Phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong sinh viên là vấn đề quan trọng và cấp bách trong xây dựng đội ngũ sinh viên phát triển toàn diện, để phát huy được vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công việc này đòi hỏi sự tham gia tích cực, đồng bộ của các chủ thể: nhà trường, Đoàn Thanh niên, báo chí truyền thông và cả xã hội. Bài viết làm rõ một số biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận sinh viên hiện nay, đề xuất một số giải pháp từ phía nhà trường và xã hội để phòng, chống hiệu quả. 

 

Sinh viên trong màu áo xanh tình nguyện - Ảnh: qdnd.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”(1). Con người XHCN trước hết phải có tư tưởng XHCN. Trong lực lượng cách mạng thì thế hệ trẻ là nguồn lực quan trọng cả trong hiện tại và tương lai, trong đó có bộ phận sinh viên. Vì vậy, để xây dựng thành công CNXH, hoàn thành được những nhiệm vụ to lớn, nặng nề của cách mạng phải xây dựng lực lượng sinh viên Việt Nam vừa hồng, vừa chuyên, không sa vào chủ nghĩa cá nhân.

1. Yêu cầu về đạo đức cách mạng đối với sinh viên Việt Nam hiện nay

Đề cao đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, bởi sự nguy hại của nó đối với cách mạng. Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư, nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô… Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của CNXH. 

Như vậy, chủ nghĩa cá nhân là luôn đặt lợi ích của cá nhân mình lên trên hết, trước hết, không quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, thậm chí chà đạp lên lợi ích của người khác để đạt được lợi ích của bản thân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, để xây dựng thành công CNXH phải có những con người “có tư tưởng và tác phong xã hội chủ nghĩa”, “có ý thức làm chủ Nhà nước”, “thấm nhuần sâu sắc tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa và tư tưởng mình vì mọi người, mọi người vì mình”, “chăm lo việc nước như chăm lo việc nhà”, “biết tự mình lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ, đùn đẩy công việc”; đồng thời, phải “thắng được chủ nghĩa cá nhân, lợi mình hại người, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật và những tính xấu khác”(2)

Sinh viên là lực lượng trẻ tuổi, có “sức trẻ” là sức khỏe, sự nhiệt huyết và trí tuệ; là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng CNXH. Tại Đại hội lần thứ V Hội Sinh viên Việt Nam (năm 1993), Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định: “Sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội có thành công hay không, đất nước ta bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, chủ yếu là do thế hệ thanh niên hiện nay quyết định, trong đó sinh viên là bộ phận có vai trò hết sức quan trọng”(3). Để sinh viên Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ của mình góp phần thúc đẩy đất nước phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu thì phải có năng lực, kiến thức và đạo đức cách mạng, chiến thắng chủ nghĩa cá nhân. Tuyệt đại đa số sinh viên Việt Nam miệt mài học tập, sống có lý tưởng, ước mơ, hoài bão. Khảo sát 1.407 học sinh, sinh viên năm 2015 cho thấy, có 84,15% trả lời đang khao khát, trăn trở, muốn đóng góp sức mình xây dựng đất nước(4). Sinh viên có nguyện vọng được vào Đảng Cộng sản Việt Nam là 72,3 - 93,3%(5). Lý do vào Đảng được đa số sinh viên xác định là phấn đấu cho lý tưởng của Đảng. Khi phỏng vấn những sinh viên mới được kết nạp vào Đảng về lý do vào Đảng, có 62,4% trả lời vì lý tưởng cao đẹp của CNXH, trong đó 37,6% sinh viên trả lời là để có điều kiện phát huy vai trò của bản thân(6). Nhiều sinh viên không quản ngại khó khăn, vất vả của bản thân, sẵn sàng đến những vùng xa xôi, hẻo lánh của đất nước khi Tổ quốc cần. Có 81,5% sinh viên sẵn sàng tham gia nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa(7). Sinh viên sẵn sàng tham gia chiến đấu để bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích của đất nước chiếm 96,42%(8). Nhiều sinh viên sẵn sàng hy sinh, cống hiến vì cộng đồng, vì đồng bào, dân tộc.

2. Biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong sinh viên

Bên cạnh đội ngũ sinh viên đang miệt mài học tập, rèn luyện, có hoài bão, lý tưởng lập thân, lập nghiệp, vì sự phát triển của bản thân và tiền đồ của đất nước, vẫn còn một bộ phận sinh viên sa vào chủ nghĩa cá nhân ở những mức độ khác nhau. “Một số ít sinh viên còn thờ ơ về chính trị, sống thiếu lý tưởng, lệch lạc về quan điểm sống, dễ bị ảnh hưởng của những trào lưu không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không lành mạnh…”(9). Số liệu khảo sát năm 2016 cho thấy: nhóm sinh viên ít ước mơ, hoài bão, chỉ có nhu cầu thực tế gắn với đời sống cá nhân, không quan tâm đến những vấn đề lớn của xã hội, đất nước chiếm 67%; sinh viên chậm tiến, có biểu hiện đáng lo ngại về nhân cách, thiếu ý chí vươn lên, không quan tâm đến lý tưởng sống, có biểu hiện không lành mạnh trong lối sống chiếm 16,07%(10). Với câu hỏi bạn sẵn sàng tham gia những công việc khó khăn khi Tổ quốc và nhân dân cần, có 62,7% sinh viên trả lời cân nhắc xem có ảnh hưởng gì đến tương lai, lợi ích của bản thân rồi mới quyết định(11). Khi thấy người khác gặp khó khăn, hoạn nạn, trước những cảnh bất bình, nhiều sinh viên không dám giúp đỡ, lên tiếng vì sợ ảnh hưởng, liên lụy đến bản thân. Khi được hỏi, trước những biểu hiện hành động tiêu cực, phi nhân văn, bạn sẽ làm gì, có 61,3% sinh viên trả lời sẽ xem xét nếu không ảnh hưởng tới bản thân thì sẽ hành động(12)

Các kết quả nghiên cứu trên cho thấy, có một bộ phận không nhỏ sinh viên lấy lợi ích của bản thân là phương châm sống, mục đích sống và là tiêu chuẩn cho mọi hành động, thiếu tinh thần hy sinh, cống hiến vì cộng đồng. Không chỉ trong những hành động đòi hỏi sự hy sinh lợi ích bản thân mà ngay cả những việc làm thiết thực, hằng ngày như học tập thì vấn đề lợi ích cá nhân cũng được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Động cơ học tập của nhiều sinh viên không phải là để cống hiến cho xã hội, mà là để có công việc ổn định, cuộc sống bản thân được đầy đủ (74,4% số sinh viện được hỏi)(13).

Chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, nên nhiều sinh viên thờ ơ với các hoạt động vì cộng đồng. Khảo sát về mức độ tham gia các buổi sinh hoạt tại tổ dân phố nơi sinh sống trong vòng 12 tháng qua, có 53,4% sinh viên chưa bao giờ tham gia, 13,5% tham gia lần đầu tiên(14).  Có 55,3% sinh viên không tham gia hoạt động nào của thanh niên địa phương(15). Theo khảo sát, cùng với việc sinh viên phải lo hoàn thành các nghĩa vụ học tập ở trường, có khoảng 2/3 sinh viên tham gia khảo sát đang đi làm thêm (72,1% sinh viên nam và 63,2% sinh viên nữ)(16), nên việc tham gia các hoạt động tình nguyện, cộng đồng còn hạn chế. Có sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện, cộng đồng,  nhưng chưa xuất phát từ động cơ mong muốn giúp đỡ người khác, mà từ những nhân tố tác động bên ngoài; có 67,4% sinh viên tham gia các hoạt động nhân đạo, giúp đỡ người nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam là vì yêu cầu phát động của các tổ chức đoàn thể, nhà trường(17). Lo lợi ích của bản thân, thiếu tinh thần nhân ái, thiếu sự quan tâm, chia sẻ, vô cảm trước những nỗi đau, sự bất hạnh của những người chung quanh trong sinh viên đã trở nên khá phổ biến. 

