Pháp luật về tố tụng hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới đã quy định về thủ tục rút gọn nhằm giảm tải cho hoạt động xét xử của Toà án. Xin được so sánh thủ tục này của một số quốc gia trên thế giới với thủ tục rút gọn trong BLTTHS 2015
1.Thủ tục rút gọn trong TTHS của một số quốc gia trên thế giới
1.1.Trung Quốc
BLTTHS năm 1996, Điều 174 quy định: Toà án có thể áp dụng thủ tục rút gọn đối với những vụ án sau, do một thẩm phán xét xử :
(1) Những vụ án công tố có bị cáo có thể bị phạt tù có thời hạn không quá 3 năm, tạm giam, giám sát hoặc chỉ phạt tiền, có tình tiết rõ ràng, chứng cứ đầy đủ và Viện kiểm sát đề nghị hoặc đồng ý áp dụng thủ tục rút gọn;
(2) Những vụ án chỉ giải quyết dựa trên khiếu nại ; và
(3) Những vụ án do người bị hại truy tố, có chứng cứ chứng minh là án ít nghiêm trọng.
Việc xét xử các vụ án theo thủ tục rút gọn không phải thực hiện theo trình tự, thủ tục thẩm vấn như xét xử các vụ án theo thủ tục thông thường. Tuy nhiên, trước khi tuyên án phải lắng nghe lời nói cuối cùng của bị cáo (Điều 177 ). Toà án phải xét xử trong vòng 20 ngày, kể từ ngày thụ lý vụ án (Điều 178 ).
Theo quy định trên thì thủ tục rút gọn chỉ áp dụng ở giai đoạn xét xử sơ thẩm đối với những vụ án ít nghiêm trọng, chứng cứ đầy đủ, tình tiết rõ ràng. Và việc áp dụng thủ tục rút gọn chỉ do Viện kiểm sát đề nghị hoặc đồng ý.
1.2.Liên bang Nga
BLTTHS năm 2001 đã quy định một thủ tục “rút gọn” với tên gọi Thủ tục xét xử đặc biệt - Thủ tục đặc biệt của việc toà án ra quyết định trong trường hợp bị can đồng ý với nội dung buộc tội họ. Tại thời điểm kết thúc điều tra và lập cáo trạng, sau khi bị can và người bào chữa của họ nghiên cứu hồ sơ vụ án, điều tra viên giải thích cho bị can có quyền yêu cầu áp dụng thủ tục xét xử đặc biệt (Điều 217 ). Đề nghị của bị can được áp dụng thủ tục này phải được ghi rõ trong Biên bản nghiên cứu hồ sơ vụ án ( Điều 218 ). Toà án có quyền ra bản án mà không cần tiến hành xét xử theo thủ tục chung, nếu xác định thấy: (i) bị can nhận thức được tính chất và hậu quả của việc họ đưa ra yêu cầu; (ii) Việc đưa ra yêu cầu là tự nguyện và sau khi đã được người bào chữa tư vấn; (iii) Công tố viên và người bị hại đồng ý với yêu cầu của họ; ( iv ) hình phạt đối với tội phạm mà họ thực hiện không quá 10 năm tù (Điều 314 ). Phiên toà giải quyết yêu cầu của bị cáo về việc ra bản án mà không cần tiến hành xét xử, bắt buộc phải có mặt họ và người bào chữa; nếu Thẩm phán kết luận rằng lời buộc tội mà bị cáo đồng ý là có căn cứ, được khẳng định bằng những chứng cứ thu thập trong vụ án, thì Thẩm phán ra bản án kết tội bị cáo và áp dụng hình phạt cho tội đó không quá 2/3 hình phạt tối đa (Điều 316 ). Bị cáo chỉ được kháng cáo với lý do bản án vi phạm về tố tụng, áp dụng không đúng luật hình sự hoặc không bảo đảm tính công bằng của bản án, không được kháng cáo với lý do bản án không phù hợp với các chứng cứ của vụ án (Điều 317 ).
Để được chấp nhận áp dụng thủ tục “rút gọn”, ngoài việc bị can phải tự nguyện ghi rõ yêu cầu trong Biên bản nghiên cứu hồ sơ vụ án, thì còn phải được sự chấp thuận của công tố viên và người bị hại. Và mặc dù luật quy định nó được giới hạn áp dụng đối với những tội có hình phạt tối đa 10 năm tù, nhưng trên thực tế thủ tục này chỉ được áp dụng đối với người phạm tội lần đầu và không phải là tội phạm về ma tuý . Vì phiên toà không cần tiến hành theo thủ tục chung nên phần lớn thời gian tranh tụng được dành cho việc xem xét mức án nào sẽ được đưa ra (1).
1.3.Cộng hoà Italia
BLTTHS năm 1988 đã quy định về Thủ tục xét xử rút gọn: Thủ tục này được áp dụng với tất cả các loại vụ án trừ các vụ án có mức phạt tù chung thân.
Sau khi giai đoạn điều tra kết thúc, công tố viên ra thông báo bằng văn bản cho bị can và luật sư rằng công tác điều tra vụ án đã kết thúc. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày ra thông báo, bị can, luật sư bào chữa và người bị hại được tiếp cận toàn bộ hồ sơ vụ án từ công tố viên. Qua việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, bị can có thể yêu cầu xét xử rút gọn, nếu công tố viên cũng đồng ý thì toà án bắt buộc áp dụng thủ tục này. Việc xét xử rút gọn chỉ dựa trên hồ sơ vụ án, không phải mở phiên toà công khai mà được tiến hành ngay trong phòng làm việc của Thẩm phán với sự có mặt của các bên. Xét xử theo thủ tục rút gọn, bị cáo được giảm 1/3 mức án so với mức án công tố viên đề nghị trong cáo trạng. Thủ tục rút gọn hạn chế nghiêm ngặt việc kháng cáo, chỉ được đề nghị xét lại bản án sơ thẩm với lý do bản án áp dụng sai pháp luật. Thủ tục rút gọn được thiết kế với mục đích giảm tải công việc của Toà án, tuy nhiên đây cũng là vấn đề gây tranh cãi xung quanh việc cân nhắc lợi ích so với tiết kiệm chi phí nguồn lực tư pháp. Việc giảm tải hoạt động của Toà án xem ra không đáng để hy sinh lợi ích công khi giảm 1/3 hình phạt cho một tội ác nghiêm trọng đáng bị áp dụng hình phạt nặng nhất(2).
1.4.Hàn Quốc
BLTTHS quy định về thủ tục rút gọn là thủ tục xét xử trong trường hợp bị cáo nhận tội, nhằm giúp cho việc giải quyết vụ án hình sự nhanh chóng, tiết kiệm chi phí. Tất cả các vụ án hình sự đều có thể áp dụng thủ tục xét xử rút gọn. Điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn là bị cáo phải “thừa nhận” rằng họ đã phạm những tội đã được nêu trong bản cáo trạng của viện công tố, việc nhận tội ở đây được hiểu là bị cáo sẽ “thừa nhận” trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Thông thường khi bị cáo nhận tội trên cơ sở đã đầy đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của họ, công tố viên có thể đề nghị với Toà án áp dụng thủ tục rút gọn. Đề nghị này không phải là bắt buộc đối với Toà án. Toà án có thể chấp nhận đề nghị hoặc vẫn tiến hành theo thủ tục thông thường. Trong thực tế, Toà án thường đồng ý với đề nghị của công tố viên (3). Phiên toà theo thủ tục rút gọn được đơn giản hoá nhiều so với phiên toà xét xử theo thủ tục thông thường, do đó thời gian tiến hành phiên toà được rút ngắn đáng kể: Sau khi kết thúc phần trình bày của công tố viên, bị cáo trình bày có thừa nhận (hay không) việc buộc tội của công tố viên mà không cần lấy lời khai nhân chứng, tranh luận giữa các bên... Bị cáo không được giảm mức hình phạt như ở Liên bang Nga và Italia.
1.5.Hợp chúng quốc Hoa Kỳ
Bộ Các quy tắc liên bang về tố tụng hình sự (2006) của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, tại Quy tắc 11(b) quy định về thủ tục Xem xét và chấp nhận việc nhận tội hoặc mặc nhiên thừa nhận. Đây là quy định về thủ tục rút gọn trong TTHS của Hoa Kỳ, khác với thủ tục thoả thuận nhận tội (còn gọi là mặc cả nhận tội) tại Quy tắc 11(c). Thủ tục này được áp dụng đối với tất cả các vụ án.
Điều kiện để áp dụng thủ tục này là bị can phải ký vào bản nhận tội. Chỉ bị can mới là người quyết định có áp dụng thủ tục nhận tội hay không chứ không phải là công tố viên hay điều tra viên. Phiên toà nhận tội thường chỉ mất từ 15 đến 30 phút, Thẩm phán không phải xem lại toàn bộ chứng cứ như phải làm ở phiên toà thông thường. Khi tiến hành phiên toà, Thẩm phán phải thông báo cho bị cáo và chắc chắn rằng bị cáo đã hiểu rõ mình đã từ bỏ các quyền (nêu nội dung các quyền này tại Quy tắc 11(b) cho bị cáo) nếu nhận tội, đồng thời Thẩm phán cũng nói cho bị cáo biết về quy tắc hướng dẫn kết án của liên bang khi tuyên bản án chung thẩm. Sau đó Thẩm phán hỏi bị cáo về tuổi, trình độ học vấn, tình trạng tâm thần hiện tại (có dùng thuốc gì hay không, có uống rượu vào thời điểm xét xử hay không ), bị cáo có bị ép buộc, bị đe doạ hoặc hứa hẹn gì phải nhận tội hay không. Cuối cùng, trước khi chấp nhận lời nhận tội, Thẩm phán yêu cầu công tố viên phát biểu tóm tắt về các tình tiết của vụ án là căn cứ khẳng định bị cáo là người thực hiện hành vi phạm tội. Tiếp theo, Thẩm phán sẽ hỏi bị cáo về trình bày của công tố viên, khi bị cáo trả lời chấp nhận trình bày của công tố viên thì được coi là đã đủ cơ sở cho lời nhận tội. Khoảng 6 tuần sau, sẽ tiến hành phiên toà tuyên án, Thẩm phán công bố bản án và tuyên án đối với bị cáo (4).
2.So sánh với Thủ tục rút gọn trong BLTTHS năm 2015
Thủ tục rút gọn trong BLTTHS năm 2015 có nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, Điều 456 (khoản 1) BLTTHS 2015 quy định phải có đủ bốn điều kiện: (i) Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; (ii) Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; (iii) Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; (iv) Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. Thực tế cho thấy ít trường hợp người phạm tội bị bắt quả tang. Việc xác định điều kiện (ii) và (iV) thì tuỳ thuộc vào đánh giá của các cơ quan và người tiến hành tố tụng, khó thống nhất. Có thể quy định này là một trong những nguyên nhân dẫn đến thủ tục rút gọn ít được áp dụng trong thực tế.
Thứ hai, theo quy định tại Điều 457 thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án đều có quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, điều này có thể dẫn đến không thống nhất áp dụng trong cả quá trình giải quyết vụ án.
Thứ ba, không có quy định cho bị can, bị cáo được quyền đồng ý hay không đồng ý áp dụng thủ tục rút gọn.
Thứ tư, theo quy định tại các điều 459, 460, 461, 462 và 464 thì rút gọn là rút ngắn các thời hạn tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử sơ thẩm và chuẩn bị xét xử phúc thẩm.
