Hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi nguy hiểm cho xã hội, là một trong những nguyên nhân, điều kiện để các đối tượng dự định chiếm đoạt tài sản thêm quyết tâm, ý chí để phạm tội.

Do đó, khi đấu tranh với tội phạm xâm phạm sở hữu phải đồng thời đấu tranh với hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Theo quy định của pháp luật hiện hành (Điều 323 BLHS 2015), bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được thì hiện nay đã bộc lộ những vướng mắc khiến cho quá trình xử lý hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có chưa thực sự quyết liệt, triệt để.

1.Quy định của pháp luật

Theo Điều 323 BLHS 2015[1], người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…

Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là một trong những tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng. Hành vi phạm tội được mô tả trong điều luật bao gồm hành vi “chứa chấp” và hành vi “tiêu thụ”. Cả hai hành vi này đều được xử lý chung trong cùng một điều luật và với mức hình phạt tù thấp nhất là 06 tháng, cao nhất là 15 năm. Ngoài ra tội danh này còn có thể áp dụng hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ nếu hành vi thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.

Chứa chấp tài sản thể hiện ở các hành vi như: Cất giữ, che giấu, bảo quản hoặc cho để nhờ, cho thuê địa điểm để cất giữ, che giấu, bảo quản tài sản. Hành vi này không làm chuyển quyền sở hữu tài sản, bản chất đây là hành vi che giấu tài sản do người khác phạm pháp mà có. Nếu hành vi này được hứa hẹn thực hiện trước khi người khác thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, trong thời điểm hành vi chiếm đoạt tài sản chưa thực hiện xong thì sẽ được xác định là đồng phạm đối với hành vi chiếm đoạt tài sản chứ không phải là hành vi chứa chấp. Chứa chấp là hành vi xảy ra sau khi hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác đã hoàn thành.

Ví dụ: B nhận cất giữ chiếc xe máy cho A, mặc dù B vừa biết chiếc xe đó do A trộm mà có.

Tiêu thụ tài sản thể hiện ở các hành vi như: Mua, bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp, cho, tặng, nhận,... tài sản. Hành vi này nguy hiểm hơn hành vi chứa chấp tài sản. Hành vi này chính là động cơ cho những đối tượng quyết tâm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, có đối tượng tiêu thụ thì sẽ thúc đẩy ý chí chiếm đoạt tài sản của người khác.

Ví dụ: Cũng trong trường hợp trên, B không cất giữ mà B mua luôn chiếc xe của A.

Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Về mặt chủ quan của tội phạm, người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý - có nghĩa người phạm tội phải biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn chứa chấp hoặc tiêu thụ. Trường hợp người chứa chấp hoặc tiêu thụ không thể biết được tài sản đó là do người khác phạm tội mà có thì không phạm tội này.

2. Một số vướng mắc trong thực tiễn khi áp dụng quy định của pháp luật

2.1. Nhận thức như thế nào là “biết rõ” tài sản do người khác phạm tội mà có

* Quan điểm thứ nhất cho rằng: “Cụm từ “biết rõ” là thể hiện ý thức chủ quan của người phạm tội. Ý thức chủ quan này phải được chính người phạm tội thừa nhận bằng lời khai. Nếu đối tượng khai không biết là tài sản do người khác phạm tội mà có thì cho dù có các tài liệu khác như: Chính lời khai của đối tượng bán hoặc lời khai của người liên quan; thu được tài sản tại nhà đối tượng tiêu thụ; tài liệu thể hiện đối tượng mua tài sản với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thật… thì vẫn không xử lý hình sự được”. Theo quan điểm này, người phạm tội phải thừa nhận bằng lời khai là biết tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ tài sản đó thì mới được xem là phạm tội. Bởi vì, nếu người phạm tội không thừa nhận thì không có cơ sở nào để xác định người phạm tội là “biết rõ”. Trên thực tế, có nhiều trường hợp người phạm tội không thừa nhận mình “biết rõ” để trốn tránh trách nhiệm, điều này khiến cho quá trình buộc tội của cơ quan có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn.