Những sinh viên mắc phải căn bệnh chủ nghĩa cá nhân này chỉ muốn hưởng thụ, thỏa mãn những thú vui giải trí trên internet và mạng xã hội mà không chú tâm vào học tập. Thời gian sử dụng internet, mạng xã hội trong ngày của sinh viên là từ 3-5 giờ, có những sinh viên sử dụng 5 -10 giờ, số lượng này tăng lên từ 8% năm 2013, lên 23,8% năm 2018(18), nhưng bộ phận sinh viên này vẫn muốn có điểm cao, có bằng tốt nghiệp loại khá để xin việc nên tìm cách “chạy điểm”, “xin điểm”, “mua điểm”. Có tới 55% sinh viên được hỏi cho rằng việc “xin điểm”, “mua điểm” là biểu hiện rõ nét trong sinh viên(19).

Một bộ phận sinh viên Việt Nam sa vào tệ nạn xã hội, chỉ muốn ăn chơi, hưởng thụ, học tập. Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, ngày 19-12-2014, có 10,3% gái mại dâm là sinh viên đang học hoặc đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Lý giải nguyên nhân của tình trạng mại dâm ở nhóm sinh viên thì 1/10 là do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn buộc phải làm gái mại dâm, còn lại đa số là lười lao động, thích trưng diện, hưởng thụ; 52,2% gái mại dâm có gia cảnh trung bình(20). Bên cạnh đó là các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn: 25,1% sinh viên cho rằng, việc sử dụng chất gây nghiện là biểu hiện rõ nét trong sinh viên; 29,2% sinh viên cho rằng cờ bạc, cá độ là biểu hiện rõ nét trong sinh viên; 30,9% sinh viên cho rằng nghiện bia, rượu là phổ biến trong sinh viên(21)

Do hưởng thụ, ăn chơi, nhiều sinh viên đã lâm vào cảnh vay nợ. Theo một nghiên cứu về chủ đề này, có 52,8% sinh viên cho rằng việc nợ tiền quán xá là biểu hiện phổ biến trong sinh viên; 52,5% sinh viên cho rằng, cầm đồ, vay tiền lãi suất cao là phổ biến trong sinh viên(22). Khi vay nợ không có khả năng trả, có những sinh viên đã có hành vi bạo lực xâm hại lợi ích của người khác như giết người, cướp của, trộm cắp tài sản. Trong 5 năm 2013-2018, đã xảy ra trên 8.000 vụ án liên quan đến học sinh, sinh viên, trong đó giết người có 37 vụ, cướp, trộm cắp tài sản là 6.000 vụ. 

3. Giải pháp phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong sinh viên 

Thứ nhất, đổi mới giáo dục trong các trường đại học, trong đó chú trọng giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống 

Đảng ta đã có những định hướng cụ thể, yêu cầu các trường học, trong đó có trường đại học, không chỉ chú ý dạy chữ, dạy nghề, cần chú ý dạy làm người “Đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo… nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng, đạo đức lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội”(23). Trong giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho sinh viên, Đảng ta nhấn mạnh việc giáo dục đạo đức cách mạng, tinh thần cống hiến vì cộng đồng, đất nước, “tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng trong toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ”(24); “coi trọng bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên khát vọng mãnh liệt xây dựng đất nước giàu mạnh, gắn liền lập nghiệp bản thân với tương lai của cộng đồng, của dân tộc”(25)

