V.I. luôn coi báo chí cách mạng là vũ khí tư tưởng trong đấu tranh cách mạng của quần chúng

 

QUAN ĐIỂM CỦA V.I.LÊNIN VỀ TÍNH ĐẢNG CỦA BÁO CHÍ CÁCH MẠNG

Trong suốt cuộc đời cầm bút để chiến đấu cũng như trong toàn bộ sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, V.I. luôn coi báo chí cách mạng là vũ khí tư tưởng trong đấu tranh cách mạng của quần chúng. Khi nói về vai trò của báo chí, V.I. Lê nin khẳng định: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị” (1), Lênin mong muốn báo chí cách mạng phải trở thành trung tâm tư tưởng của đảng vô sản và của nhân dân lao động. Phát triển sáng tạo quan điểm của C. Mác: “Tuyệt đối từ bỏ chính trị là không thể được. Tất cả các tờ báo chủ trương từ bỏ chính trị cũng đều làm chính trị. Vấn đề chỉ là làm chính trị như thế nào và làm loại chính trị gì” (2), Lênin đã nêu lên một luận điểm quan trọng: “Báo chí là trận địa ban đầu, từ đó Đảng sẽ tiến hành cuộc đấu tranh với đối thủ của mình bằng vũ khí tương xứng. Báo hằng ngày là công cụ tuyên truyền, cổ động quần chúng không có gì thay thế được” (3). Thực tế, V.I. Lênin khẳng định, đối với mỗi Đảng cách mạng, việc xuất bản tờ báo là dấu mốc quan trọng đầu tiên. “Điểm xuất phát của hoạt động, bước thực tiễn đầu tiên để tiến tới các tổ chức mong muốn..., phải là việc thành lập tờ báo chính trị toàn Nga. Chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành được một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện” (4).

Từ tháng 9-1/905, nghĩa là 12 năm trước khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công, Người đã viết đại ý: Cần phải thường xuyên trích dẫn trên báo địa phương những điều nói trên báo trung ương, làm cho nhiều quần chúng biết tên báo trung ương, với ý thức rằng đó là tờ báo chính thức của mình, đó là trung tâm tư tưởng của mình. Để trở thành một trung tâm tư tưởng, trong thời kỳ giai cấp vô sản chưa giành được chính quyền, báo chí cách mạng từ trung ương đến các địa phương phải bằng mọi cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong quần chúng, phải tuyên truyền ngay cho chính tờ báo của mình, làm cho quần chúng công nhân biết rằng chúng ta có một cơ quan ngôn luận trung ương chính thức của đảng.

V.I. Lênin cũng cho rằng: Chỉ có thiết lập được một cơ quan ngôn luận chung của Đảng mới có thể làm cho mỗi “cán bộ riêng biệt” của sự nghiệp cách mạng thấm nhuần ý thức là anh ta đang đi “trong hàng ngũ”, công tác của anh ta trực tiếp cần cho Đảng, mà anh ta là một trong những khâu của một mắt xích mà rồi đây sẽ thắt cổ kẻ thù độc ác nhất của giai cấp vô sản Nga và toàn thể nhân dân Nga, tức chính phủ chuyên chế của nước Nga.

Trong khi khẳng định vai trò của báo chí cách mạng với tư cách là công cụ chính trị để giúp đảng tập hợp lực lượng, tổ chức phong trào, Lê – nin cũng đồng thời đưa ra yêu cầu về tính đảng của báo chí cách mạng. Người đòi hỏi báo chí vô sản phải có một “tính đảng thẳng thắn, trung thực và triệt để”. Tính đảng của báo chí vô sản theo cách hiểu thông thường nhất là: Báo chí tự giác và vững vàng đứng trên lập trường của giai cấp công nhân, trở thành tiếng nói thể hiện quyền lợi của giai cấp công nhân và mọi tầng lớp nhân dân lao động, đồng thời, chịu sự lãnh đạo và tuyên truyền, tổ chức thực hiện đường lối chính sách của Đảng Cộng sản. Theo quan điểm của Lê-nin, tính đảng của báo chí cách mạng vừa đồng hành, vừa là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp và ngược lại, chính cuộc đấu tranh đó đòi hỏi báo chí vô sản phải phát triển tính đảng một cách nghiêm ngặt. Như vậy, tính đảng là một yêu cầu đặt ra, là quá trình trong đó, khuynh hướng giai cấp của báo chí đã chín muồi phát triển đến trình độ tự giác. Lê-nin công khai tuyên bố tính đảng của báo chí cách mạng, đồng thời phát triển và làm rõ từng mặt của nguyên tắc tính đảng của báo chí: thứ nhất, sự nghiệp báo chí là một bộ phận trong sự nghiệp của giai cấp vô sản do đội tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo; thứ hai, sự nghiệp báo chí phải trở thành một bộ phận khăng khít của công tác tổ chức, có kế hoạch thống nhất của Đảng, gắn bó mật thiết với công tác khác trong toàn bộ guồng máy do Đảng lãnh đạo; thứ ba, các nhà báo nhất thiết phải tham gia các tổ chức của Đảng và do Đảng lãnh đạo, tức là, “Báo chí phải trở thành các cơ quan của các tổ chức của Đảng. Các nhà văn nhất thiết phải tham gia các tổ chức Đảng. Các nhà xuất bản và các kho sách, các hiệu sách và các phòng đọc sách, các thư viện và các nơi bán sách báo, tất cả những cái đó phải trở thành của Đảng, chịu trách nhiệm trước Đảng”. Báo chí, xuất bản cách mạng ra đời, tồn tại và phát triển chính là nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của giai cấp vô sản, luôn gắn với tổ chức Đảng. Cùng với tính đảng, báo chí cách mạng phải có tính nhân dân. Tính nhân dân thể hiện ở mối liên hệ giữa báo chí với đông đảo tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động – người sáng tạo chân chính của lịch sử. Báo chí phải phản ánh, đánh giá các hiện tượng và sự kiện của đời sống theo lập trường của nhân dân lao động, đại diện và bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động. Tính nhân dân của báo chí thể hiện ở sự tham gia tích cực và thường xuyên của đông đảo nhân dân vào hoạt động báo chí. Lê-nin cho rằng: một số tờ báo sống được và trở nên sinh động khi nó có chừng 5 người viết và người biên tập chuyên nghiệp giỏi, nhưng đồng thời phải có năm trăm, thậm chí năm nghìn cộng tác viên không chuyên nghiệp. Chính sự tham gia của quần chúng nhân dân làm cho báo chí gần hơn với hơi thở cuộc sống, thực sự trở thành diễn đàn dân chủ để nhân dân bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình.

Hội Báo toàn quốc hằng năm là ngày hội lớn của giới báo chí cả nước. Ảnh: TL

Hội Báo toàn quốc hằng năm là ngày hội lớn của giới báo chí cả nước. Ảnh: TL



VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM CỦA LÊNIN VỀ TÍNH ĐẢNG CỦA BÁO CHÍ CÁCH MẠNG, PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG

Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: “Báo chí là tiếng nói của Đảng, đồng thời cũng phản ánh tiếng nói của quần chúng nhân dân,... có nhiệm vụ truyền bá đường lối, chính sách của Đảng, đi sát thực tế, thông tin kịp thời và phân tích sâu sắc những sự kiện mới; phát hiện và phản ánh trung thực những điển hình tiên tiến, nhiệt tình ủng hộ, cổ vũ những nhân tố mới, dũng cảm đấu tranh chống những hiện tượng lạc hậu, trì trệ và biểu hiện tiêu cực khác; đề cập và chỉ ra phương hướng giải quyết những vấn đề thiết thực mà xã hội quan tâm; xây dựng dư luận xã hội lành mạnh, động viên quần chúng tích cực hoàn thành nhiệm vụ cách mạng” (5) .

Báo chí cách mạng có nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, đồng thời thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng. Báo chí là công cụ của Đảng, là phương tiện hữu hiệu để tiến hành giáo dục chính trị, lãnh đạo công tác tư tưởng; coi báo chí là vũ khí sắc bén trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc; là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X khẳng định: Báo chí là một trong ba bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong hoạt động tư tưởng của Ðảng. Đây là quan điểm xuyên suốt, chi phối mọi hoạt động của báo chí cách mạng Việt Nam.

Theo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, báo chí là công cụ tư tưởng của Đảng đồng thời là diễn đàn của nhân dân. Vì vậy, Đảng lãnh đạo báo chí là nguyên tắc bất di bất dịch trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Thực tế cách mạng Việt Nam trong gần một thế kỷ qua đã chứng minh: dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí Việt Nam đã có những đóng góp rất to lớn góp phần rất quan trọng làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Sau hơn 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, báo chí Việt Nam đến nay đã có những bước phát triển mạnh mẽ về lượng và chất, cả về nội dung thông tin và phương pháp hành xử, cả về tiềm lực được tích lũy cũng như khả năng tác động vào đời sống xã hội. Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam ngày nay là hệ quả của sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự phát triển đất nước, đồng thời cũng không tách rời sự tác động tích cực của quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển khoa học - công nghệ của nhân loại.

Đảng lãnh đạo báo chí Việt Nam là một nguyên tắc tối thượng, tiên quyết. Đảng lãnh đạo báo chí bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác, bằng tuyên truyền thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra. Đảng lãnh đạo báo chí thông qua các cơ quan nhà nước, thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng thành luật pháp, chính sách đối với báo chí. Đảng lãnh đạo báo chí thông qua các tổ chức Đảng trong các cơ quan báo chí, trong các cấp hội nhà báo, cơ quan chủ quản báo chí. Đảng lãnh đạo thông qua việc bố trí, đào tạo, quản lý cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí và công tác tổ chức cán bộ báo chí…

Trước tình hình mới, báo chí cần giữ vững và phát huy hơn nữa bản chất cách mạng, là công cụ tư tưởng của Đảng, là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, luôn hướng vào mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, làm cho những nguyên lý cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Báo chí nước ta phải góp phần tích cực vào tuyên truyền lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng thể hiện ở việc đề ra chủ trương, đường lối, theo đó lãnh đạo báo chí, cơ quan báo chí, định hướng về nội dung thông tin báo chí, vạch ra đường lối, chiến lược cho báo chí phản ánh đúng chủ trương, đường lối, đúng tôn chỉ mục đích, chức năng và nhiệm vụ của báo chí. Báo chí phải góp phần tích cực xây dựng lý tưởng xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; góp phần ổn định chính trị tư tưởng, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. “Báo chí, xuất bản có trách nhiệm góp phần làm cho thế giới quan Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, động viên toàn Đảng, toàn dân vượt qua khó khăn thử thách, năng động sáng tạo trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng, giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa…”  (6).

*

Báo chí cách mạng Việt Nam là sản phẩm tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ của Đảng và nhân dân ta; là sản phẩm của sự kế thừa và phát triển các quan điểm của chú nghĩa Mác – Lênin, của Hồ Chí minh về báo chí cách mạng, do đó, luôn là đội quân đi đầu trong công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa của Đảng. Chính vì vậy, việc phát huy vai trò của báo chí với tư cách là một hệ thống giám sát đối với cán bộ, đảng viên, từ đó nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một yêu cầu tất yếu khách quan trong bối cảnh hiện nay. Trong thời kỳ mới, trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông, trong sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình báo chí, các cơ quan báo chí cần phải đẩy mạnh phát triển kinh tế báo chí, nhưng dứt khoát không được sa vào xu hướng tư nhân hóa, thương mại hóa, sa vào nguy cơ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các cơ quan báo chí và những người làm báo Việt Nam cần phải kiên định, vững vàng trước mọi diễn biến phức tạp của tình hình, vượt qua những nguy cơ, thách thức, thực hiện thắng lợi trọng trách vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.

Vấn đề là ở chỗ, chủ đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vốn được xem là một chủ đề khô khan, hóc búa, nên ‘đội ngũ cán bộ, nhà báo, phóng viên cần phải đầu tư nghiên cứu, tìm đề tài hay và triển khai đề tài một cách khoa học, thuyết phục, tìm ra những cách thể hiện mới bằng cách các thể loại báo chí khác nhau. Có như vậy báo chí mới đảm trách được nhiệm vụ chính trị quan trọng của mình, thật sự là công cụ hữu hiệu để góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Hơn lúc nào hết, trong tình hình hiện nay, những quan điểm của V.I.Lênin về tính chính trị, tính đảng của báo chí cách mạng càng trở nên có ý nghĩa khi giúp chúng ta vận dụng vào việc nâng cao tính đảng của báo chí cách mạng Việt Nam, phát huy vai trò của báo chí trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

 

TS. Phạm Thị Hoa,

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

_______________________________________________

(1) (4) Dẫn theo: Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010), Nxb. CTQG, H, 2013, tr.46, 46

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. CTQG, H., 2004, tập 17, tr.551.

(3) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1979, t.8, tr.245.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, H., 2007, tập 48, tr.129.

(6) Chỉ thị 08-CT/TW ngày 31-3-1992 về tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản.