Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Với mục đích vì con người, vì nhân dân, vì dân tộc, Hồ Chí Minh xây dựng một Đảng cầm quyền với sứ mệnh lịch sử rõ ràng: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(1) .
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Phủ Doãn (nay là bệnh viện Việt Đức), Hà Nội, ngày 13/6/1955. Ảnh: BTHCM
Như vậy, Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề sức khỏe của nhân dân là một trong những trách nhiệm quan trọng của Đảng và người thầy thuốc chính là người thay mặt cho Đảng, Chính phủ chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Điều này được thể hiện rõ nét nhất, đầy đủ nhất qua bức thư Người gửi ngành Y tế nhân nhân dịp Hội nghị Cán bộ y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, đăng trên Báo Nhân dân số ra ngày 27/2/1955.
1. Với hơn 386 từ, ngắn gọn, súc tích, bức thư đã thể hiện ba nội dung hết sức quan trọng, là tâm nguyện mà Hồ Chí Minh mong muốn ngành Y tế thực hiện: Phải thật thà đoàn kết; Thương yêu người bệnh; Xây dựng nền y học nước nhà.
Một là, thật thà đoàn kết
“Trước hết là phải thật thà đoàn kết - Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích”(2) , bởi đoàn kết trong ngành y cũng như các ngành nghề khác chính là yêu cầu cần thiết để tạo nên sức mạnh, vượt qua mọi thử thách, hoàn thành mọi nhiệm vụ chuyên môn và cùng hướng tới mục đích vì sức khỏe con người. Để có tinh thần đoàn kết, Hồ Chí Minh chỉ rõ: không chỉ đoàn kết giữa người cũ và người mới mà còn không phân biệt từ những chức vụ to nhất như Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Y tế cho đến mỗi nhân viên y tế, bởi mỗi thành viên trong hệ thống y tế đều có công việc, vị trí riêng; ứng với mỗi vị trí đó là một sứ mệnh để đóng góp vào sự vận hành của cả hệ thống. Khi tất cả mọi vị trí đều cố gắng, nỗ lực và đoàn kết, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân mới có thể hoàn thành tốt. Nhưng với Hồ Chí Minh, đoàn kết phải “thật thà”, tức là đoàn kết một cách chân thành nhất, thực sự vì một mục tiêu chung là sức khỏe của toàn dân bởi đó cũng chính là “sức khỏe” của Đảng và cả dân tộc.
Bài học về đoàn kết thật thà đã thấm sâu vào máu thịt những người bác sĩ chân chính mà giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng là một ví dụ điển hình. Là người nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan, có cơ hội làm việc ở những bệnh viện hàng đầu thế giới, lại “ở một thành phần giai cấp mà con đường duy nhất là đi đến phản cách mạng”(3) , nhưng chỉ sau cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã tình nguyện đi theo Người. Giáo sư Tôn Thất Tùng đã để lại cho nền y học Việt Nam 123 công trình khoa học, đặc biệt ông là một trong những nhà khoa học đầu tiên xây dựng phương pháp mổ gan mang tên ông: “Phương pháp Tôn Thất Tùng” (hay “phương pháp mổ gan khô”). Nhưng, kinh nghiệm lớn nhất ông rút ra từ những thành công, cống hiến của mình lại có xuất phát điểm sâu sắc từ lời dạy của Hồ Chí Minh. Tôn Thất Tùng viết: “Nếu quả tôi đóng góp chút gì về khoa học, chính là nhờ tôi biết học và hành bài học đoàn kết của Bác Hồ. Tôi hiểu rằng sự nghiệp khoa học bao giờ cũng là sự nghiệp tập thể. Người làm công tác khoa học phải học cách phối hợp, phối hợp rất tài tình các binh chủng khác nhau như Bác Hồ đã tập hợp trí dũng của dân ta, đưa dân ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(4) .
Hai là, thương yêu người bệnh
Hồ Chí Minh căn dặn: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”(5) . Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã từng dạy: Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức. Điều đó càng khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nghề y khi liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người; vì thế, đòi hỏi người thầy thuốc không chỉ phải giỏi về chuyên môn mà còn phải có tâm, có đức. Điều này được Hồ Chí Minh đúc kết trong câu: “Lương y phải như từ mẫu” nghĩa là người thầy thuốc đồng thời phải như một người mẹ hiền. Câu nhắc nhở của Người đã trực tiếp đề cập đến vấn đề y đức -vốn là phẩm chất tốt đẹp, là giá trị cốt lõi của người làm công tác y tế - được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, sự tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu “săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”(6) . Tự bản thân từng cá nhân theo ngành y không phải tất cả đều “như mẹ hiền”, mà chỉ có những người thầy thuốc chịu cố gắng, nỗ lực phấn đấu để đạt đến tiêu chuẩn “y đức” từ trong tâm thức đến cử chỉ, hành động mới có thể như một người mẹ hiền được. Đó chính là đỉnh cao, tiêu chí lý tưởng cũng như hình mẫu của người thầy thuốc, của ngành y.
Không chỉ có vậy, đã rất nhiều lần Hồ Chí Minh khẳng định: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”(7) . Theo Người, người thầy thuốc không chỉ chữa trị những biểu hiện liên quan đến bệnh lý mà còn phải hết lòng yêu thương, tận tình chăm sóc, quan tâm đến tâm tư, tình cảm của người bệnh. Người còn thường xuyên nhắc nhở cán bộ y tế không được ngại khó, ngại khổ; phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu, phải dịu dàng, khiêm tốn, thương yêu đồng bào, không được hách dịch ban ơn. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh quan niệm, y đức không chỉ là lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến, là sự trung thực, đoàn kết thật thà với đồng nghiệp, mà còn là sự say mê nghề nghiệp, luôn tích cực trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn, phát triển các kỹ năng một cách toàn diện, nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của toàn dân.