Đại hội XII của Đảng đề ra nhiệm vụ: Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức. Để bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, tinh thần phấn đấu, hy sinh vì cộng đồng, trước hết phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân còn biểu hiện ở những mức độ khác nhau trong sinh viên. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục đại học còn coi việc giáo dục phẩm chất, ý thức văn hóa thuộc trách nhiệm của các bậc học phổ thông, của các cơ quan tuyên truyền, thông tin đại chúng hay của chính bản thân sinh viên. Các trường đại học vẫn chủ yếu nhấn mạnh đến đào tạo chuyên môn. Các môn học nhằm giáo dục đạo đức, tư cách làm người và trách nhiệm công dân cho sinh viên ít được quan tâm hoặc chưa trở thành bắt buộc trong các chương trình đào tạo. Các môn học về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tuy là môn học bắt buộc trong các trường đại học, cao đẳng, nhưng chất lượng giảng dạy còn nhiều bất cập, nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn, có phần giáo điều, xa rời thực tế, thiếu tính định hướng, tính giáo dục, không hấp dẫn sinh viên.  Vì vậy, các trường đại học cần  chú ý đến các môn học này trong chương trình đào tạo, đổi mới cả về nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giảng viên để nâng cao tính thuyết phục, từ đó loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, xây dựng lý tưởng sống cao đẹp, đạo đức cách mạng cho sinh viên.

Thứ hai, tăng cường thu hút sinh viên tham gia hoạt động vì cộng đồng

Thời gian qua, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên đã tổ chức nhiều hoạt động vì cộng đồng như: tri thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới, “vì đàn em thân yêu”, các hoạt động chăm sóc, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, bảo vệ môi trường, tham gia khắc  phục hậu quả thiên tai... Nhiều phong trào được phát động thu hút đông đảo sinh viên tham gia như Chương trình “Tiếp sức mùa thi”, “Chiến dịch sinh viên tình nguyện”, phong trào “Tuổi trẻ tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, “Tuổi trẻ làm theo lời Bác, sống đẹp, sống có ích”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống”…  Tham gia các hoạt động vì cộng đồng, sinh viên được rèn luyện, đồng cảm với đồng bào khó khăn, biết quan tâm những người chung quanh, từ đó dần hình thành tinh thần hy sinh, cống hiến vì cộng đồng, xã hội. 

Hội Sinh viên đã triển khai nhiều hình thức truyền tải những nội dung gần gũi, cụ thể nhằm giáo dục tư tưởng chính trị, lý tưởng cho sinh viên, có 35 -53,1% sinh viên đánh giá các hoạt động này đạt hiệu quả tích cực(26). Vì vậy, trong thời gian tới, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cần đổi mới các hoạt động xã hội về nội dung, hình thức tổ chức sao cho phù hợp với tâm lý, lứa tuổi và nhu cầu của sinh viên để phát huy hiệu quả đối với việc xây dựng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong sinh viên.

Thứ ba, phổ biến sâu rộng những tấm gương tốt, biết hy sinh, cống hiến cho xã hội trong sinh viên, gắn với việc phê phán những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân

Trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên, vai trò nêu gương của người thày rất quan trọng. Vì vậy, các trường đại học cần có những quy chế, quy định, các hình thức đánh giá khen thưởng, kỷ luật đối với giảng viên không chỉ về năng lực chuyên môn mà cả về phẩm chất, đạo đức để mỗi giảng viên là tấm gương mẫu mực về tinh thần vì sinh viên, vì cộng đồng, không tư lợi cá nhân. 

Các phương tiện thông tin đại chúng có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng, hình thành bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, nhân cách thanh niên sinh viên. Theo một khảo sát trong sinh viên ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, với câu hỏi bạn tiếp thu nội dung giáo dục tư tưởng chính trị qua hình thức nào là chủ yếu, có 52,3% sinh viên trả lời thông qua các phương tiện truyền thông(27). Nhiều chuyên mục trên báo chí như: “Gương sáng đảng viên”, “Việc tử tế”, “Những bông hoa đẹp”… đã giới thiệu những mẫu nhân cách  biết cống hiến cho quê hương, đất nước. Tuy vậy, vẫn còn nhiều cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực truyền thông đại chúng chưa thực sự chú ý đến việc giới thiệu những tấm gương tốt vì cộng đồng. Thậm chí, một số trang web, mạng xã hội còn tuyên truyền, cổ vũ cho lối sống hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân. Theo một cuộc khảo sát trên 5 tờ báo và tạp chí: Tiền phong, Tuổi trẻ Thủ đô, Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh, báo Thanh niên, tạp chí Thanh niên thì cứ 25 bài đăng trên các tạp chí này mới có một bài liên quan đến giáo dục đạo đức, định hướng tư tưởng cho thanh niên(28). Trong khi đó, đa số sinh viên Việt Nam lại tiếp cận các thông tin qua internet. Khảo sát về các hoạt động sinh viên thường làm lúc rảnh rỗi, có 69,5% là lướt web, tham gia mạng xã hội(29). Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh, cần “có biện pháp quản lý, hạn chế mặt tiêu cực, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động lợi dụng internet để truyền bá tư tưởng phản động, lối sống không lành mạnh”(30). Theo đó, cần có cơ chế khuyến khích, đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu, cổ vũ, khuyến khích những tấm gương người tốt, việc tốt vì cộng đồng, đồng thời đấu tranh, phê phán những hành vi vô cảm, chỉ biết đến cá nhân, thậm chí chà đạp lên lợi ích của người khác để đạt lợi ích cá nhân.

Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cần tăng cường giới thiệu, phổ biến sâu rộng những gương sinh viên chăm chỉ học tập để lập thân, lập nghiệp, những sinh viên có hoài bão, luôn có tinh thần cống hiến, hy sinh vì quê hương, đất nước, vì cộng đồng không ngại khó, ngại khổ. Hội Sinh viên nên giới thiệu nhiều gương tốt trong sinh viên qua các fanpage của Hội sinh viên để có nhiều sinh viên biết đến và noi theo. Hình thức  giới thiệu cần đa dạng hơn, như thông qua khen thưởng, bài viết, phỏng vấn, để chính những tấm gương tốt chia sẻ, nói lên suy nghĩ của mình... Cùng với đó, Đoàn, Hội cần có những hình thức phê phán, lên án những sinh viên có lối sống ích kỷ, cá nhân, lười biếng, hưởng thụ, sa vào tệ nạn xã hội.

__________________

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.66, 66-67.

(3) Đỗ Mười: Trí thức Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.117.

(4), (8) Phạm Minh Hạc, Thái Duy Tuyên (chủ biên): Định hướng giá trị con người Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.214, 214.

(5), (13), (16), (18), (22), (26), (29) Nguyễn Minh Triết: Tổng quan tình hình sinh viên, công tác hội và phong trào sinh viên giai đoạn 2013-2018, Đề tài KXĐTN.18-01, 2018.

(6), (27) Phan Thị Phương Anh, Trần Thị Như Tuyến: Thực trạng công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho sinh viên hiện nay và một số giải pháp mang tính định hướng,  Tạp chí Khoa học Cần Thơ, số 48, 2017.

(7), (9), (19), (21) Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam: Kết quả khảo sát tổng quan tình hình sinh viên 2013-2018, dự báo tình hình sinh viên 2018 -2023.

(10), (14), (15), (20) Lưu Minh Văn, Trần Văn Kham (chủ biên): Giá trị trong lối sống của sinh viên Việt Nam hiện nay: Thực trạng và xu hướng, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2016, tr.224, 172, 174, 210. 

(11), (12), (17) Lê Cao Vinh: Giáo dục tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh cho sinh viên các trường đại học ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ, 2017.

(23), (30) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.216, 226.

(24) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.283.

(25) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.107.

(28) Nguyễn Thị Minh Hạnh: Giá trị đạo đức truyền thống với việc xây dựng nhân cách thanh niên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, Luận án tiến sĩ, 2018.

TS TRIỆU QUANG MINH

TS HÀ THỊ THÙY DƯƠNG

Học viện Chính trị khu vực IV