Tức là “rút gọn” toàn bộ quá trình giải quyết vụ án.
Thứ năm theo quy định tại Điều 463 và Điều 465 thì phiên toà sơ thẩm và phiên toà phúc thẩm do một Thẩm phán tiến hành, không tiến hành nghị án, nhưng các trình tự thủ tục khác vẫn thực hiện theo thủ tục chung.
So sánh với thủ tục rút gọn của năm quốc gia nêu ở trên, cho thấy :
Về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, chỉ Trung Quốc quy định tương tự như quy định của BLTTHS 2015, bốn quốc gia còn lại có chung một điều kiện là bị can ( bị cáo ) nhận tội, nhưng giới hạn áp dụng khác nhau: Nga áp dụng cho những vụ án có mức phạt tù từ 10 năm trở xuống, Italia áp dụng cho tất cả các vụ án trừ những vụ án có hình phạt chung thân, Hàn Quốc và Hoa Kỳ áp dụng cho tất cả các vụ án.
Về thẩm quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, nếu BLTTHS 2015 quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án đều có thẩm quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, thì ở các quốc gia nêu trên đều không trao cho cơ quan tiến hành tố tụng quyền quyết định áp dụng thủ tục này. Trung Quốc và Hàn Quốc quy định Viện kiểm sát chỉ có quyền đề nghị áp dụng thủ tục rút gọn. Ở Nga, Italia và Hoa Kỳ thì bị can (bị cáo) có quyền đề nghị áp dụng thủ tục rút gọn, viện công tố chỉ có “quyền” đồng ý (chấp nhận) yêu cầu của họ.
Về giai đoạn tố tụng áp dụng thủ tục rút gọn, ở cả năm quốc gia nêu trên, thủ tục rút gọn chỉ áp dụng ở giai đoạn xét xử chứ không áp dụng thủ tục này cho tất cả các giai đoạn tố tụng. Điều này cho thấy rõ, mục đích của thủ tục rút gọn của họ là chỉ nhằm giảm tải hoạt động của Toà án.
Về trình tự thủ tục tại phiên toà, đều được đơn giản hoá khi áp dụng thủ tục rút gọn ở các quốc gia nói trên, nhưng theo quy định của BLTTHS 2015 thì phiên toà về cơ bản vẫn được thực hiện theo thủ tục chung khi áp dụng thủ tục rút gọn.
Qua so sánh một vài điểm nói trên, xin được có ý kiến như sau: Chúng ta nên nghiên cứu kỹ thủ tục rút gọn của một số quốc gia trên thế giới , từ đó sửa đổi thủ tục rút gọn trong BLTTHS 2015 theo hướng: (i) Đơn giản hoá điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn: Chỉ cần bị can (bị cáo) và luật sư bào chữa đồng ý với nội dung cáo trạng, thì VKS đề nghị Toà án áp dụng thủ tục xét xử rút gọn; (ii) Mở rộng phạm vi áp dụng áp dụng thủ tục rút gọn, có thể áp dụng cho cả những vụ án về tội phạm rất nghiêm trọng. (iii ) Chỉ nên “rút gọn” ở giai đoạn xét xử, khi VKS chuyển hồ sơ mà bị cáo đã nhận tội sang Toà án, thì có thể mở phiên toà ngay trong thời hạn ngắn (10 ngày, 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án). Hy vọng ý kiến nhỏ này sẽ được lưu ý./.
TAND huyện Phú Hòa, Phú Yên xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn - Ảnh: Công Đồ
NGÔ CƯỜNG
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử
1.Mô hình TTHS Liên bang Nga – Những mô hình TTHS điển hình trên thế giới - Nxb Hồng Đức, Hà nội 2012, tr 191
2.Mô hình TTHS của Cộng hoà Italia – Sđd tr 223
3.Mô hình TTHS của Hàn Quốc – Sđd tr336.
4.Mô hình TTHS của Liên bang Hoa Kỳ -Sđd tr390