăn, thử thách; vươn đến những mục tiêu lớn hơn, khát vọng cao đẹp hơn.

Ở góc độ kinh tế, giá trị văn hoá chính là nguồn lực cho sự phát triển của mỗi quốc gia bởi văn hoá chính là “sức mạnh mềm” của một dân tộc. Văn hoá giúp quảng bá hình ảnh đất nước, tạo ra sự hấp dẫn cho không chỉ các sản phẩm và dịch vụ văn hoá, mà còn cho cả các dịch vụ kinh tế - xã hội khác. Chính vì lý do đó, nhiều nước trên thế giới coi văn hoá, công nghiệp văn hoá là một bộ phận của nền kinh tế. Những bài học của các nước như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... trong việc quảng bá các sản phẩm văn hóa để mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước, đồng thời đưa các giá trị văn hoá dân tộc của họ lan toả khắp thế giới chính là những kinh nghiệm quý có giá trị tham chiếu cho Việt Nam. Do đó, giá trị văn hóa được coi là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hiện thực hóa khát vọng đất nước nói riêng.

Ở Việt Nam, điều này đã được thể hiện rất rõ trong lịch sử dân tộc. Trong những thời điểm cam go nhất, khi giá trị văn hóa dân tộc được phát huy như truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái... con người Việt Nam đã vượt qua được giới hạn của bản thân, định kiến của xã hội để thực hiện khát vọng phát triển. Sự chuyển mình từ thời kỳ bao cấp sang thời kỳ đổi mới đã cho thấy rất rõ điều đó. So với những khó khăn của thời kỳ trước đổi mới với giai đoạn hiện nay - khi mà cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được khẳng định; khát vọng của con người Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi. Trước đây, nếu như chỉ mong muốn có cuộc sống ấm no, từng bước thoát khỏi khủng hoảng, trì trệ thì ngày nay, nhân dân Việt Nam lại mang trong mình khát vọng về một cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Rõ ràng là, việc phát huy giá trị văn hóa chính là cơ sở để con người Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển đất nước.

Ngoài ra, phát huy giá trị văn hóa còn là động lực để hiện thực khát vọng phát triển đất nước. Vì con người không chỉ là chủ thể sáng tạo ra văn hóa mà còn là đối tượng thụ hưởng các giá trị văn hóa nên khi giá trị văn hóa được phát huy, con người sẽ được nhân lên sức mạnh của chính mình, nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của bản thân. Có thể nói, phát huy giá trị văn hóa là cách thức khơi dậy những mặt tích cực của con người, làm cho mỗi người phát huy được ưu điểm, thế mạnh của bản thân, từ đó có thêm nhiều điều kiện để thực hiện được khát vọng phát triển của bản thân nói riêng và khát vọng phát triển đất nước nói chung.

Sở dĩ phát huy sức mạnh văn hóa trở thành vấn đề được đặc biệt chú trọng trong giai đoạn hiện nay vì trước những thời điểm có tính bước ngoặt trong tiến trình phát triển của dân tộctruyền thống văn hóa lại trở thành cơ sở và động lực để con người Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thời gian qua, mặc dù Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do số người mắc bệnh ngày càng tăng lên, cơ sở vật chất, thuốc men còn nhiều hạn chế nhưng giá trị văn hóa Việt Nam đã được tỏa sang hơn bao giờ hết. Đó là truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đặc biệt là trách nhiệm xã hội của đội ngũ y bác sĩ, công an, quân đội… Đó chính là cơ sở, động lực để Việt Nam từng bước vượt qua những giai đoạn cam go, số người mắc bệnh và tử vong do dịch bệnh đã từng bước giảm, nhiều địa phương đã dần trở lại cuộc sống bình thường mới với phương châm “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Với mức tăng trưởng 2.91% trong năm 2020, Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát toàn cầu. Đó là cơ sở hiện thực để Đảng ta tiếp tục đưa ra những mục tiêu phát triển đất nước trong những năm tiếp theo như “đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Khi mục tiêu này được đưa ra, có nhiều thế lực phản động, cơ hội chính trị đã lên tiếng phủ nhận, bác bỏ vì cho rằng đó là “sự viển vông”, “không có căn cứ trong hiện thực”. Nhất là trong bối cảnh bùng phát dịch lần thứ 4 với nhiều diễn biến phức tạp ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội của các thế lực phản động và cơ hội chính trị lại rêu rao rằng “mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra là quá xa vời”(7).

Theo một cách hiểu chung nhất, “khát vọng là một trạng thái tinh thần, phản ánh sự ước ao, mong muốn, đòi hỏi với một sự thôi thúc mạnh mẽ”(8).
Khát vọng phát triển của một dân tộc là 
sự cộng hưởng những khát vọng vươn lên của cộng đồng, của con người cùng quốc gia - dân tộc, tạo thành nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sống động và sức mạnh vô song. Đó chính là động lực trung tâm của một quốc gia - dân tộc trên con đường đi tới tương lai”(9). Nói đến khát vọng là nói đến yếu tố tinh thần, là sự mong muốn, khao khát, quyết tâm tập trung sức lực, trí tuệ để đạt cho được mục tiêu đã đề ra; là nguồn động lực có sức mạnh to lớn để thực hiện những nhiệm vụ nặng nề nhằm đạt được ước mơ, không khuất phục trước mọi thử thách…

Trong giai đoạn hiện nay, khát vọng phát triển đất nước là cái đích cao đẹp mà cả dân tộc cần hướng tới. Trên con đường đến với cái đích ấy, tuy có nhiều khó khăn, thách thức nhưng giá trị văn hóa với những truyền thống tốt đẹp được cha ông hun đúc từ đời này qua đời khác sẽ là động lực to lớn để “biến nguy thành cơ”, chuyển hóa những khó khăn thành cơ hội để cả dân tộc vươn lên. Do đó, không thể xem nhẹ hoặc cố tình phủ nhận những mục tiêu cao đẹp mà Đảng ta đã đưa ra nhằm xây dựng Việt Nam thành một quốc gia phồn vinh, hạnh phúc.

Tuy nhiên, không thể thực hiện khát vọng đó trong tư tưởng mà cần có những định hướng, giải pháp rất cụ thể. Ở Đại hội XIII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”(10). Điểm mấu chốt trong quan điểm chỉ đạo trên là Đảng ta đã gắn việc phát huy giá trị văn hóa với sức mạnh của con người Việt Nam để thổi bùng lên những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam trong việc hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.

Như vậy, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam chính là cách thức quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Những mục tiêu và định hướng của Đảng ở Đại hội XIII đánh dấu bước phát triển mới trong việc đổi mới tư duy về phát triển đất nước. Điều đó phản ánh sự nỗ lực và quyết tâm của Đảng trong việc lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua những khó khăn, thử thách để hướng đến những mục tiêu tốt đẹp hơn - vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc./.

TS. Lê Thị Chiên

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo điện tử.

-----------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đai hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.206

(2) Nguyễn Trọng Chuẩn: Văn hóa ứng xử ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra, Tạp chí Triết học số 7/2020, tr.19-28.

(3) Ủy ban quốc gia về Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa: Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa. Nxb. Văn hóa Thông tin, H, 1992, tr.23

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.2, tr.80

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1 tr.221-222

(6) Trần Ngọc Thêm (2020), “Xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong bối cảnh mới”, Tạp chí Triết học, số 7, tr.22

(7) Xem: Chiên Lê, “Cảnh giác những thủ đoạn lợi dụng dịch covid-19 để chống phá Việt Nam”, http:///www,thinhvuongvietnam.com, ngày 22/9/2021 

(8) Viện Ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2006, tr. 493

(9) Vũ Minh Khương: “Việt Nam 2045: Tầm nhìn khát vọng và sứ mệnh lịch sử”, Tạp chí Khoa học & công nghệ Việt Nam điện tử, ngày 17-1-2020

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, trang 115-116