Ba là, xây dựng nền y học của Việt Nam
Xuyên suốt, nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề độc lập dân tộc trên mọi phương diện, trong đó Người cũng đề cao tư tưởng vì một nền y học mang bản sắc riêng của Việt Nam. Để làm được điều này, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Ðể mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Ðông” và thuốc “Tây”(8) . Theo Hồ Chí Minh, “Thuốc tây cũng chữa được nhiều bệnh, nhưng có bệnh chữa không được mà thuốc ta chữa được. Thuốc ta chữa được nhiều bệnh nhưng có bệnh cũng chữa không được mà thuốc tây chữa được... Bên nào cũng có cái ưu điểm, hai cái ưu điểm cộng lại thì chữa bệnh tốt cho đồng bào, nhân dân, phục vụ cho xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thầy thuốc tây phải học Đông y, thầy thuốc ta cũng phải học thuốc tây... Thầy thuốc ta và thầy thuốc tây đều phục vụ nhân dân, như người có hai cái tay, hai bàn tay cùng làm việc thì làm việc được tốt…”(9) . Định hướng về sự kết hợp giữa y học hiện đại và y học dân tộc này của Hồ Chí Minh đã được Đảng, Nhà nước thực hiện và mang lại những hiệu quả thiết thực. Những vốn quý của y học cổ truyền đã được lưu giữ, phát triển. Hiện nay, ở tất cả các cấp y tế, các cấp đào tạo từ thấp đến cao đều có giảng dạy y học cổ truyền, có mặt của Khoa (Bộ môn) y học cổ truyền trong trường đào tạo và Khoa Đông y trong các Bệnh viện hoặc Viện nghiên cứu chuyên ngành y học cổ truyền.
Ngoài việc quan tâm đến ngành Y tế và các thầy thuốc, Hồ Chí Minh còn có đóng góp to lớn đối với nền y học Việt Nam khi lôi cuốn, thu hút được rất nhiều trí thức nghề y ở cả trong và ngoài nước phục vụ cách mạng, tham gia kháng chiến cứu quốc một cách tự nguyện, tận tâm, tận lực, như: Trần Hữu Tước, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ…
2. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt bức thư ngày 27/2/1955 đã trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam. Trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngành Y với những người chiến sĩ, bác sỹ trên tuyến đầu chống giặc, bảo vệ thương bệnh binh, đã góp phần quan trọng vào chiến thắng của dân tộc.
Ngày nay, khi đất nước hòa bình, mở cửa và hội nhập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, con người luôn được coi là nguồn lực trung tâm, là vốn quý nhất cần được bảo vệ và chăm sóc. Vì thế, trách nhiệm của ngành Y tế càng nặng nề: dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngành Y cũng phải phấn đấu nỗ lực hết sức mình, động viên cán bộ, công nhân viên thực hiện tốt việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó kiên định mục tiêu xây dựng “nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng”.
Để phát triển và nâng cao chất lượng công tác của ngành Y, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” được ban hành. Nghị quyết chỉ rõ: toàn ngành Y tế phải cùng đoàn kết, chung tay xây dựng một nền y tế Việt Nam tiên tiến, dân tộc, khoa học, đại chúng gắn với nhu cầu thực tế của nhân dân. Trong đó, cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế Việt Nam theo hướng công bằng - hiệu quả - phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, để mọi người dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, có chất lượng.
Bên cạnh các nghị quyết của Đảng, ngành Y cũng chủ động ban hành, triển khai và tiếp tục thực hiện các quy định như: Quyết định số 2088/BYT-QĐ ngày 6/11/1996 về việc ban hành “Quy định về y đức”; Thông tư số 07/2014/TT-BYT ngày 25/2/2014 quy định về “Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế” và Quyết định số 2151/QĐ-BYT ngày 4/6/2015 phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”… Những văn bản trên của ngành đã cụ thể hóa một số yêu cầu về y đức, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có lời dạy “lương y phải như từ mẫu” của Người.
Bác sĩ trong quá trình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân dương tính COVID-19. Ảnh: Báo điện tử vietnamnet
Vào những thời khắc quyết định, đã có những thầy thuốc tình nguyện hiến máu để kịp thời cứu chữa người bệnh hay tấm gương của không ít thầy thuốc dùng tiền lương của chính mình để giúp bệnh nhân nghèo, khám và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, nhất là đồng bào miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa… đã làm hình ảnh người thầy thuốc trở nên thân thiết, như người thân với gia đình bệnh nhân. Đặc biệt, khi các đợt dịch bùng phát như cúm A (H5N1), H1N1, SARS, chân tay miệng ở trẻ em, sốt xuất huyết… hay SARS-COV-2 như hiện nay, những y bác sỹ, đội ngũ cán bộ công tác trong ngành y đã tranh thủ từng phút để giành giật sự sống cho bệnh nhân, dập dịch cũng như khắc chế sự lan rộng của đại dịch, thể hiện rõ trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp với tinh thần và trách nhiệm của “người mẹ hiền”. Họ đã và đang không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt lên mọi khó khăn, trở ngại để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân mà Đảng, Nhà nước giao phó, thực hiện cho được tâm nguyện mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm cách đây 67 năm./.
TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh
---------------------------------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 9, tr. 518.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 9, tr. 343.
3. Tôn Thất Tùng, cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Y học Hà Nội, Hà Nội, 2000, tr. 45.
4. Tôn Thất Tùng, cuộc đời và sự nghiệp, Sđd, tr. 47.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 9, tr. 343.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 9, tr. 343.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 487.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 9, tr. 344.
9. Bộ Y tế: 55 năm Y học cổ truyền dưới chính quyền cách mạng (1945-2000), Hà Nội, 2000.