Hoà giải đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, rất đáng khuyến khích để giải quyết những mâu thuẫn tranh chấp trong đời sống xã hội. Thông qua hoà giải, Toà án cũng như các Hoà giải viên đã giúp đỡ các đương sự với sự tự nguyện thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án phù hợp quy định của pháp luật, rút ngắn quá trình tố tụng, nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án dân sự.
Năm 2018, Toà án Nghệ An là một trong các đơn vị được Toà án nhân dân tối cao lựa chọn làm đơn vị thí điểm thực hiện việc hoà giải, đối thoại tại Toà án và sau khi Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án có hiệu lực và đi vào thực tiễn ngày 01/01/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã thực hiện có hiệu quả Luật này. Để có được thành tích đó, công tác tuyển chọn, bổ nhiệm Hòa giải viên đóng vai trò rất quan trọng để lựa chọn những Hòa giải viên có trình độ, năng lực, phẩm chất để thực hiện nhiệm vụ.
I. Tổng quan chung về công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm Hòa giải viên
1. Công tác tổ chức, chỉ đạo, triển khai phối hợp với sở ban ngành tại địa phương về việc thi hành luật hoà giải đối thoại; việc lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Toà án với công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm Hoà giải viên.
Trên cơ sở, kết quả đạt được của việc thực hiện thí điểm, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã nhận thấy đây là điểm đột phá cần được ưu tiên trong công tác tư pháp và cải cách tư pháp của đơn vị. Nhằm đảm bảo việc triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và các văn bản hướng dẫn thi hành luật thống nhất, kịp thời, ngay sau khi nhận được Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được ban hành kèm theo Quyết định số 187/QĐ-TANDTC ngày 17/7/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An bổ sung nhiệm vụ chỉ đạo việc triển khai, thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh. Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của việc thực hiện thí điểm để Thường trực tỉnh uỷ có những chỉ đạo sát sao và phù hợp hơn đến các cơ quan ban ngành trong việc thi hành Luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Ngày 29/12/2020, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 205/KH-TA về tổ chức triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An. Kế hoạch đã xác định nội dung công việc, thời hạn tiến độ hoàn thành và trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An với các cơ quan tại địa phương có liên quan nhằm đảm bảo triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành 04 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác chuẩn bị nhân sự cho triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đặc biệt là việc yêu cầu các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, quán triệt nội dung các văn bản hướng dẫn về công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm Hòa giải viên, chủ động triển khai công tác chuẩn bị nhân sự Hòa giải viên đúng theo thời hạn và chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao.
2. Về bồi dưỡng, tập huấn và thông tin tuyên truyền
Về công tác bồi dưỡng Hòa giải viên, ngay sau khi thực hiện việc tuyển chọn, bổ nhiệm Hòa giải viên, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng theo Kế hoạch số 287/KH-HVTA ngày 08/12/2020 của Học viện Tòa án về bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Kết quả bồi dưỡng nghiệp vụ 95/95 Hòa giải viên đã được bồi dưỡng nghiệp vụ và 95/95 Hòa giải viên được Học viện Tòa án cấp chứng chỉ Hòa giải viên. Sau khi ban hành quyết định bổ nhiệm Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã triển khai cấp thẻ Hòa giải viên. Thẻ Hòa giải viên được cấp theo đúng mẫu và quy trình quy định tại Thông tư số 04/2020/TT-TANDTC ngày 04/12/2020 của Tòa án nhân dân tối cao. Thẻ Hòa giải viên được sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án; không sử dụng vào việc khác không thuộc nhiệm vụ của Hòa giải viên.
Ngay sau khi được cấp chứng chỉ, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng Hòa giải cho các Hòa giải viên. Trong quá trình thực hiện Luật, có nhiều vướng mắc bất cập, Tòa án nhân dân tỉnh đã chủ động báo cáo, xin ý kiến của các chuyên gia đầu ngành của Tòa án nhân dân Tối cao sau đó có ý kiến chỉ đạo thống nhất trên toàn địa bàn thông qua các cuộc họp giao ban trực tuyến Tòa án hai cấp tỉnh Nghệ An.