* Quan điểm thứ hai cho rằng: “Dấu hiệu “biết rõ” cần được hiểu một cách toàn diện, không cứng nhắc và cần được đánh giá trên cơ sở “hành vi khách quan thể hiện ý chí chủ quan””. Theo quan điểm này, các cơ quan tố tụng phải hiểu một cách linh hoạt cụm từ “biết rõ” dựa vào sự đánh giá hành vi khách quan thể hiện ý chí chủ quan. Tuy nhiên, hành vi khách quan thể hiện ý chí chủ quan ở tội này vẫn chưa được pháp luật quy định.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai bởi các lẽ sau:

* Về quy định pháp luật: Việc người phạm tội “biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” đã được giải thích tại Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLL-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30 tháng 11 năm 2011 (sau đây gọi tắt là Thông tư 09), theo đó: “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội”. Mặc dù, Thông tư trên hướng dẫn cho BLHS 1999 (đã hết hiệu lực thi hành) nhưng nội dung của cụm từ không đổi nên ta vẫn có thể áp dụng. Tuy nhiên, việc “có căn cứ chứng minh” là như thế nào thì Thông tư vẫn chưa nêu cụ thể. Mặt khác, trên tinh thần dựa vào Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS năm 2015 về tội rửa tiền (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 03), Hội đồng thẩm phán TANDTC đã giải thích thế nào là “biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có” tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết này như sau:

“4. Biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có là một trong các trường hợp sau đây:

a) Người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: người phạm tội được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết là tiền, tài sản do họ phạm tội mà có);

b) Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội biết được người khác thực hiện hành vi phạm tội nguồn (ví dụ: hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài phát thanh, truyền hình đưa tin);

c) Bằng nhận thức thông thường, người phạm tội có thể biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương là 08 triệu đồng/tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng A vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỷ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ về nguồn tiền);

d) Theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: A mua xe ô tô của B không có giấy tờ với giá bằng một phần mười trị giá của chiếc xe đó)”.

Quy định trên hướng dẫn cụ thể về cụm từ “biết hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có”. Qua đó, ta có thể áp dụng tương tự với cụm từ “biết rõ là do người khác phạm tội mà có”. Tuy nhiên, vẫn cần có quy định trực tiếp và cụ thể về cụm từ này. Căn cứ vào đó để có thể chứng minh hành vi phạm tội của người chứa chấp, tiêu thụ tài sản phạm pháp một cách dễ dàng hơn.

* Về nguyên tắc “hành vi khách quan thể hiện ý chí chủ quan”: Trên thực tế các cơ quan tố tụng đã vận dụng nguyên tắc này khá phổ biến để giải quyết các vụ án hình sự, đặc biệt trong các vụ án bị can không nhận tội. Khi đối phó với những đối tượng ngoan cố, không nhận tội này thì các cơ quan tố tụng cần phải có biện pháp, cách thức để đấu tranh. Biện pháp thường được cơ quan tố tụng áp dụng đó chính là việc đánh giá, sử dụng và khai thác các tài liệu, chứng cứ liên quan trong hồ sơ để chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng, mà không phụ thuộc việc đối tượng có thừa nhận hay không thừa nhận hành vi phạm tội của mình - đây chính là hình thức biểu hiện của nguyên tắc “hành vi khách quan thể hiện ý chí chủ quan” đang diễn ra trong thực tiễn hoạt động tố tụng hiện nay[2].

Qua đó, liên hệ với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, ta thấy được người phạm tội thông thường sẽ không thừa nhận việc mình biết tài sản đó do phạm tội mà có. Ví dụ: A mua xe máy của B không có giấy tờ, hành vi này diễn ra nhiều lần nhưng A lại khai nhận là không biết xe của B có nguồn gốc từ đâu. Trong trường hợp này, với nhận thức của người bình thường sẽ phải tìm hiểu về nguồn gốc xe của B và có căn cứ cho là xe B do phạm tội (trộm cắp, lừa đảo,...) mà có do xe máy là tài sản bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu. A mua xe của B không giấy tờ và nhiều lần, đây là hành vi khách quan, từ đó thể hiện ý chí chủ quan của A là biết xe của B phạm pháp nhưng A vẫn mua. Do đó, ta nên xác định A phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong trường hợp này.

Ngoài ra, việc xác định ý chí chủ quan trong trường hợp mua bán xe máy do phạm tội mà có còn thể hiện ở những căn cứ sau: Tình trạng khi giao xe thì ổ khóa xe có bị phá; khi giao xe máy đối tượng bán không đưa chìa khóa xe; xe không có biểm kiểm soát (có nhiều trường hợp đối tượng sau khi trộm cắp đã tháo biển xe để tránh bị phát hiện); mua xe máy không giấy tờ; giá bán thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế; số lần đến bán xe nhiều, tần suất liên tục; thời gian đối tượng đến bán là ban đêm… Khi có đủ căn cứ để xác định: Một đối tượng trong một thời gian ngắn mà liên tục đến bán xe máy cũ với giá rẻ, không giấy tờ, không biển kiểm soát, xe trong tình trạng bị phá ổ khóa, khi bán xe không có chìa khóa… thì đây sẽ là các căn cứ để chứng minh ý thức chủ quan của đối tượng tiêu thụ tài sản.

2.2. Về cách hiểu “tài sản do người khác phạm tội mà có”

Theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 09, ““Tài sản do người khác phạm tội mà có “là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua)”. Tương tự như phần 2.1 thì ta vẫn có thể hiểu theo cách định nghĩa này.

Theo tác giả, với cách dùng từ và định nghĩa như trên thì vẫn còn thiếu sót. Vì hành vi phạm tội chỉ xảy ra đối với pháp luật hình sự nếu hành vi của đối tượng chiếm đoạt tài sản không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có xử lý đối với người chứa chấp, tiêu thụ hay không là vấn đề đang gây nhiều tranh cãi.

Thứ nhất, người chiếm đoạt tài sản chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì người chứa chấp, tiêu thụ tài sản có phải chịu trách nhiệm trách nhiệm hình sự không?

Ví dụ: A (chưa đủ 16 tuổi) đã trộm được chiếc điện thoại của B và bán cho C, C biết rõ điện thoại do A trộm được nhưng C vẫn mua (việc mua bán không có hứa hẹn trước). Sau đó, A và C bị công an bắt, chiếc điện thoại được định giá 3 triệu đồng. Hành vi của A không bị xử lý về tội trộm cắp tài sản do A chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Trong trường hợp này, C có phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hay không?

Quan điểm thứ nhất cho rằng: “C phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 của BLHS năm 2015 vì điều luật quy định hành vi không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có. Trong trường hợp nêu trên C biết rõ chiếc điện thoại A có được là do trộm cắp; hơn nữa tài sản có giá trị 3 triệu nên C đã tiêu thụ tài sản do A thực hiện hành vi phạm tội mà có; do vậy việc C phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ là phù hợp, tránh bỏ lọt tội phạm”.

Quan điểm thứ hai cho rằng: “C không phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, vì hành vi của A không phạm tội trộm cắp tài sản; tài sản A có được đem tiêu thụ cho C chỉ là hành vi vi phạm pháp luật hành chính mà không phải là hành vi phạm tội; trong khi điều luật xác định tài sản tiêu thụ phải là tài sản có được do hành vi “phạm tội” mà có; điều đó có nghĩa để truy cứu trách nhiệm hình sự của C thì A cũng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội để có được tài sản. Do vậy hành vi của C không cấu thành tội phạm mà chỉ là vi phạm hành chính”.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất: C phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 BLHS. Vì trong trường hợp trên mặc dù A chưa đến tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp, nhưng hành vi khách quan và giá trị tài sản A chiếm đoạt đã thỏa mãn hành vi khách quan của tội phạm – có mức độ nguy hiểm cho xã hội nhất định; việc A không bị xử lý hình sự là do chính sách của Nhà nước ta đối với người phạm tội là người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Tài sản do C tiêu thụ đã thỏa mãn điều kiện về giá trị tài sản của tội trộm cắp tài sản và thực tế C đã tiêu thụ tài sản do A phạm tội nên hành vi của C đã cấu thành tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Theo Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của TANDTC đã giải đáp về trường hợp tương tự như trên[3]. Công văn trên đã kết luận phần định tội theo quan điểm thứ nhất. Tuy nhiên, lập luận trên Công văn lại dựa vào Thông tư 09 mà như tác giả đã đề cập Thông tư 09 hướng dẫn cho BLHS 1999 (đã hết hiệu lực thi hành). Qua đó, cho thấy vấn đề này thực sự vướng mắc trên thực tế và hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn đối với BLHS 2015. Do đó, nhà làm luật nên sửa đổi nội dung điều luật hoặc ban hành văn bản mới để hướng dẫn điều luật này.

Thứ hai, có cần xác định giá trị tài sản chứa chấp, tiêu thụ hay không?

Cũng ví dụ trên, trong trường hợp A không đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản chỉ vì chiếc điện thoại mà A chiếm đoạt được trị giá dưới 2 triệu đồng thì C có phạm tội không?

Có quan điểm cho rằng, C phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, không cần phải xác định giá trị tài sản chứa chấp. “Vì theo cấu thành tội phạm của tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” thì người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản buộc phải biết rõ tài sản đó do người khác phạm tội mà có, mà không buộc người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ tài sản đó có giá trị thực tế như thế nào và họ đã bị xử lý hình sự hay chưa; mà chỉ cần người đó có ý thức chủ quan biết rõ tài sản mà mình chứa chấp hoặc tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có là đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quy định tại Điều 323 BLHS”[4].

Theo quan điểm của tác giả, C không phạm tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có. Mặc dù, C có ý thức chủ quan biết rõ tài sản mà mình tiêu thụ là do A trộm cắp mà có. Tuy nhiên, hành vi của A là hành vi vi phạm pháp luật hành chính, không phải là hành vi phạm tội và mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp nên có thể chỉ xử lý hành chính đối với hành vi của C theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội...[5].

Để có căn cứ rõ ràng, xác định hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản có phạm tội hay không thì điều luật cần bổ sung quy định mức giá trị tài sản phạm tội tại khoản 1 Điều 323 BLHS.

Thứ ba, người tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có bắt buộc phải biết đối tượng phạm tội có được tài sản không?

 “Trong thực tiễn đã xảy ra trường hợp khi có đủ căn cứ chứng minh ý thức chủ quan của các bị can nhận thức rõ, biết rõ tài sản chứa chấp là do người khác phạm tội mà có nhưng không xét xử được với lý do: Chưa xác định được đối tượng trộm cắp tài sản, chưa biết có đủ cơ sở để truy cứu TNHS đối tượng này về trộm cắp tài sản hay không (do độ tuổi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự của họ chưa làm rõ), nên tài sản tiêu thụ đó có phải do phạm tội mà có hay không cũng chưa xác định”[6].

Vấn đề trên cũng là một vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật hiện nay. Theo quan điểm của tác giả, để quá trình xử lý hành vi tiêu thụ tài sản phạm pháp được thuận lợi hơn thì người tiêu thụ không bắt buộc phải biết đối tượng phạm pháp trước đó. Với quy định hiện tại chưa thể hiện được điều đó nên nhà làm luật cần phải điều chỉnh rõ hơn về nội dung này.

3. Kiến nghị

Từ những vướng mắc trên thực tiễn và những phân tích ở phần trên. Tác giả xin đưa ra một số kiến nghị về sửa đổi, bổ sung Điều 323 BLHS 2015 như sau:

Thay từ “phạm tội” bằng cụm từ “vi phạm pháp luật”. Cụm từ “vi phạm pháp luật” có nghĩa bao gồm cả hành vi phạm tội và hành vi vi phạm pháp luật khác mà chưa được xem là tội phạm. Việc sửa đổi này, giúp cơ quan tố tụng dễ dàng xử lý người chứa chấp, tiêu thụ tài sản mà không cần quan tâm đến hành vi vi phạm pháp luật trước đó có bị xử lý hình sự hay không.

Thay từ cụm từ “biết rõ” bằng cụm từ “biết hoặc có cơ sở để biết”. Việc dùng cụm từ “biết rõ” trong điều luật hiện nay chưa phù hợp. Vì “biết rõ” thể hiện việc “biết” ở mức độ cao, mà khi người phạm tội không thừa nhận thì việc chứng minh ý chí chủ quan của người phạm tội là “biết rõ” sẽ rất khó. Do đó, cần thay thế bằng cụm từ có mức độ biết dễ xác định hơn như “biết hoặc có cơ sở để biết” thì sẽ phù hợp hơn. Và cũng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể cho cụm từ “biết hoặc có cơ sở để biết” tương tự như cách hướng dẫn ở Nghị quyết 03 đối với tội rửa tiền.

Bổ sung mức trị giá tài sản ở khoản 1. Từ khoản 2 đến khoản 4 điều luật đều có quy định trị giá tài sản nhưng ở khoản 1 thì không có. Theo tác giả, việc quy định trị giá tài sản ở khoản 1 là cần thiết. Bởi vì, khi có mức trị giá tài sản thì việc xác định hành vi phạm tội sẽ dễ dàng hơn. Việc quy định trị giá tài sản này thể hiện được mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà không cần quan tâm đến quá trình giải quyết hành vi vi phạm pháp luật trước đó của người có được tài sản.

Từ những kiến nghị trên, ta có điều luật hoàn chỉnh như sau:

“Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác vi phạm pháp luật mà có

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết hoặc có cơ sở để biết là do người khác vi phạm pháp luật mà có, với tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”./.

TAND huyện Võ Nhai, Thái Nguyên xét xử vụ án trộm cắp tài sản - Ảnh: Thu Viền

HUỲNH HẢI DUY (Tòa án quân sự Quân khu 9)
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

[1] Điều 323 BLHS 2015:

“1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

[2] Trần Mạnh Hà, “Những vướng mắc trong xử lý tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và một số kiến nghị”, https://vksndtc.gov.vn/tin-tuc/cong-tac-kiem-sat/nhung-vuong-mac-trong-xu-ly-toi-chua-chap-tieu-thu-d10-t7417.html?Page=3#new-related, truy cập ngày 15/11/2021.

[3] Theo phần I.8 Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao, “8. Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì “người tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có” có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hay không?

Theo quy định tại Điều 323 của Bộ luật Hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì: “1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30-11-2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì: “1. “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ...) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua); 2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có ” là có cần cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội”.

Như vậy, theo quy định tại Điều 323 của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn nêu trên thì mặt chủ quan của tội phạm này chỉ bắt buộc người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết tài sản đó do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có, mà không buộc người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ ai là người đã trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản đó và họ đã bị xử lý hình sự hay chưa. Do vậy, trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng có đủ chứng cứ chứng minh được ý thức chủ quan của người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ biết rõ các tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ là do người khác phạm tội mà có thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

[4] Vũ Tuấn Hai, “Về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 BLHS năm 2015”, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/ve-toi-chua-chap-hoac-tieu-thu-tai-san-do-nguoi-khac-pham-toi-ma-co-theo-dieu-323-blhs-nam-2015, truy cập ngày 15/11/2021.

[5] Theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy;phòng, chống bạo lực gia đình, “Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;”.

[6] Vũ Tuấn Hai, Tlđd (4).