Ngày 01/7/2021, Tòa án nhân dân Tối cao đã có giải đáp 01 "Giải đáp một số những vướng mắc trong thi hành luật Hòa giải". Tòa án nhân dân tỉnh đã kịp thời in ấn, phát hành gửi cho toàn bộ Hòa giải viên trong toàn tỉnh để nghiên cứu thực hiện. Các Hòa giải viên cũng được trang bị đầy đủ các tài liệu, luật liên quan đến công tác Hòa giải đối thoại.
Về công tác thông tin và tuyên truyền: Toà án nhân dân tỉnh và các Toà án nhân dân cấp huyện chủ động phối hợp với Sở tư pháp tỉnh Nghệ An, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An, các cơ quan, đơn vị truyền thông cùng cấp tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật bằng nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện truyền thông đại chúng; biên soạn, đăng tải các ấn phẩm về Luật, ghi hình, phóng sự về việc triển khai thi hành luật. Bên cạnh đó chủ động đăng tải các thông tin về nhu cầu bổ nhiệm, tuyển chọn Hoà giải viên.
3. Những kết quả đạt được trong công tác tuyển chọn, bổ nhiệm Hoà giải viên
Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã ra quyết định thành lập 22 Hội đồng tư vấn tuyển chọn để tổ chức tuyển chọn Hòa giải viên. Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận tổng số 95 hồ sơ đề nghị tuyển chọn làm Hòa giải viên. Các Hội đồng tư vấn tuyển chọn Hòa giải viên đã tổ chức họp để xét duyệt, tuyển chọn Hòa giải viên trình Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh quyết định, bổ nhiệm Hòa giải viên theo quy định. Nghị quyết của Hội đồng tư vấn tuyển chọn Hòa giải viên đã đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh ra quyết định bổ nhiệm đối với 95 cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Trong quá trình thực hiện công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã lựa chọn những Hoà giải viên đủ tiêu chuẩn, có sức khoẻ, có năng lực và các quy trình bổ nhiệm đúng quy định của pháp luật.
Ngày 04/01/2021, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã ra quyết định bổ nhiệm đối với 95 Hòa giải viên tại Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An (trong đó có 16 Hòa giải viên tại Tòa án nhân dân tỉnh và thành phố Vinh, 79 Hòa giải viên tại Tòa án nhân dân cấp huyện). Trong khi định biên số lượng Hòa giải viên của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An là 180.
4. Hoạt động của Hoà giải viên
Trong năm qua, đội ngũ Hoà giải viên thuộc Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An đã được quan tâm xây dựng, bảo đảm đủ số lượng, đúng cơ cấu, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ và hoạt động của hệ thống Toà án. Chất lượng các Hoà giải viên đảm bảo đúng với tiêu chuẩn và quy định của luật hoà giải cũng như các văn bản luật điều chỉnh. Điều này góp phần đưa Luật Hòa giải đối thoại vào thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và Tòa án hai cấp tỉnh
Đến nay, Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An có 94 Hoà giải viên. Trong đó có 52 Hoà giải viên đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Toà án, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Thanh tra viên. Bên cạnh đó, Toà án có 27 Hoà giải viên là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác. Ngoài ra, có 15 người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/10/2021, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An đã tích cực triển khai thực hiện Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án và đạt được những kết quả cụ thể như sau:
- Tỷ lệ của vụ việc đã hoà giải thành, đối thoại thành trên tổng số vụ việc đã chuyển sang hoà giải, đối thoại tại Toà án: 992/1952 vụ, đạt tỷ lệ 50,8 %
- Tỷ lệ phần trăm của vụ việc đã hoà giải thành, đối thoại thành trên tổng số đơn khởi kiện vụ án dân sự, hành chính; đơn yêu cầu về hôn nhân và gia đình mà Toà án đã nhận được: 992 vụ/5151 vụ, đạt tỷ lệ 19,3 %
- Tỷ lệ phần trăm của vụ việc đã ra quyết định công nhận kết quả hoà giải thành, đối thoại thành: 710 vụ/992 vụ, đạt tỷ lệ 71,6%
- Số lượng vụ việc hoà giải thành, đối thoại thành nhưng chưa ra quyết định công nhận: 56 vụ
Có nhiều Hòa giải viên đạt tỷ lệ Hòa giải thành, đối thoại thành cao. Những vụ tranh chấp quyền sử dụng đất, chia di sản thừa kế phức tạp nhưng Hòa giải viên với nghiệp vụ, kỹ năng đã hòa giải thành và được các đương sự đồng tình cao, hóa giải được những mâu thuẫn trong nội bộ.
II. Những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, kinh nghiệm trong công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm Hòa giải viên
Qua 11 tháng thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ngoài kết quả đạt được, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An nhận thấy còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn và vướng mắc trong công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, miện nhiệm Hòa giải viên như sau:
Thứ nhất, quy định về đánh giá người được bổ nhiệm làm Hoà giải viên chưa cụ thể, chưa sát với các nhóm đối tượng, gây khó khăn trong công tác Hoà giải, đối thoại. Tại Điểm a, khoản 1, điều 10 quy định về điều kiện bổ nhiệm Hoà giải viên trong luật hoà giải đối thoại tại Toà án có quy định như sau:
“1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Hòa giải viên:
a, Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư;”...
Trong khoản này, cá nhân được bổ nhiệm làm Hoà giải viên bao gồm người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư thực tế là hợp lý. Tuy nhiên, họ chỉ có khả năng, trình độ chuyên môn trong một lĩnh vực nhất định. Nhưng đã được Bổ nhiệm Hòa giải viên thì phải thực hiện việc Hòa giải, đối thoại với tất cả các loại tranh chấp. Ngoài uy tín, kỹ năng, trình độ chuyên môn họ còn phải thực sự am hiểu quy định của pháp luật. Do đó lựa chọn những người đã từng công tác tại các cơ quan trong khối nội chính sẽ hợp lý hơn.
Thứ hai, pháp luật chưa phân định rõ trách nhiệm của Hoà giải viên với tập thể cơ quan, đơn vị, chưa có đầy đủ các quy định về xử lý đối với những người lạm quyền, lộng quyền, điều này dẫn đến việc cơ sở miễn nhiệm Hoà giải viên chưa rõ ràng. Hiện nay, chưa có văn bản cụ thể quy định một cách chi tiết về cách thức thực hiện cũng như thái độ của Hoà giải viên. Vì thế không khó dẫn đến việc Hoà giải viên lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của các đương sự để trục lợi cho bản thân, ảnh hưởng xấu đến tập thể Toà án cũng như uy tín của các Hoà giải viên khác. Điều này tuy ít nhưng vẫn tồn tại trong một số trường hợp nhất định.
III. Đề xuất và kiến nghị
Thứ nhất, rà soát, sửa đổi, bổ sung cũng như thống nhất các văn bản về việc tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm Hoà giải viên. Các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn, áp dụng thống nhất, kịp thời, đầy đủ các hình thức trách nhiệm (bảo gồm trách nhiệm kỷ luật; trách nhiệm dân sự; trách nhiệm vật chất; trách nhiệm hình sự và trách nhiệm khác) theo quy định của pháp luật đối với các hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao của một Hoà giải viên.
Thứ hai, ban hành văn bản về tiêu chí, quy trình đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với Hoà giải viên. Ngoài các tiêu chuẩn chung (lập trường tư tưởng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ,…). Hoà giải viên cần đạt được những kết quả cụ thể, sát thực trong quá trình hoạt động phải công khai hóa việc đánh giá.
Thứ ba, cần áp dụng hình thức bổ nhiệm Hoà giải viên thông qua hình thức thi tuyển đối với những cá nhân nhất định nhằm bảo đảm tính cạnh tranh. Việc thi tuyển được tiến hành khách quan, bảo đảm kết quả thi không bị chi phối, bị làm sai lệch.
Thứ tư, thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định về trách nhiệm của từng Hoà giải viên đối với từng vụ việc cụ thể.
Thứ năm, tăng cường trách nhiệm của Hoà giải viên đối với tập thể cơ quan Toà án trên nguyên tắc đề cao trách nhiệm của Hoà giải viên, quyền hạn gắn với trách nhiệm theo chế độ cá nhân. Thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm Hoà giải viên.
Thứ sáu, cơ quan có thẩm quyền, các đơn vị, địa phương xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn cụ thể đối với tác phong cũng như thái độ của Hoà giải viên khi Hoà giải viên đến làm việc tại cơ sở. Địa phương thực hiện báo cáo theo đợt về tác phong và thái độ thi hành pháp luật của Hoà giải viên lên thủ trưởng cơ quan nơi chịu trách nhiệm quản lý Hoà giải viên đó.
TRẦN NGỌC SƠN (Chánh án TAND tỉnh Nghệ An)
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử